Công nghệ không gian sẽ giúp giám sát mức độ ô nhiễm môi trường ở phạm vi toàn cầu.
Chúng ta thường nghĩ đến NASA như một tổ chức hàng không vũ trụ với những mục tiêu to lớn như khám phá và chinh phục những hành tinh xa xôi trong không gian. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đang ấp ủ một số dự án lớn nhằm có những đóng góp thiết thực và gần gũi hơn đối với sức khỏe cộng đồng.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học của NASA tập trung chủ yếu vào việc tìm hiểu rõ hơn về địa cầu nhờ hệ thống quan sát Trái Đất (Earth Observing System), đẩy mạnh nghiên cứu ngành Vật lý Thái dương học (Heliophysics), khám phá các thiên thể trong khắp Hệ Mặt trời, và nghiên cứu các chủ đề liên quan đến Vật lý Thiên văn.
NASA hiện đang phối hợp cùng với Cơ quan vũ trụ châu Âu và chính phủ Hàn Quốc nhằm xây dựng kế hoạch phóng một loạt các cảm biến xác định ô nhiễm không khí vào trong không gian vũ trụ. Kế hoạch này nhằm giám sát và theo dõi các chất gây ô nhiễm không khí từ quỹ đạo Trái Đất. Dự án này có tên gọi là TEMPO sẽ giúp cung cấp một bức tranh chính xác hơn về cách thức các chất độc hại lan tỏa trong bầu khí quyển hiện nay.
Hệ thống vệ tinh TEMPO cảm biến ô nhiễm giúp cung cấp kết quả vô cùng chính xác và chi tiết. (Nguồn ảnh: cfa.harvard.edu).
'Ô nhiễm không khí thực sự là một vấn đề mang tính toàn cầu', theo Barry Lefer, nhà khoa học của NASA hiện đang giữ vai trò quản lý dự án TEMPO cho biết: 'Ô nhiễm gây ra bởi Mỹ có thể lan đến Châu Âu. Ô nhiễm từ Châu Á lại có thể lây lan ngược trở về Mỹ. Hiện nay, vệ tinh là phương pháp tốt nhất để giám sát sự tiến triển của mức độ ô nhiễm ở phạm vi toàn cầu'.
TEMPO khi phát triển đến đỉnh điểm sẽ tạo thành một hệ thống cảm biến dày đặc và thống nhất bao phủ toàn Trái Đất. Và chúng có thể giúp xác định vị trí của một lượng chất gây ô nhiễm không khí cho dù ở kích thước rất nhỏ. Tuy nhiên, có lẽ dự án táo bạo sẽ còn mất thêm nhiều năm nữa mới trở thành hiện thực.
NASA có kế hoạch khởi động giai đoạn đầu tiên của dự án này vào tháng 5 năm nay. Các cảm biến vệ tinh sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu ô nhiễm không khí từ bán đảo Triều Tiên và bắt đầu trải rộng ra toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
NASA đã tiến hành hoạt động thu thập dữ liệu ô nhiễm trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, nhiều công nghệ và thiết bị đã trở nên lỗi thời. Bên cạnh đó, kết quả thu được lại không đạt mức chính xác tuyệt đối vì NASA không nghiên cứu trực tiếp chất gây ô nhiễm. Thay vào đó, họ sẽ đánh giá các dạng ánh sáng tán xạ ra từ những hạt vật chất trong khí quyển. Mỗi loại hạt sẽ tạo ra một loại ánh sáng khác nhau. Hiện tượng này có tên gọi là 'dấu vân tay quang phổ' giúp các nhà khoa học có thể xác định được thành phần của các chất có trong không khí.
Mỗi năm, vấn đề ô nhiễm không khí chịu trách nhiệm cho hơn 150.000 trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ và hơn 2 triệu người chết ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc. Các nhà khoa học tại NASA hy vọng rằng dự án TEMPO sẽ giúp các cơ quan môi trường trên toàn thế giới tăng cường hiệu quả trong hoạt động phòng chống ô nhiễm môi trường.