Sẽ ra sao nếu chính những hình ảnh và thông tin của con bạn do bạn đăng tải bây giờ sẽ tạo ra 'phiền toái và tai hại' cho chính nó khi xin việc, hay đi học vào 20 năm sau.
Dù yêu thích hay chán ghét thì Facebook cũng là một phần trong đời sống xã hội hiện nay, và sự xuất hiện của điện thoại thông minh đã giúp cho việc cập nhật thông tin dễ dàng hơn, không cần một nỗ lực nào.
Bầu chọn Ở Việt Nam, theo bạn có nên khoe hình con trên Facebook?
Chính điều này đã dần làm cho chúng ta bất cẩn hơn khi đăng tải một thông tin gì đó. Dần dần, những người lớn chúng ta phạm sai lầm, đăng tải những hình ảnh nhạy cảm hay những bình luận đầy giận dữ mà không suy nghĩ.
VIDEO: Cha mẹ bảo vệ con thế nào trên Facebook - Thực hiện: Thùy Dương
Đăng hình, thói quen không kiểm soát
Nhưng dù sao, chúng ta đều là người lớn và đó là lỗi lầm của chính chúng ta. Khi chúng ta đăng nhập vào một trang web xã hội đồng nghĩa với việc ta chấp nhận thông tin của mình bị rò rỉ ở một mức độ nào đó. Thế nhưng những đứa con của chúng ta thì sao?
Thực tế, có những nhóm người bí mật lấy cắp thông tin và hình ảnh trẻ để phục vụ cho mục đích đen tối
Hầu hết các bậc phụ huynh đều đăng tải hình ảnh con cái của mình hoặc thông tin về tính tình trẻ trên Facebook, Instagram hay Twitter và điều đó có thực sự an toàn, đúng đạo lý hay không thi chúng ta phát tán thông tin về người mà họ chưa có khả năng thể hiện chính kiến hay sự đồng ý của mình?
Một khảo sát ở Mỹ đã công bố rằng 63% các bà mẹ dùng FB và 97% số này đều sử dụng FB để đăng tải hình ảnh con cái mình. 89% dòng trạng thái nói về con và 46% là video của những đứa nhỏ. Hành động này hầu hết làm theo bản năng vì phụ nữ là những người có nhu cầu chia sẻ, tâm sự về gia đình, con cái. Thậm chí có những bậc phụ huynh đăng ảnh khỏa thân, hay check-in ở nơi nào đó làm cho thông tin về trẻ bị rò rỉ.
Luật sư Wolfram Grünkorn (Công ty Luật Grünkorn &Partner tại TPHCM)
Đây thực sự là một vấn đề khó, mỗi quốc gia, mỗi thẩm quyền sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Châu Âu đã phát triển trong sự đối lập với Google trong “Right to be forgotten” (Quyền được quên), họ đã thiết lập hệ thống luật pháp riêng buộc Google phải gỡ bỏ vài thông tin cá nhân từ kết quả tìm kiếm.
Từ việc sử dụng FB quá dễ dàng đã khiến nhiều trẻ em trở thành “thú vui” cho bố mẹ. Một mặt cha mẹ có quyền và nghĩa vụ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ, mặt khác trẻ cũng có những quyền cá nhân buộc cha mẹ phải tôn trọng và bảo vệ. Tấm hình của con bạn đăng hôm nay, hôm sau bạn có thể tháo xuống nhưng trên mạng xã hội nó sẽ tồn tại mãi mãi. Tại châu Âu, chính quyền có thể hành động để chống lại cha mẹ nếu họ có bằng chứng rằng lợi ích của đứa trẻ đang bị đe dọa. Luật pháp châu Âu cũng quy định, đăng những hình ảnh có tính khiêu dâm của trẻ em là phạm tội hình sự, hình phạt cũng tương tự đối với những người kinh doanh, xem hoặc tải chúng. Tuy nhiên, trong thực tế, có những nhóm người bí mật tìm kiếm những tấm hình này, sau đó cung cấp và lưu giữ chúng. Điều này cũng cảnh cáo các bậc cha mẹ có thói quen chụp hình con trần truồng trên bãi biển, nó không phải hình khiêu dâm nhưng người khác sẽ biến nó thành khiêu dâm. (Du Miênghi)
Thông thường, bố mẹ đăng tải ảnh con mình vì muốn lưu lại thời khắc trưởng thành của đứa nhỏ hoặc gửi đến những người bạn thân thiết và dòng họ ở xa xem.
Những bậc phụ huynh ở các nước châu Âu cũng đã làm và nó dường như vô hại bởi các ông bố, bà mẹ đã cài đặt chế độ chia sẻ chỉ cho những người trong danh sách bạn bè chứ không phải công khai. Nhưng như vậy đã đủ tốt hay chưa?
Câu chuyện về Linda Geddes kể rằng cô đã rất vui khi chia sẻ hình ảnh con mình và con một người bạn thân vì nghĩ rằng những hình ảnh đó lũ trẻ sẽ thấy được từng bước trưởng thành và mối quan hệ thân thiết của hai gia đình.
Tuy nhiên, bạn thân cô đã gửi một email xin xóa bức ảnh đó vì quyền của đứa bé, nhất là khi nó còn quá nhỏ. Điều này đã khiến Linda nghĩ lại về hình ảnh mình đăng tải trên những trang mạng xã hội có thực sự tốt cho đứa trẻ như mình nghĩ và cô nhận ra mình vô tình không tôn trọng con khi đăng hình đứa nhỏ mà chúng chưa đủ lớn để đồng ý hay không.
Có hai điều cần đặc biệt lưu ý, một là lượng thông tin chúng ta đăng tải, nó có thể cho biết ngày sinh, nơi sinh, họ và tên đứa nhỏ hoặc bất kỳ hình ảnh liên quan mà bạn bè đăng tải cũng có thể cung cấp thông tin về vị trí địa lý hay bất cứ thứ gì khiến cho những người khác lấy cắp danh tín của con bạn để phục vụ những mục đích của họ ví dụ như những hãng quảng cáo, họ có thể thu thập thông tin về trẻ em cho hoạt động quảng bá sữa, tã lót…
Ảnh hưởng tương lai của trẻ
Sonia Livingstone, chuyên gia tâm lý xã hội học ở trường kinh tế thủ đô Luân Đôn, nghiên cứu về trẻ em và mạng xã hội, trạng thái về hình ảnh của đứa nhỏ khi bị đăng tải là điều cần chú trọng. Chúng ta nên nghĩ về cái giá phải trả khi đăng tải một bức ảnh, nếu đó là tấm hình của con chúng ta với dấu bạt tay trong cơn giận dữ, nó có thể có hậu quả về sau. Không phải tấm ảnh nào cũng vậy nhưng có những tấm ảnh sẽ gây ra rắc rối.
Vấn đề thứ hai xoay quanh việc chấp thuận. Những thông tin bố mẹ đăng tải có thể là những thông tin đứa trẻ sẽ không muốn thấy về sau này.
Theo trang tuyển dụng việc làm Career Builder, hơn một phần năm các nhà tuyển dụng sử dụng mạng xã hội liên kết để tìm nhân viên, và gần như 59% đều thừa nhận họ có xem xét sự tồn tại của người đó trên mạng xã hội.
Khi những đứa trẻ đăng ký vào các trường đại học hay xin việc, nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm tên chúng trên mạng thông qua hệ thống Google và có thể hiện ra những hình ảnh hoặc thông tin lúc nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta không biết phạm vi chính xác của việc làm này. Có những bậc phụ huynh chia sẻ về thói xấu của con mình và tìm kiếm sự giúp đỡ như con hay có thói quen cạo sơn móng tay của mẹ hoặc gặm móng chân của tất cả mọi người.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Ở Việt Nam có những quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, nhưng chưa có quy định việc cấm đăng ảnh con lên facebook.
'Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác”.
Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Nếu xâm hại quyền cá nhận về hình ảnh nói chung, quyền hình ảnh của trẻ em thì sẽ bị chế tài theo quy định Bộ luật Dân sự. Còn hành vi xâm phạm thân thể đối với trẻ em thì tùy hành vi cũng như tính chất, mức độ mà bị xem xét xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. (Vũ Phượng ghi)
Những trang mạng xã hội thường bán các thông tin ấy, và đó là cách họ kiếm lợi nhuận từ những người dùng hệ thống của họ. Và hơn nữa, với cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, mạng xã hội sẽ ngày càng tân tiến, những bức ảnh chụp vội và những thông tin này một ngày nào đó có thể quay lại ‘đâm sau lưng’ đứa con của chúng ta.
Nhiều bậc phụ huynh đã sử dụng tên gọi con ở nhà thay cho tên thật phòng trường hợp cài đặt chia sẻ vẫn không đủ an toàn, để bảo vệ con khỏi những người hứng thú với thông tin cá nhân của đứa trẻ tính tới thời điểm hiện tại.
“Đây có thể là một cách để bảo vệ bây giờ nhưng 10, 20 năm nữa khi những đứa trẻ tới tuổi trưởng thành thì sẽ ra sao? Rất khó để biết Facebook sẽ phát triển như thế nào trong thập kỷ tới, tôi ngờ rằng không ai trong chúng ta biết cả” - Sarita Yardi Schoenebeck, đại học Michigan, người nghiên cứu về mối quan hệ giữa các bà mẹ và mạng xã hội cho biết.
Chưa kể, khi chúng ta đã kỹ lưỡng trong việc cài đặt chế độ chia sẻ hình ảnh con, vẫn sẽ có khả năng tài khoản chúng ta bị đánh cắp và mọi thông tin sẽ bị rò rỉ.
Pháp luật sẽ can thiệp nếu cha mẹ không biết cách bảo vệ con từ các trang mạng xã hội
Khi con cái lớn, có thể chúng sẽ không thích những hình ảnh này và thực tế có nhiều đứa trẻ bị trêu chọc bởi hình ảnh bố mẹ chúng đăng tải. Và đã có những chiến dịch ở nước ngoài cho phép trẻ em được quyền gỡ những thông tin liên quan tới chúng ở một độ tuổi nhất định (16 tuổi) để tránh ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống cá nhân.
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thể ảnh hưởng đến việc đăng tải ảnh của con. Khi đứa nhỏ có mâu thuẫn thì những thông tin này sẽ thêm dầu vào lửa làm mối quan hệ trở nên căng thẳng vì đứa nhỏ cảm thấy bị xâm phạm đời tư.
Tòa án Anh có luật, công dân có quyền gỡ những thông tin cá nhân sai lệch từ các trang web cũng như tránh khỏi các công cụ tìm kiếm trên mạng xã hội. Quyền này được gọi là quyền được lãng quên.
Theo luật riêng tư nghiêm ngặt của Pháp, bất cứ ai bị kết án về hành vi đăng tải và phát tán hình ảnh của người khác mà không có sự đồng ý của họ, người đó có thể đối mặt với án phạt là một năm tù giam hoặc phải trả một khoản tiền khoảng 35.000 bảng Anh (45.000 euro).
Quy định này cũng sẽ được áp dụng với hành vi phát tán hình ảnh con cái của các bậc cha mẹ, khi những đứa trẻ còn quá nhỏ để nhận thức và tự đưa ra quyết định có đăng tải công khai những hình ảnh đó hay không.
Children's Online Privacy Protection Act năm 1998 (gọi tắt là COPPA) là một đạo luật ban hành ngày 21 tháng 10, 1998).
Đạo luật này, có hiệu lực từ ngày 21 tháng 4 năm 2000, áp dụng cho việc thu thập trực tuyến các thông tin cá nhân từ trẻ em dưới 13 tuổi bởi những người hoặc các đơn vị thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ.
Nó vạch ra chi tiết những gì một nhà điều hành trang web phải bao gồm trong chính sách bảo mật, khi nào và làm thế nào để được sự chấp thuận kiểm chứng từ cha mẹ hoặc người giám hộ, và trách nhiệm một nhà điều hành để bảo vệ sự riêng tư và an toàn của trẻ em trực tuyến bao gồm hạn chế về tiếp thị cho những người dưới 13 tuổi. Trong khi trẻ em dưới 13 tuổi hợp pháp có thể đưa ra thông tin cá nhân với sự cho phép của cha mẹ, nhiều trang web hoàn toàn không cho phép trẻ em tuổi vị thành niên sử dụng dịch vụ của họ vì số lượng giấy tờ liên quan.
Bùi Thư
Ảnh: Shutterstock