(Ảnh: Internet)
Liệu khủng long có khả năng đi bộ trên vách đá dựng đứng?
Huyền hoặc là vậy, nhưng bức tường (hay vách đá vôi) Cal Orko in hơn 5000 dấu chân khủng long ở Bolivia dường như đã cho thấy điều này; các dấu chân có bố cục rất kỳ lạ.
Làm cách nào chúng ta giải thích điều này?
Bức tường in dấu chân khủng long ở Bolivia. Một du khách tham gian di chỉ dấu chân khủng long ở công viên Cretaceous tại đồi Cal Orcko ở Sucre, ngày 17/9/2014. Bấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Internet)
Vách đá này nằm gần thị trấn Sucre ở Bolivia. Ngày nay nó được nhìn nhận là di chỉ dấu chân khủng long lớn nhất thế giới. Được các công nhân phát hiện vào năm 1994, di chỉ này trải dài 1,5 km và cao 150 m. So với các di chỉ dấu chân khủng long khác, ở bất kỳ châu lục nào khác, Cal Orko cho đến nay vẫn là lớn nhất và có tầm quan trọng bậc nhất.
(Ảnh: Internet)
Một phiến đá to lớn với 5.055 dấu chân khổng lồ. (Ảnh: Reuters)
Trên vách đá vôi dài gần 1 dặm cao 100 m này, chúng tôi tìm thấy dấu chân của 294 con khủng long riêng biệt, đại diện cho ít nhất 8 chủng loài khủng long khác nhau.
462 vệt chân hợp thành tổng cộng 5.055 dấu chân, bộ sưu tập dấu chân lớn nhất và đa dạng nhất trên thế giới, mang đến cảm tưởng rằng các con khủng long đã có thể đi bộ thẳng lên trên và chéo sang ngang vách đá này, vốn có độ dốc lên đến 70 độ.
Bộ xương mô phỏng loài khủng long Carnotaurus, được trưng bày tại Công viên Cretaceous ở đồi Cal Orcko. (Ảnh: AFP)
Đây là một giả thuyết đáng kinh ngạc nếu chúng ta nhớ rằng một số loài khủng long ì ạch này nặng đến hơn 100 tấn.
Theo các nhà khoa học, có một cách giải thích khả thi. Tờ Daily Beast báo cáo “dấu chân khủng long 68 triệu năm tuổi này đã được đẩy hướng lên trên bởi sự vận động kiến tạo (sự vận động của vỏ quả đất do hoạt động của nội lực).
Khu vực này từng có một cái hồ lớn, với khí hậu ôn hòa thu hút các loài động vật ăn cỏ, sau đó đến động vật ăn thịt.
Vách đá in dấu chân khủng long ở Bolivia. Có hơn 5.000 dấu chân khủng long trên vách đá gần dựng đứng này. (Ảnh: AFP)
Các con khủng long đi bộ dọc đường bờ biển vào thời tiết ẩm, để lại các dấu chân của chúng.
Vào mùa khô, các dấu chân này lên men, và khi trời mưa trở lại, chúng được bảo quản bên dưới các lớp trầm tích và bùn. Quá trình này xuất hiện lặp lại, tạo nên nhiều lớp vết tích bảo quản.
Du khách tham gian di chỉ dấu chân khủng long ở công viên Cretaceous tại đồi Cal Orcko ở Sucre, ngày 17/9/2014 (Ảnh: AFP)
Sau đó, sự vận động kiến tạo đã đẩy đất đá lên thành một phiến đá dốc đứng khổng lồ, và nhờ vị thế mới của mình, nó được bảo vệ khỏi sự tàn phá thời hiện đại”.
Tác giả: Message to Eagle.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch