Những vụ 'rút ruột' xăng máy bay tuồn bán ra ngoài thị trường được các chuyên gia nhận định có thể là một trong những nguồn cơn dẫn đến hiện tượng các phương tiện như ô tô, xe máy bị chết máy hoặc cháy nổ khi lưu thông trên đường.
Chiếc xe chở nhiên liệu nghi xăng máy bay bị tạm giữ
Vào ngày 4/3/2016, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9, Chi cục QLTT tỉnh Hưng Yên đã phát hiện ra xe ô tô mang biển kiểm soát 29 C 391.61 đang vận chuyển 8.815 lít chất lỏng, nghi là xăng, không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Theo các cơ quan trên, khi kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bồn chứa của chiếc xe trên có 3 khoang chứa nhưng lượng hàng trên lại của 2 chủ hàng khác nhau.
Lái xe kiêm chủ hàng của khoang số 1 chứa 4.610 lít chất lỏng là ông Trần Mạnh Tiến (sinh năm 1971), trú tại xã Sơn Cầm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Chủ hàng của 4.205 lít xăng còn lại của ông Đặng Minh Tâm (sinh năm 1973), trú tại thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên.
Theo lời khai ban đầu của 2 người này, họ đều thừa nhận số chất lỏng nghi là xăng nói trên là hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài về, nhưng sau đó lại khai mua từ một người dân không rõ tên tuổi, địa chỉ để bán kiếm lời và toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ gì kèm theo.
Điều đáng nói là trước khi chiếc xe trên bị phát hiện và bắt giữ tại khi dừng đỗ tại Trạm soát vé số 1, Quốc lộ 5A, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã báo cho Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hưng Yên về nguồn tin tố giác cho biết có hành vi móc nối bơm hút xăng dùng cho máy bay tại khu vực kho của Công ty TNHH Một thành viên 165 thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội (tại thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) để đưa ra ngoài, tiêu thụ trên thị trường.
Đáng chú ý, kết quả giám định số chất lỏng trên tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 1 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) thì mẫu hàng được kiểm tra trong số hàng trên không xác định được chỉ số ốc tan (chỉ số chống kích nổ) và hàm lượng chì trong số chất lỏng, cũng không có hiện tượng kích nổ khi dẫn nhiên liệu này vào buồng đốt.
Do đó cơ quan điều tra nghi xăng này không phù hợp với mức yêu cầu đối với các quy định về kỹ thuật của xăng không chì tại QCVN 1:2015/BKHCN.
Bán xăng phương tiện 'trên trời' cho phương tiện 'dưới đất'
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đây là vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều địa bàn, đối tượng và rất có thể số hàng hóa trên là loại xăng cao cấp chuyên dùng cho máy bay, bị lấy trộm, sau đó pha trộn rồi bán ra ngoài thị trường.
Nếu nghi vấn trên là đúng thì đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng một số phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường thì bị chết máy, cháy, nổ...gây nguy hiểm, mất an toàn cho người dân như báo chí vẫn phản ánh trong thời gian qua.
Lý do là theo ý kiến của hầu hết các chuyên gia về kỹ thuật máy bay cũng như xăng dầu, thì xăng đặc chủng cho máy bay với xăng dành cho phương tiện giao thông thông thường như ô tô, xe máy có sự khác nhau rất lớn.
Hình ảnh phương tiện xe máy bốc cháy giữa đường
Nếu như dùng xăng của phương tiện 'trên trời' cho các phương tiện 'dưới đất', chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng rất lớn, thậm chí gây nguy hiểm.
Theo PGS.TS Nguyễn Vĩnh Khanh - khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Xăng máy bay (chủ yếu là loại Jet A1) là một loại nhiên liệu tạo thành từ dầu kerosene (KO). Thành phần hóa học của Jet A1 chủ yếu là các hydrocarbon, do đó khác nhiều so với xăng A92 hoặc A95, giống dầu diesel hơn.
Nếu như sử dụng xăng máy bay cho các loại động cơ diesel (ví dụ xe buýt, xe tải, xe container...) thì có thể chạy được, vì tính chất của Jet A1 tương đối giống tính chất của dầu diesel.
Tuy nhiên với các loại động cơ xăng (như xe máy, ô tô gia đình...) thì không dùng được Jet A1. Dùng xăng máy bay cho xe máy chắc chắn sẽ bị chết máy hoặc hỏng động cơ do bị kích nổ.
Trong trường hợp pha xăng máy bay với các loại xăng A92, A95 thì tùy vào việc pha nhiều hay ít mà có thể sử dụng được cho động cơ xăng, xong khả năng gây hỏng hóc động cơ xe hoặc gây cháy nổ vẫn có thể xảy ra.
Cũng theo anh Nguyễn Trần Duy, nhân viên trong Bộ phận Kỹ thuật của Sân bay Quốc tế Nội Bài, loại xăng dùng cho máy bay là khác hẳn so với xăng dành cho các loại phương tiện giao thông.
Người ta còn gọi xăng máy bay là Avgas (Aviation Gasoline) để phân biệt với xăng sử dụng hàng ngày cho ô tô, xe máy là Mogas (Motor gasoline). Xăng máy bay là nhiên liệu có chỉ số ốctan cao, được sử dụng cho các máy bay hoặc dùng cho ô tô đua.
Xăng máy bay có tính bay hơi thấp hơn so với xăng thường để sử dụng tốt ở các cao độ lớn. Chỉ số chống kích nổ, nhiệt cháy, lưu tính, độ bền oxy hóa của hai loại xăng này cũng khác nhau.
Do đó khi dùng loại xăng máy bay cho các loại phương tiện như ô tô, xe máy sẽ có những ảnh hưởng lớn, bởi vì động cơ 'không khớp' với nhiên liệu, có khả năng gây hỏng hóc và thậm chí cháy nổ trong quá trình các phương tiện này hoạt động.
Theo lời của một chuyên gia xăng dầu, loại xăng máy bay chỉ dành riêng cho động cơ phản lực là loại xăng đặc dụng, khi pha chế không theo một quy trình, chất lượng đảm bảo nào thì càng nguy hại cho động cơ nổ của các phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, ôtô các loại…
Thông thường nhất là xăng máy bay sẽ được pha trộn với dầu DO. Việc sử dụng loại xăng pha này không những gây hỏng hóc máy móc cho các phương tiện mà còn có thể gây cháy, nổ bất ngờ khi đang lưu thông trên đường.
Không đủ căn cứ cấu thành tội phạm
Hiện trong quá trình điều tra, xác minh, các cơ quan chức năng của tỉnh Hưng Yên vẫn chưa chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa trên là hàng nhập lậu ở đâu, doanh nghiệp nào nhập, chưa xác định đối tượng bán, môi giới, chưa làm rõ tính chất hoạt động, phương thức, thủ đoạn mua bán...
Điều đáng nói là các cơ quan hữu quan của tỉnh Hưng Yên trong cuộc họp bàn về xử lý vụ việc trên lại thống nhất cho rằng, hành vi trên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không đủ căn cứ để cấu thành tội phạm theo điều 17, Nghị định số 185/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ban hành năm 2015 của Chính phủ).
Trong khi đó, các vụ trộm xăng máy bay, tuồn bán ra ngoài thị trường với số lượng lớn như vậy đến nay cũng không còn phải là những vụ việc 'hiếm có'.
Vào rạng sáng ngày 30/1/2015, lực lượng an ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đã bắt giữ hai nhân viên gồm lái xe và nhân viên kỹ thuật tra nạp của Vinapco đang cấu kết với người ngoài sân bay rút trộm xăng nạp cho máy bay.
Khi bị bắt quả tang cả hai nhân viên này đã lấy tổng cộng 789 lít xăng máy bay, tương đương hơn 15 triệu đồng. Sau đó, Công an quận Tân Bình (TP HCM) còn bắt được thêm 2 đối tượng liên quan đến đường dây rút ruột xăng máy bay này.
Cũng trong tháng 1/2015, một đường dây gồm 7 người cũng đã bị bắt giữ vì 'rút ruột' xăng máy bay. Đây đều là những nhân viên của hãng hàng không Jetstar Pacific, lơi dụng công tác kiểm tra, bảo trì động cơ, máy móc, tiếp nhiên liệu từ các chuyến bay của hãng khi lưu tàu bay qua đêm, chuẩn bị cho chuyến bay ngày hôm sau tại Tân Sơn Nhất.
Thủ đoạn của những đối tượng này là dùng xô đã chuẩn bị sẵn hứng xăng từ máy bay. Sau đó, đổ vào các thùng phuy có dung tích 200 lít đặt trên xe ô tô kỹ thuật và sử dụng xe này chở dầu về phòng kỹ thuật.
Rạng sáng, các đối tượng tiến hành san dầu từ các thùng phuy sang các can nhựa dung tích 30 lít. Những can này được cất giấu vào những thùng gỗ cách phòng kỹ thuật khoảng 25 mét. Đến trưa mỗi ngày, lợi dụng các nhân viên khác đi ăn trưa thì chúng sử dụng xe tải nhỏ đem ra ngoài tiêu thụ.
Sau khi bị phát hiện, vụ việc này đã làm rúng động dư luận, khi đường dây này hoạt động một cách bài bản trong một khoảng thời gian khá dài, với tổng số xăng ZA1 đã rút được lên tới gần 10.000 lít. Trung bình mỗi ca trực, các đối tượng rút từ 20-30 can 30 lít tương đương từ 600 đến 900 lít dầu.
Hải Anh (Theo VTC)