Dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới của VTV, theo nhiều chuyên gia kỹ thuật về truyền hình, sẽ không có ý nghĩa gì đối với việc phát triển ngành truyền hình, mà chỉ phù hợp với những mục đích khác như: Để lập một kỷ lục nào đó, hoặc để làm thương mại hay du lịch.
Hình ảnh dự kiến của Tháp Truyền hình Việt Nam (ảnh: theo vtv.vn)
Trao đổi với ICTnews về hiệu quả của Dự án xây dựng tháp truyền hình Việt Nam của VTV đối với ngành truyền hình Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Nhiếp, một chuyên gia kỹ thuật kỳ cựu trong lĩnh vực kỹ thuật truyền hình cho hay, việc đầu tư một tháp truyền hình quá cao không có ý nghĩa gì đối với việc phát triển ngành truyền hình hiện nay. Vì Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi sang phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2, phát sóng với một số mạng đơn tần. Trong khi mạng đơn tần chỉ có phép phát sóng công suất vừa phải với một phạm vi phủ sóng cho phép. Cột anten quá cao thường đi kèm với công suất lớn sẽ gây nhiễu ở vùng xa nhất là trong điều kiện đồi núi, không phù hợp với mạng đơn tần DVB-T2.
“Việc đầu tư xây dựng một tháp truyền hình quá cao để phát sóng truyền hình số trong mạng đơn tần là phản khoa học. Việc đầu tư để xây dựng tháp truyền hình cao “nhất nhì” thế giới chỉ phù hợp với những mục đích khác như: ví dụ để lập một kỷ lục nào đó, hoặc để làm thương mại hay du lịch thì hãy làm. Tuy nhiên sẽ phải cân nhắc xem có xứng với số tiền bỏ ra đầu tư hay không?”, ông Nhiếp nói.
Một chuyên gia kỳ cựu khác trong ngành truyền hình là Tiến sỹ Phạm Đắc Bi cũng dí dỏm khi nói với ICTnews rằng: “Tôi ủng hộ xây tháp truyền hình cao hơn nữa, có thể là 666 m hoặc 686 m. Tuy nhiên, trên tòa tháp cao nhất thế giới này nên trang bị nhiều ống nhòm để khách du lịch lên nhìn lên đến đỉnh núi Tam Đảo, Tản Viên để thấy núi đồi hùng vĩ. Xa xa về phía nam, phía đông, phía đông bắc là cánh đồng lúa có thêm nghề nuôi nhiều cò trắng. Xen kẽ các cánh đồng lúa, VTV nên mua thêm đất trồng cỏ nuôi các đàn trâu bò nhởn nhơ ăn cỏ - cái này chỉ Việt Nam ta mới có. VTV sẽ thu bội tiền từ khách du lịch, đẩy nhanh thời gian hoàn vốn”.
Theo Tiến sỹ Phạm Đắc Bi, sang công nghệ phát hình số DVB-T2, rải mạng với các máy phát công suất không lớn, chỉ tầm 2-3 kW và phát từ các cột cao 125 m, 150 m, cá biệt mới có cột cao 252 m (như cột của Đài PT-TH Hà Nội), cột phát sóng cách xa nhau 80-90km là đạt hiệu quả kinh tế cao, tối ưu nhất cho cả nhà phát sóng và các hộ dân thu sóng.
Tiến sỹ Phạm Đắc Bi phân tích, thực tế, ở Việt Nam, trước đây AVG chỉ thuê nóc tòa nhà Keangnam cao 72 tầng - tòa nhà cao nhất Hà Nội hiện nay, cùng với trạm phát trên đồi Thiên Văn (Phủ Liễn, Kiến An, Hải Phòng) và trạm phát tại Nam Định là đã giải quyết phủ sóng rất tốt cho khu vực rộng lớn của đồng bằng sông Hồng.
'Đối với phát hình số mặt đất DVB-T2, tháp cao 636m là không hữu ích. Xin nói thêm, ngay cả trạm phát ở độ cao hơn 1.000m của Tam Đảo, nếu phát công suất lớn, đối với mạng đơn tần, cũng gây ra phức tạp và bất lợi. Hiện nay VTV phát kênh 26 từ trạm phát Tam Đảo chỉ 2kW và chưa thiết lập mạng đơn tần, nên chưa thể hiện sự phức tạp về mạng máy phát hình”, ông Bi nói.
Điều mà hai chuyên gia về kỹ thuật truyền hình bình luận cũng phù hợp với mục tiêu mà VTV đã công bố khi lập Dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình cao 636m, trên diện tích đất hơn 14ha ở khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Bởi theo lãnh đạo của VTV, tháp truyền hình không chỉ nhằm mục đích phát triển cho ngành truyền hình Việt Nam mà còn vì một số mục tiêu lớn khác, đó là tạo những cơ sở hạ tầng, kinh doanh giải trí.
Phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác Dự án đầu tư xây dựng tháp truyền hình Việt Nam giữa VTV, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty cổ phần Tập đoàn BRG vào sáng 10/3/2015, Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh cho hay: 'Chúng ta sẽ xây dựng không chỉ có cái tháp mà chúng ta còn tạo ra được những cơ sở hạ tầng, kinh doanh giải trí. Chúng tôi có mơ ước là sẽ phải có một trung tâm biểu diễn thật tương xứng - nơi chúng ta có thể làm tất cả những sự kiện lớn nhất, có khả năng đáp ứng 8.000 - 10.000 khán giả tham gia'.
Ông Trần Bình Minh còn nói: “Việt Nam và Chính phủ sẽ để lại cho thế hệ sau một công trình biểu tượng và đó chính là tháp truyền hình Việt Nam'.