Ngày 26.2 vừa qua đúng thời điểm bộ phim “Ngọa hổ tàng long” phần 2 ra mắt ở thị trường Bắc Mỹ, rất nhiều khán giả Việt Nam đã được xem Ngô Thanh Vân diễn xuất trong đó cùng lúc với những khán giả đầu tiên của Bắc Mỹ. Nhưng khán giả Việt Nam không xem bộ phim ấy ở rạp chiếu phim như các lần ra mắt phim Tây, ta, Tàu đủ loại. Họ xem nó theo một cách khác.
Chắc nhiều người sẽ nghĩ, khán giả Việt Nam xem các bản lậu được tuồn ra ngoài và trôi nổi trên các trang mạng cung cấp dịch vụ xem phim HD miễn phí. Sai hoàn toàn. Họ xem “Ngọa hổ tàng long 2” một cách đàng hoàng, chính đáng, có bản quyền chứ không phải như một sảnn phẩm bị đánh cắp. Họ xem với Netflix, nhà cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến hàng đầu thế giới.
Dễ hiểu, “Ngọa hổ tàng long 2” là một bộ phim thuộc diện “Netflix Original”, tức là có sự tham gia của Netflix trong sản xuất, hoặc phát hành lần đầu. Bởi thế, nó sẽ được ra mắt trên Netflix cùng thời điểm với phiên bản chiếu rạp. Và trong năm 2016, ngoài phim này, sẽ còn có 8 bộ phim nữa được ra mắt trên Netflix theo kiểu đó, rải rác từ nay tới cuối năm.
Phải thừa nhận, Netflix đã thổi một luồng sinh khí mới vào hoạt động giải trí điện ảnh sau khi họ chính thức mở cửa kinh doanh ở thị trường Việt Nam. Với kho phim dồi dào, đầu tư thiết bị không hề tốn kém, Netflix giúp người mê điện ảnh có thể theo dõi rất nhiều tác phẩm điện ảnh tại nhà với chất lượng cao nhất. Và nếu có tiền đầu tư để biến căn phòng giải trí trong nhà mình thành một home-cinema thực sự, người dùng sẽ có cảm giác không khác gì ở rạp chiếu phim.
Poster phim “Ngọa hổ tàng long 2”.
Trước thời điểm Netflix ra mắt “Ngọa hổ tàng long 2”, làng giải trí Việt Nam đón nhận tin vui từ bộ phim “Em là bà nội của anh” với mức doanh thu kỷ lục trên trăm tỉ đồng. Doanh số bán vé ấy có thể sẽ kích thích giới làm phim đầu tư nhiều hơn nữa vào phim chiếu rạp, cố gắng tìm kiếm những kịch bản hấp dẫn, cố gắng khai thác cách làm phim ăn khách nhất, cố gắng truyền thông quảng bá cho phim một cách hiệu dụng nhất hòng phá kỷ lục phòng vé mà “Em là bà nội của anh” đã xác lập. Song, rất có khả năng, sẽ chẳng có bộ phim nào phá được kỷ lục ấy cả. Đừng vội nghĩ đó là nhận xét “trù ẻo” hay bi quan mà thực tế, thị trường giải trí thế giới đã vặn mình biến chuyển cực nhiều mà Việt Nam chắc chắn cũng sẽ xuôi chiều theo xu hướng chung, khi sự cập nhật đã ngày một trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ vào nền tảng công nghệ thông tin hiện nay.
Thực tế, xem “Ngọa hổ tàng long 2” ra mắt trên Netflix, chúng ta mới nhìn thấy bối cảnh của công nghiệp giải trí thế giới hiện nay và tương lai gần đã khác. Lực lượng khách hàng chủ đạo đã không còn là “khán giả thụ động” nữa mà là những “người dùng chủ động”, tức là những chủ thuê bao các tài khoản của các ứng dụng cung cấp nội dung giải trí trên Internet. Sự vươn rộng của Internet đã khiến nhiều concert được chuyển tải tới khán giả khắp nơi bằng cách “live streaming” và điện ảnh cũng không nằm ngoài cuộc chơi này. Bởi thế, với những nhà cung cấp dịch vụ như Netflix, với giá thuê bao rất mềm (khoảng 10USD/tháng), đã bắt đầu chiếm lĩnh thị trường và biến tương quan xem phim online với xem phim chiếu rạp giống như tương quan báo điện tử với báo in hôm nay. Với sự hậu thuẫn của công nghệ và nhu cầu cá nhân của người dùng như nhu cầu chủ động lựa chọn nội dung, nhu cầu riêng tư, nhu cầu lưu trữ…, xem phim tại nhà chắc chắn sẽ chiếm lĩnh đa phần thị trường, thậm chí có thể khai tử phim chiếu rạp trong hơn chục năm nữa nếu như các rạp chiếu phim không mang lại các dịch vụ giá trị gia tăng đặc thù chỉ riêng nó có được.
Trong khoảng hơn 10 năm gần đây, thị trường giải trí đã chứng kiến sự sụp đổ, giải thể của rất nhiều hãng đĩa lớn và sự cáo chung của thị trường CD trước sức tấn công dữ dội của thị trường nhạc số. Bây giờ đến lượt điện ảnh và “Ngọa hổ tàng long 2” đã cho thấy cái thế rồng, hổ đang mai phục thị trường điện ảnh chiếu rạp truyền thống. Và trước thế mai phục ấy, những nhà sản xuất phim Việt cũng phải nghĩ đến cách tham gia thị trường một cách hiệu quả chứ không phải chỉ theo một cách sơ khởi như một hai nhà cung cấp dịch vụ có tiếng trong nước hiện nay, vẫn đi theo con đường ngoài tiền thuê bao tháng, nếu muốn xem phim mới thì phải đóng thêm tiền. Cách làm thiển cận và chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt ấy chắc chắn sẽ khiến thị trường giải trí kỹ thuật số của Việt Nam bị khống chế bởi các hãng nước ngoài hoàn toàn. Và ngày ấy cũng không quá xa, khi các ông lớn của làng giải trí kỹ thuật số đã và sẽ xuất hiện trọn vẹn ở Việt Nam chỉ trong năm 2016 này thôi.