Trong suốt quá trình tranh cử, cả hai ứng cử viên đều làm khá tốt công việc của mình trong việc giải thích những chính sách sẽ áp dụng nếu như trở thành tổng thống trong mọi lĩnh vực từ đối ngoại, kinh doanh, đời sống, người nhập cư.
Tuy nhiên khi nhìn vào lĩnh vực công nghệ, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng bà Hillary Clinton mới là người đưa ra những đường lối 'tươi sáng' hơn cả. Theo đó, bà hứa hẹn sẽ mở rộng băng thông, bảo vệ tính trung lập của mạng Internet, đồng thời thúc đẩy an ninh mạng.
Một tài liệu dài hơn 6.800 từ đã được ứng cử viên của đảng Dân chủ phát hành vào cuối tháng 6, miêu tả toàn diện những mặt tích cực của các chính sách mà bà sẽ mang đến dành cho doanh nhân. Bà Clinton thể hiện mình như một người thân thiện với các quốc gia láng giềng, đồng thời tin tưởng vào một thế giới kết nối.
Nói cách khác, bà Clinton trong các tài liệu của mình luôn cho thấy nỗ lực tăng cường lợi ích cho ngành công nghệ của Mỹ, phát huy những ý tưởng, và bảo vệ cho 'sự thiên liêng' của Intnernet. Bên cạnh đó, bà cũng cho thấy những đường lối từ giáo dục trong lĩnh vực khoa học máy tính, cho đến cách thức đa dạng hóa nguồn nhân lực công nghệ cao. Khái niệm Internet of Things (IoT) cũng được bà Clinton đặc biệt chú trọng.
Trong khi đó đối thủ của bà, ứng cử viên của đảng Cộng hòa - ông Donald Trump lại mang đến một cảm giác không mấy thân thiện đối với lĩnh vực công nghệ. Đầu năm nay, ông Trump kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Apple sau khi công ty này từ chối hợp tác với cơ quan điều tra liên bang Mỹ FBI trong vụ việc yêu cầu mở khóa chiếc iPhone 5C của một tên khủng bố.
Trong khi đó, hầu hết các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ đều giữ quan điểm trung lập, hoặc nếu có thì đồng tình với quyết định bảo vệ thông tin cá nhân người dùng của Apple. Chính từ điều này mà ông Trump đã 'mất điểm' trong mắt các nhà đầu tư tại thung lũng Silicon.
Trước đó, tỷ phú Donald Trump cũng đưa ra những phát biểu 'gây bão', khi tuyên bố sẽ buộc Apple phải sản xuất các sản phẩm của hãng ngay tại Mỹ, nếu ông làm tổng thống. Nếu như điều này trở thành sự thực, Apple chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề khổng lồ về doanh thu, bởi tại thời điểm hiện nay, việc thuê gia công ở nước ngoài giúp công ty tối đa hóa lợi nhuận.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng linh kiện điện tử tại châu Á có quy mô lớn hơn nhiều so với ở Mỹ. Nếu như Apple bị buộc phải chuyển các nhà máy và đưa mô hình sản xuất về Mỹ, đây sẽ là một đòn đánh mạnh vào việc phát triển doanh số của công ty, nhưng theo một góc độ khác, lại tốt cho nước Mỹ - khi có cơ hội để bắt kịp Trung Quốc về mảng này.
Trước đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa cũng buộc tội tỷ phú Jeff Bezos của Amazon cố tình độc quyền ngành bán lẻ trực tuyến. Chưa kể tới việc chính sách chống nhập cư của Trump cũng đi ngược lại những quyền lợi căn bản nhất trong lĩnh vực công nghệ.
Kết quả cuộc khảo sát cuối cùng của Reuters/Ipsos được công bố chiều 7/11 cho thấy tỷ lệ chiến thắng của bà Clinton tương tự tuần trước (với 45%), trong khi tỷ lệ của ông Trump rơi vào khoảng 42%. Hiện có 10 bang mà 2 ứng cử viên đang giành giật quyết liệt, đó là Colorado, Florida, Iowa, Nevada, New Mexico, Bắc Carolina, Ohio, Virginia và Wisconsin. Người giành được số phiếu cao hơn tại những bang này sẽ có ưu thế lớn để trở thành tân tổng thống Mỹ năm nay.
Nguyễn Nguyễn
Theo Mashable