Được phát triển bởi nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), điểm đặc biệt của robot này là khả năng đạp vào một bức tường, từ đó tạo đà để bật cao và xa hơn. Với những tiềm năng này, Salto được kỳ vọng một ngày nào đó có thể sẽ trở thành công cụ đắc lực trong công tác cứu hộ, ở các khu vực có địa hình nguy hiểm.
Khả năng phản xạ của robot được cho là một kỳ tích mà trước đây chúng ta chỉ có thể nhìn thấy trong tự nhiên. Và để đạt được điều đó, các nhà khoa học đã phát triển robot của mình nhờ cảm hứng được lấy từ loài galago (vượn mắt kính). Loài linh trưởng có vẻ mặt đáng yêu này được biết đến với khả năng nhảy đáng kinh ngạc của nó. Chỉ với vài bước nhảy, galago đã có thể di chuyển được hàng chục mét trong vài giây. Theo các nhà nghiên cứu, khả năng đặc biệt này của galago xuất phát từ bộ phận dữ trữ năng lượng có trong gân của chúng khi co lại. Càng co lại, năng lượng này càng lớn, giúp chúng nhảy càng xa. Dựa vào cơ chế này, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học California ở Berkeley đã phát triển một hệ thống bật nhảy được họ gọi là 'Vertical Jumping Agility Metric”, tập trung cả vào cao độ lẫn tốc độ nhảy.
Trong một cuộc họp báo nói về sự đột phá của robot, Duncan Haldane, nghiên cứu sinh tại Đại học Berkeley và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết chìa khóa để tạo ra Salto chính là phát hiện về khả năng phi thường của loài galago. Salto không hoàn toàn giống với những con galago lông lá, nhưng khả năng là có thể so sánh được. Qua đo đạc, các nhà nghiên cứu cho biết tốc độ nhảy của Salto là 1,75 mét/giây, một con số khá ấn tượng. Tốc độ này nhỉnh hơn so với ễnh ương (1,71 m/s), tuy nhiên vẫn thấp hơn khá nhiều so với galago (2,24 m/s).
'Trong phòng thí nghiệm, chúng tôi đặc biệt tập trung vào việc quan sát liệu chúng ta có thể vượt qua khả năng của động vật”, Ronald Fearing, giáo sư kỹ thuật máy tính và khoa học điện tại Berkeley, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. Để thực hiện những bước nhảy ấn tượng chỉ với cẳng và bàn chân cơ khí, các nhà nghiên cứu đã phát triển Salto với khả năng di động tương đối hạn chế, giúp cho chúng có thể “quay không kiểm soát khi rời khỏi mặt đất”, theo Mark Plecnik, một thành viên của nhóm. Điểm ấn tượng hơn của Salto chính là khả năng nhảy “parkour” của nó, giúp robot này có thể nhảy vào tưởng và bật ra xa hơn.
Một động cơ bên trong robot sẽ bắt đầu xoắn chiếc lò xo được gắn vào nó ngay khi khớp của Salto bắt đầu thu lại, làm gia tăng mức năng lượng dự trữ giúp nó nhảy lên. Khi robot bay lên và đạp vào 1 bức tường, cơ chế này một lần nữa hoạt động và giúp Salto nhảy lần thứ 2. Thay vì nảy ra từ một bức tường, robot thậm chí còn dựa vào đó để bật ra.
Để có thể đạp chính xác vào bức tường trong bước nhảy đầu tiên, robot sẽ tự theo dõi trạng thái bên trong nó cũng như vị trí tương đối của bàn chân khi nó bay lên không trung, theo các nhà nghiên cứu. 'Chúng tôi kiểm soát bàn chân robot sao cho nó tạo thành góc vuông với tường càng nhiều càng tốt”, Haldane cho biết. Ngoài ra, một bánh đà ở phía sau robot cũng giúp cho Salto bay đúng vị trí hơn. Tính đến nay, Salto không phải là robot nhảy cao nhất. Trước đây, từng có một robot có thể co lại và tích tụ năng lượng trong vòng 3 phút trước khi nó có thể nhảy lên ở độ cao đến 3 mét.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây chính là tốc độ. So ở khía cạnh này, Salto là robot đang có lợi thế. Trong công tác tìm kiếm cứu hộ, thời gian là thứ quý giá nhất và Salto chính là ứng cử viên sáng giá cho lĩnh vực này. Trong khi những robot cứu hộ khác sẽ phải bò qua một khoảng trống bằng cách leo xuống thông qua bức tường, Salto đơn giản chỉ cần nhảy qua.
Nguồn: Mashable