Giới chức Mỹ đã gửi Volkswagen một trát dân sự liên quan đến hành vi không minh bạch về cắt giảm thuế và tiền hoàn trả cho khách hàng trong vụ bê bối gian lận khí thải.
Đại lý bán xe Volkswagen ở Bắc Virginia (Mỹ) ngày 29/9/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tập đoàn sản xuất ôtô Volkswagen (VW) hàng đầu của Đức tiếp tục gặp rắc rối khi giới chức Mỹ ngày 8/3 đã gửi hãng này một trát dân sự liên quan đến hành vi không minh bạch về cắt giảm thuế và tiền hoàn trả cho khách hàng trong vụ bê bối gian lận khí thải, gây chấn động dư luận.
Một nguồn tin thân cận cho hay trát dân sự này dựa vào 'Đạo luật về Thực thi, Khôi phục, Cải cách các Thể chế tài chính' của Mỹ, được ban hành từ năm 1989.
Theo đạo luật này, lực lượng chức năng Mỹ có thể mở cuộc điều tra sâu rộng đối với các sai phạm của các thể chế tài chính trong thời hạn là 10 năm.
Nguồn tin cho hay giới chức Mỹ đang tìm kiếm thông tin về những khoản thuế được cắt giảm đối với sản phẩm của VW có cài đặt thiết bị gian lận và và các khoản tiền hãng này hoàn lại cho các khách hàng từng mua xe chạy động cơ diesel.
Chi nhánh VW tại Mỹ đã từ chối bình luận về thông tin hãng này có trát hầu tòa mới.
Hãng sản xuất ôtô lớn nhất của Đức đã lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ khi hãng này ra đời, do bị phát hiện cái phần mềm gian lận khí thải cho hơn 11 triệu xe ôtô động cơ diesel trên toàn thế giới, ước tính riêng tại Mỹ có khoảng 600.000 xe.
Hãng này thừa nhận nhiều dòng xe chạy bằng động cơ diesel như Volkswagen, Audi và Porsche được quảng cáo là thân thiện với môi trường đã được bí mật lắp các thiết bị gian lận để che giấu mức khí thải gây ô nhiễm môi trường cao hơn hơn quy định.
Hãng này sẽ phải tốn tới hàng chục tỷ USD chi cho các khoản phạt và bồi thường.
Tại Mỹ, VW đang phải đối mặt với hàng loạt vụ điều tra của cơ quan chức năng Mỹ và khoảng 500 vụ kiện riêng rẽ với các khách hàng từng mua xe cài đặt thiết bị gian lận.
Ngày 24/3 tới đây là hạn chót để VW đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục cho 600.000 ôtô đang lưu hành tại Mỹ.
Hồi tháng Một vừa qua, Bộ Tư Pháp Mỹ đã kiện VW do vi phạm các luật về môi trường của Mỹ với khoản tiền phạt lên tới 46 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các sản phẩm Audi và Porsche phiên bản năm 2016 cũng bị cấm bán tại thị trường nước này. VW đã nỗ lực khôi phục lại danh tiếng của mình khi đưa ra nhiều đề xuất về chương trình bồi thường và khắc phục lỗi cho khách hàng tại Mỹ.
Tuy nhiên, Ủy ban các nguồn tài nguyên khí California (CARB) và Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã bác các đề xuất này.
Vụ bê bối khí thải đã khiến Giám đốc điều hành của VW Martin Winterkorn phải từ chức.
VW thông báo sẽ thu hồi xe trên toàn thế giới để khắc phục sự cố, đồng thời đưa ra chỉ dẫn cài lại phần mềm khai báo khí thải cho các khách hàng.
Tập đoàn này cho biết đã chi 6,5 tỷ euro (tương đương 7,3 tỷ USD) cho chiến dịch khắc phục hậu quả này, song một số nhà phân tích cho rằng số tiền VW bỏ ra có thể lớn hơn rất nhiều.
Vụ thu hồi xe của VW trên toàn thế giới được coi là một trong những vụ thu hồi lớn nhất trong lịch sử, sau khi tập đoàn Toyota thu hồi 10 triệu xe năm 2009-2010./.