Không hẳn được tập trung ưu ái sản xuất, phát sóng các chương trình giải trí có tính tương tác cao, nhiều sản phẩm như phim truyền hình ăn khách, có khi là các chương trình diễn hài cũng được đầu tư phân bổ cho về các kênh truyền hình tỉnh hoặc các kênh giải trí ít “truyền thống” xưa nay.
Có lẽ chưa bao giờ khán giả các vùng nông thôn có nhiều điều kiện lựa chọn sản phẩm truyền hình nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, mặt ít tích cực trong câu chuyện này nhiều khi không nằm ở nội dung chương trình phát sóng…
Khi bộ phim truyền hình nhiều tập của Ấn Độ - Cô dâu 8 tuổi “làm mưa làm gió” trên sóng truyền hình và cả cộng đồng mạng, vào gia đình tại nhiều vùng quê sẽ không khó để thấy rất nhiều sản phẩm, thương hiệu vốn còn khá mới với số đông trước đó lại được lựa chọn sử dụng rất nhiều. Đây là tín hiệu đáng mừng cho cả đơn vị đưa sản phẩm về phát sóng, nhà đài lẫn các nhà sản xuất có sản phẩm quảng cáo. Sự e ngại, có lẽ là thuộc về đối tượng khán giả.
Với niềm tin lớn vào các thông tin trên đài truyền hình nói riêng, phương tiện truyền thông chính thống nói chung, việc người dân các khu vực nông thôn nói riêng, khu vực đối tượng khán giả có trình độ dân trí chưa cao như hiện nay, sự “ăn theo” của các sản phẩm quảng cáo trong chương trình kéo theo không ít băn khoăn.
Bởi lẽ, từ chất lượng sản phẩm trong thực tế so với nội dung quảng cáo có khi là một khoảng cách rất xa. Chưa kể, các sản phẩm được quảng cáo công khai trên truyền hình, các kênh thông tin đại chúng hiện nay chưa hẳn được kiểm soát tốt.
Ngoài một số vụ việc phát hiện vi phạm và bị xử lý vì xác định có tính chất lừa đảo, sai sự thật, rất nhiều các sản phẩm quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng rất dễ gây ngộ nhận cho đối tượng tiếp nhận. Nhất là đối tượng đó là những người già, trẻ em, những người có nhận thức còn hạn chế.
Sự phát triển của thị trường giải trí trên diện rộng tạo thêm nhiều cơ hội cho các gương mặt trẻ.
Theo dõi các quảng cáo sản phẩm chức năng trên sóng truyền hình, không khó để nhận thấy, mặc dù đơn vị quảng cáo có kèm theo các khuyến cáo kiểu như: “Sản phẩm này không phải thuốc chữa bệnh”… song những khuyến cáo này thường rất nhanh, mờ nhạt so với những viễn cảnh vô cùng đẹp đẽ được tạo ra trong nội dung trước đó.
Trong một giao lưu, chia sẻ về sách và sức khỏe, đặc biệt là thực phẩm chức năng, bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc từng “vạch trần” công dụng thực của các sản phẩm chức năng. Bác sĩ cho biết, cả cuộc đời gắn với nghề y, ông nhận thấy những người già và trẻ em thường là những đối tượng dễ bị “dụ” nhất.
Có những bệnh nhân, khi đến khám bệnh còn “kê” ra hàng đống các sản phẩm thực phẩm chức năng và than phiền nếu không dùng thì tiếc mà theo hoài thì cũng ngán. Những sản phẩm này đều có giá bán rất cao ngoài thị trường. Vì thương cha mẹ, sợ cha mẹ buồn tủi nên thường con cái vẫn chấp nhận bỏ tiền mua sản phẩm để chiều lòng đấng sinh thành, dù rằng bản thân họ không hẳn tin vào quảng cáo. Về phía bác sĩ trị bệnh cho bệnh nhân, ông hiểu rất rõ rằng người bệnh của mình hoàn toàn có thể thay thế các sản phẩm chức năng đắt đỏ ấy bằng những chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh mỗi ngày…
Tất nhiên, những hệ lụy phát sinh sau sự phát triển, chuyển dịch của thị trường giải trí không hẳn chỉ là chuyện quảng cáo và niềm tin có khi bị lạm dụng của đối tượng tiếp nhận thông tin. Sự ra đời ồ ạt của các chương trình, sản phẩm còn kéo theo nhiều hệ quả không mong muốn khác.
Sự xuất hiện dày đặc của một số gương mặt được yêu thích trong các chương trình phát hành, phát sóng khiến người xem không hẳn có nhiều lựa chọn. Việc tham gia quá nhiều chương trình cùng lúc có thể không chỉ “vắt kiệt” nghệ sĩ về mặt thể chất mà còn cả sự sáng tạo nên họ sẽ rất dễ lặp lại mình.
Về phía nhà sản xuất, dù cố gắng, nỗ lực làm mới chương trình để cạnh tranh, thu hút khán giả nhưng dễ cho ra đời những chương trình, sản phẩm bị lặp lại cả về ý tưởng, phương thức triển khai. Đó là chưa kể những chiêu trò thiếu lành mạnh nhằm câu kéo sự chú ý của khán giả hoặc việc một chương trình được phát sóng cùng lúc tại rất nhiều nhà đài, nhiều kênh phát hành trực tuyến khác nhau.
Vì vậy, có thể số lượng sản phẩm nhiều, thị trường có vẻ được mở rộng nhưng không hẳn vì thế mà khán giả, người thụ hưởng sản phẩm có nhiều sự lựa chọn thực sự hữu ích như cần và nên có.
Ngọc Nguyễn