Theo Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM), TP.HCM tiếp tục dẫn đầu về mức độ ứng dụng TMĐT trong năm 2015.
Thứ hạng kế tiếp (về chỉ số này) là các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Hải Phòng…
Mua bán qua mạng đang là xu hướng của người tiêu dùng.
Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2015 (EBI) được VECOM công bố dựa trên bốn chỉ số thành phần, bao gồm: Hạ tầng CNTT và nguồn nhân lực; giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C); giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B); và, giao dịch giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp (G2B).
Và, nó được xây dựng trên cơ sở từ các cuộc khảo sát gần 5.000 doanh nghiệp trên cả nước. Chỉ số EBI vẫn tiếp tục được xây dựng từ bốn chỉ số thành phần chính, là hạ tầng CNTT và nguồn nhân lực, các giao dịch B2C, B2B và G2B như những năm trước, nhưng từ năm 2015, việc xây dựng ba chỉ số đầu tiên có xem xét thêm các tiêu chí về tên miền, mức thu nhập của cư dân và số doanh nghiệp bình quân theo dân số của mỗi địa phương.
Tính gộp cả bốn chỉ số, Top năm tỉnh/thành phố có mức ứng dụng TMĐT cao nhất cả nước là: TP.HCM – với 73,3 điểm, Hà Nội (72 điểm), Đà Nẵng (62,2 điểm), Bình Dương (55 điểm) và Hải Phòng (54,4 điểm).
Hai vị trí đầu bảng là TP.HCM và Hà Nội đạt tổng điểm “sát nút” nhau ở bốn nhóm chỉ số thành phần (chỉ chênh 1,3 điểm).
Cụ thể hơn, nếu như Hà Nội vượt TP.HCM ở chỉ số hạ tầng CNTT và nguồn nhân lực (với 84,6 điểm so với 80,2 điểm), thì TPHCM lại “ăn điểm” hơn Hà Nội ở các chỉ số còn lại: G2B (TP.HCM đạt 77,7 điểm so với 76 điểm của Hà Nội), B2C (70,2 điểm so với 68,9 điểm) và B2B (67,8 điểm so với 61 điểm).
Riêng ở chỉ số G2B, Đà Nẵng đạt cao nhất, với 79 điểm.
Lazada, một trong những doanh nghiệp TMĐT có sự tăng trưởng mạnh trong vài năm gần đây. Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Theo VECOM, chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2015 đã có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương dẫn đầu và các địa phương có số điểm thấp. Kết quả thống kê của VECOM cho thấy, khoảng cách chênh lệch về điểm trung bình giữa nhóm năm tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất (63,4 điểm), so với nhóm năm tỉnh, thành phố có chỉ số thấp nhất (32,9 điểm) lên tới hơn 30,5 điểm. Trong khi đó, năm 2014, con số này là 20,3 điểm và năm 2013 là 18 điểm.
Kết quả thống kê cũng chỉ ra, trong ba năm qua (2013-2015), sự chênh lệch về mức độ ứng dụng và phát triển TMĐT ở các địa phương đang tăng dần theo thời gian. Các tỉnh, thành phố lớn tiếp tục dẫn đầu ở các chỉ số hạ tầng CNTT và nguồn nhân lực, giao dịch TMĐT… so với các tỉnh khác, đặc biệt là vùng núi.
Hiện, chỉ có các tỉnh thành lớn như Đà Nẵng, Bình Dương và Hải Phòng có thể so sánh về chỉ số G2B với TP.HCM và Hà Nội, nhưng về các chỉ số còn lại đều có khoảng cách chênh lệch lớn.
Ba chỉ số giao dịch TMĐT phổ biến hiện nay là B2C, B2B và G2B đều phát triển tốt trong ba năm qua. Các doanh nghiệp đã có sự đầu tư, tăng cường ứng dụng TMĐT trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau, như trên trang web, qua thiết bị di động...
Nắm bắt nhu cầu mua sắm qua các thiết bị di động, đang tăng nhanh trong thời gian gần đây, trong năm 2015, đã có 26% số trang web của các doanh nghiệp TMĐT có phiên bản di động. Đặc biệt, có 28% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết, đã sử dụng các mạng xã hội cho việc kinh doanh, tăng 4% so với năm 2014.
Theo VECOM, mạng xã hội đã và đang trở thành phương tiện kinh doanh quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp.
Thanh Trà