Elon Musk, nhà sáng lập và CEO của hãng công nghệ không gian SpaceX đang có tham vọng phủ sóng Internet trên toàn cầu bằng vệ tinh, tuy nhiên tham vọng này đang phải đối mặt với một trở ngại.
Ngày 15/11 vừa qua, hãng công nghệ không gian SpaceX đã gửi đơn xin phép lên Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) để được phóng 4.425 vệ tinh có chức năng cung cấp Internet lên không gian. Số lượng này nhiều hơn tất cả những vệ tinh đang hoạt động xung quanh trái đất, bao gồm cả những vệ tinh đã ngừng hoạt động.
Đây là dự án thể hiện tham vọng phủ sóng Internet trên toàn cầu của Elon Musk, CEO SpaceX. Bên cạnh các vệ tinh gửi lên không gian, SpaceX sẽ phải xây dựng các ăng-ten thu phát sóng trên khắp địa cầu để nhận và gửi dữ liệu từ các vệ tinh về mặt đất.
Tuy nhiên, vào tháng 1/2015, khi lần đầu tiên Elon Musk chia sẻ về dự án, vị CEO này cũng bày tỏ sự quan ngại về khả năng tham vọng bị ngăn trở bởi một thế lực lớn: chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đồng ý để SpaceX xây dựng các trạm ăng-ten để gửi và nhận dữ liệu từ các vệ tinh của công ty, nhưng rõ ràng việc phủ sóng Internet miễn phí tại Trung Quốc sẽ không hề dễ dàng, thậm chí có thể bị ngăn cấm bởi sự hạn chế truy cập Internet của “Great Firewall”, một công nghệ mà chính phủ Trung Quốc sử dụng để hạn chế sự truy cập của người dùng trong nước đến các nội dung bị ngăn cấm trên Internet.
“Nếu họ tức giận với chúng tôi, họ có thể thôi bay vệ sinh của chúng tôi và điều này là không tốt đẹp gì”, Elon Musk chia sẻ ý kiến của mình khi lần đầu tiên tiết lộ về dự án phủ sóng Internet toàn cầu. “Trung Quốc hoàn toàn có thể làm điều này. Do vậy có lẽ chúng tôi không nên phủ sóng tại quốc gia này”.
Trung Quốc - Mối đe dọa tham vọng của Elon Musk
CEO Elon Musk của SpaceX hoàn toàn có lý do để lo sợ sự ngăn cản của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt của quân đội quốc gia này, bởi lẽ trên thực tế Trung Quốc có thể bắn hạ vệ tinh nếu muốn.
Vào tháng 1/2007, quân đội Trung Quốc trình làng “phương tiện tiêu diệt vệ tinh”, một loại tên lửa có khả năng bắn ra ngoài không gian để phá hủy vệ tinh. Mục tiêu của loại phương tiện này là dùng để phá hủy một vệ tinh dự báo thời tiết cũ của Trung Quốc có tên Phong Vân-1C. Trong màn thử nghiệm của mình, Trung Quốc đã phá hủy vệ tinh Phong Vân-1C ra thành 4.000 mảnh vỡ khác nhau.
Hàng trăm mảnh vỡ của vệ tinh Phong Vân-1C đủ nhỏ để bị đốt cháy khi rơi vào khí quyền của Trái đất, nhưng hàng ngàn mảnh vỡ kích thước lớn vẫn bị rơi xuống mặt đất với tốc độ hàng nghìn km/h và hàng ngàn mảnh vỡ vẫn lơ lửng trên quỹ đạo cho đến năm 2027. Những mảnh vỡ này thậm chí đã phá hủy một vệ tinh khác của Nga và suýt va chạm mạnh với trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.
Do vậy, cho dù Trung Quốc không có ý định sử dụng vũ khí để bắn hạ vệ tinh của SpaceX khi cần thì rác vũ trụ do vệ tinh Trung Quốc gây ra hiện đang lơ lửng trên không gian cũng sẽ cản trở không ít quá trình hoạt động của hàng ngàn vệ tinh mà SpaceX dự định phóng lên không gian và có thể gây ra những va chạm hoặc hư hại các vệ tinh này.
SpaceX sẽ phủ sóng Internet trên toàn cầu như thế nào?
Theo cơ sở dữ liệu từ Liên hiệp các Hội khoa học, hiện có khoảng 1.419 vệ tinh đang hoạt động xung quanh trái đất, có khoảng 2.600 vệ tinh đã ngừng hoạt động nhưng vẫn trôi nổi trên không gian. Với 4.425 vệ tinh dự kiến phóng lên không gian, SpaceX sẽ đưa lên không gian số lượng vệ tinh nhiều hơn tất cả các loại vệ tinh đã và đang có hiện nay.
Tuy nhiên, theo hồ sơ của SpaceX nộp lên FCC thì những vệ tinh của hãng không chỉ là những vệ tinh viễn thông đơn thuần. Mỗi vệ tinh của SpaceX sẽ có khối lượng khoảng 386kg với kích thước khoảng bằng một chiếc xe Mini Cooper, bay quanh trái đất ở nhiều độ cao khác nhau, từ 1.150km đến 1.275km.
“Hệ thống này được thiết kế để cung cấp một dịch vụ băng thông rộng và thông tin liên lạc cho người dùng cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ... trên toàn thế giới”, SpaceX cho biết trong hồ sơ nộp lên FCC.
Dự án của SpaceX sẽ được chia ra làm hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên SpaceX sẽ phóng 1.600 vệ tinh lên quỹ đạo, sau đó là giai đoạn hai với 2.825 vệ tinh được phóng lên ở các cao độ khác nhau.
“Với việc triển khai 800 vệ tinh đầu tiên, SpaceX có thể cung cấp Internet băng thông rộng miễn phí cho toàn cầu”, SpaceX chia sẻ. “Một khi hoàn tất việc tối ưu toàn bộ vệ tinh, hệ thống có thể cung cấp băng thông rộng lên đến 1Gbps/người dùng trên toàn cầu”.
Tốc độ 1Gbps trên toàn cầu được xem là một tốc độ siêu ấn tượng, khi mà tốc độ Internet trung bình trên toàn cầu tính đến hết năm 2015 theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Akamai chỉ ở mức 5.1Mbps, chậm hơn gấp 200 lần so với tốc độ lý tưởng trong dự án của SpaceX.
Vào tháng 1/2015, khi Elon Musk lần đầu chia sẻ về tham vọng phủ sóng Internet toàn cầu của mình, vị CEO này cho biết toàn bộ hệ thống sẽ phải mất 10 đến 15 tỷ USD hoặc hơn để xây dựng.
“Cuộc đua” phủ sóng Internet miễn phí trên toàn cầu
Phủ sóng Internet toàn cầu đang là cuộc đua của các “đại gia công nghệ”. Ngoài SpaceX, hai “đại gia” công nghệ khác là Google và Facebook cũng đang thực hiện các dự án để phủ sóng Internet trên toàn cầu.
Trước đó Google cũng đã giới thiệu dự án Project Loon mà trong đó Google sử dụng những quả khinh khí cầu điều khiển từ xa để cung cấp Internet miễn phí trên toàn cầu. Hiện dự án này đã được áp dụng thành công tại một vài quốc gia. Ngoài Google, Facebook cũng là hãng mong muốn mang Internet miễn phí đến toàn cầu. Khác với Google, Facebook sẽ sử dụng máy bay không người lái do chính hãng phát triển để phủ sóng Internet trên toàn cầu, ngay cả ở những khu vực hẻo lánh khó tiếp cận. Tuy nhiên máy bay của Facebook vẫn đang trong quá trình phát triển.
Với việc mang Internet miễn phí đến cho người dùng trên toàn cầu, các “đại gia” công nghệ hy vọng sẽ giúp mọi người có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn từ đó giúp họ thay đổi cuộc sống bằng cách học tập, tìm kiếm thông tin cần thiết cho công việc của mình... đặc biệt những người ở các khu vực hẻo lánh, khó tiếp cận với thông tin. Đổi lại, việc truy cập Internet miễn phí cũng sẽ giúp nhiều người tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của Google và Facebook hơn.
Dù vậy những dự án này cũng phải đối mặt với không ít sự chỉ trích khi nhiều người lo ngại rằng việc phủ sóng Internet này sẽ giúp các hãng công nghệ nắm bắt thông tin người dùng dễ dàng hơn, ngay cả những thông tin nhạy cảm và riêng tư của người dùng đang sử dụng Internet miễn phí do các “ông lớn” này cung cấp.
T.Thủy
Tổng hợp