Sốt rét là bệnh do muỗi mang ký sinh trùng sốt rét gây ra. Nếu không được điều trị, bệnh nhân mắc bệnh sốt rét có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí còn dẫn đến tử vong. Mặc dù gần đây chưa có vắc-xin phòng chống sốt rét nhưng việc điều trị căn bệnh này thường rất thành công. Việc điều trị bệnh thành công còn phụ thuộc vào khả năng nhận biết các yếu tố nguy cơ, các triệu chứng và tiếp nhận điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
Phần 1: Chẩn đoán bệnh sốt rét
1. Xác định nguy cơ mắc bệnh sốt rét
Trên thực tế, một số nhóm người có nguy cơ mắc phải bệnh sốt rét cao hơn nhưng thường thì bất kỳ ai cũng có thể mắc phải bệnh này. Bạn nên nhận biết được các yếu tố nguy cơ để xác định xem bản thân có bị mắc phải bệnh này hay không. Trong các trường hợp hiếm xảy ra, sốt rét có thể lây qua đường truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng nếu nhân viên y tế mắc sai sót trong việc sàng lọc người hiến tặng. Dùng chung kim tiêm cũng có thể lây nhiễm bệnh sốt rét. Tuy nhiên, bệnh sốt rét hầu hết thường dễ lây lan nhất là do bị muỗi cắn, vì vậy hầu hết những người mắc bệnh sốt rét thường sống ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC đã đưa ra một danh sách cụ thể về nguy cơ mắc bệnh sốt rét theo từng quốc gia. Những quốc gia có khả năng cao mắc phải bệnh sốt rét gồm có Angola, Cộng hòa Cameroon, Chad, Côte d'Ivoire và Liberia, cùng nhiều quốc gia khác nữa. Chủng sốt rét gây nguy hiểm nhất được xác định là ở châu Phi và phía Nam sa mạc Sahara.
Lưu ý rằng nguy cơ mắc sốt rét không chỉ là những người dân sinh sống tại các khu vực này mà còn bao gồm cả những hành khách du lịch qua đây.
2. Nhận biết các triệu chứng
Nhận biết được các triệu chứng của bệnh này, nếu bạn đang sinh sống ở quốc gia có nguy cơ cao mắc phải bệnh sốt rét. Sốt rét thông thường ủ bệnh từ 7 đến 30 ngày trước khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Nhưng nếu là hành khách du lịch từ một quốc gia có nguy cơ thấp mắc phải thì có thể bạn phải uống thuốc phòng ngừa sốt rét trước khi đi du lịch. Nếu mắc phải sốt rét ngay cả khi đã dùng thuốc thì thuốc sẽ giúp làm chậm sự phát triển của bệnh. Có thể sẽ mất vài tháng triệu chứng mới xuất hiện. Để đảm bảo an toàn, bạn nên cảnh giác trong vòng 1 năm sau khi đến khu vực có nguy cơ cao mắc phải bệnh sốt rét. Hãy yêu cầu bác sĩ kiểm tra thường xuyên các triệu chứng của bệnh sốt rét trong vòng 1 năm sau khi đi du lịch.
3. Tìm hiểu về các loại sốt rét khác nhau
Sốt rét thường xuất hiện ở một trong ba dạng: sốt rét không biến chứng, sốt rét nghiêm trọng và sốt rét tái phát. Sốt rét không biến chứng là loại phổ biến nhất, nhưng người bệnh thường ít đến bệnh viện để khám vì thường nhầm đó là cảm lạnh, cảm cúm hoặc bệnh lây nhiễm thông thường. Những cư dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ mắc bệnh cao thường nhận biết được các triệu chứng của bệnh sốt rét không biến chứng và tự điều trị nó. Mặt khác, sốt rét nghiêm trọng có thể gây suy yếu các cơ quan nội tạng và thậm chí có thể gây tử vong. Sốt rét nghiêm trọng cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức. Sốt rét tái phát sau lần sốt rét đầu tiên thường không dễ dàng nhận ra được bởi bệnh thường không có các triệu chứng nổi bật.
4. Nhận biết triệu chứng sốt rét không biến chứng
Sốt rét không biến chứng có thể xuất hiện theo từng đợt và thường kéo dài từ 6 đến 10 tiếng. Trong từng đợt, bệnh nhân sẽ trải qua giai đoạn lạnh, giai đoạn nóng và sau đó là giai đoạn toát mồ hôi.
Trong giai đoạn lạnh, bệnh nhân sẽ thấy cảm thấy lạnh cóng và toàn thân run rẩy.
Trong giai đoạn nóng, bệnh nhân sẽ bị sốt, đau đầu và nôn mửa. Trẻ nhỏ còn có thể bị co giật.
Trong giai đoạn toát mồ hôi, bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi và toát nhiều mồ hôi trong khi cơ thể ở nhiệt độ bình thường.
Ngoài ra còn xuất hiện các triệu chứng khác gồm da có màu vàng nhẹ và thở gấp.
5. Cẩn thận với triệu chứng sốt rét nghiêm trọng
Nhiều bệnh nhân sẽ có triệu chứng không cụ thể như mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa hoặc đau nhức cơ thể. Nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn gây ảnh hưởng đến nội tạng, máu hoặc chức năng trao đổi chất thì các triệu chứng của bệnh sẽ trở nên dữ dội hơn. Sốt rét nghiêm trọng có thể gây tử vong và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Hãy liên lạc ngay với bác sĩ hoặc gọi cấp cứu ngay nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
Thay đổi hành vi bất thường
Mất nhận thức
Co giật
Thiếu máu (trông nhợt nhạt, cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu, chóng mặt hoặc nhịp tim tăng nhanh)
Nước tiểu có màu đỏ hoặc tối màu (do huyết sắc tố hemoglobin)
Khó thở
Quá trình đông máu bất thường
Huyết áp hạ thấp
Suy thận (đi tiểu ít, chân hoặc ngón chân sưng phù do tích nước, đau tức ngực)
Đường huyết hạ thấp (đặc biệt là ở phụ nữ mang thai)
6. Liên hệ với chuyên gia y tế
Dù có xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh hay không, bạn cũng cần cho bác sĩ biết rằng bạn đã từng đến khu vực nguy cơ mắc phải bệnh sốt rét cao. Trong khi, người bệnh sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao thường chờ xem sốt rét không biến chứng có tiến triển hay không, còn những người bệnh ở khu vực nguy cơ thấp không nên làm như vậy. Nếu nghi ngờ bị sốt rét, bạn cần gọi ngay cho bác sĩ để được xét nghiệm và điều trị kịp thời.
7. Đăng ký xét nghiệm máu
Để kiểm tra xem máu của bạn có mang ký sinh trùng gây sốt rét hay không, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu và phân tích trong phòng thí nghiệm. Thậm chí nếu kết quả xét nghiệm sinh thiết máu lần đầu cho kết quả âm tính với ký sinh trùng sốt rét, thì bác sĩ vẫn sẽ tiến hành xét nghiệm lại từ 8 đến 12 tiếng một lần trong vòng 36 tiếng.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu nhanh để xác định có nguy cơ mắc sốt rét hay không. Nếu xét nghiệm máu nhanh ban đầu cho kết quả dương tính thì bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành xét nghiệm phết máu để xác nhận kết quả chẩn đoán.
Bác sĩ cũng sẽ xét nghiệm máu của bạn ở Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC và kiểm tra chức năng gan cùng các cơ quan nội tạng khác.
Phần 2: Điều trị sốt rét
1. Chẩn đoán và điều trị sớm
Mặc dù bệnh sốt rét có thể gây nguy hiểm và thậm chí gây tử vong nhưng sốt rét cũng là một bệnh có thể điều trị được. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh nhưng nó được chứng minh là rất hiệu quả trong việc điều trị và chữa khỏi bệnh nếu điều trị sớm. Điều trị thành công còn phụ thuộc vào việc bạn liên lạc với chuyên gia chăm sóc sức khỏe càng sớm càng tốt.
2. Uống thuốc theo đơn
Có rất nhiều loại thuốc điều trị sốt rét mà bác sĩ có thể lựa chọn. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dựa vào loại ký sinh trùng sốt rét có trong máu người bệnh, độ tuổi, người bệnh có đang mang thai hay không và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bệnh. Hầu hết thuốc điều trị sốt rét đều là thuốc uống, nhưng bệnh nhân gặp biến chứng có thể cần phải dùng thuốc tiêm tĩnh mạch. Giống như bất kỳ loài sinh vật sống nào, ký sinh trùng sốt rét có thể thích nghi để chống lại thuốc, nhưng những loại thuốc dưới đây sẽ có tỉ lệ điều trị bệnh thành công cao:
Chloroquine (Aralen)
Quinine sulfate (Qualaquin)
Hydroxychloroquine (Plaquenil)
Mefloquine
Kết hợp giữa Atovaquone và Proguanil (Malarone)
3. Nghỉ ngơi trong quá trình điều trị bệnh
Tốt nhất, điều bạn có thể làm trong quá trình phục hồi bệnh là nghỉ ngơi thật nhiều. Bởi các loại thuốc điều trị sốt rét gây ra các tác dụng phụ khác nhau. Bởi có nhiều loại thuốc được dùng để điều trị sốt rét, nên không phải ai cũng có những biểu hiện giống nhau. Tuy nhiên, các tác dụng phụ thường gặp bao gồm mờ mắt, buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng hoặc khó chịu. Một số thuốc có thể gây ợ nóng, mất ngủ, lo lắng hoặc chán nản tinh thần, chóng mặt hoặc vấn đề trong khả năng phối hợp các chi.
Chú ý đến cơ thể để nhận biết tác dụng phụ và thông báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ kê thêm thuốc để chống lại tác dụng phụ đó.
Uống nhiều nước để phòng ngừa chứng ợ nóng.
Nước là yếu tố đặc biệt quan trọng khi người bệnh bị nôn mửa hoặc tiêu chảy. Cơ thể sẽ mất nước khi gặp những tác dụng phụ này và bạn cần bù thêm nước để giữ cơ thể khỏe mạnh.
Tuân thủ chế độ ăn nhạt để điều trị đau bụng.
Nghỉ ngơi, không làm việc quá sức nếu gặp khó khăn trong việc phối hợp các chi.
Bác sĩ sẽ giám sát và phát hiện dấu hiệu mất nước, thiếu máu và co giật. Ngoài ra, cũng sẽ quan sát để nhận ra các biến chứng ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng của người bệnh.
4. Chờ cơn sốt dịu bớt
Thuốc điều trị sốt rét thường rất mạnh và hiệu quả nhanh chóng. Nếu thuốc hiệu quả và người bệnh không gặp biến chứng thì cơn sốt sẽ biến mất trong vòng 36-48 tiếng. Hầu hết trong các trường hợp, vi khuẩn gây sốt rét sẽ hoàn toàn bị đào thải khỏi cơ thể trong vòng 2-3 ngày và người bệnh sẽ phục hồi trong 2 tuần.
Bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành xét nghiệm sinh thiết máu khi bạn đang được điều trị. Nếu phép điều trị thành công, lượng ký sinh trùng gây sốt rét trong máu sẽ giảm dần trong mỗi lần xét nghiệm máu.
5. Uống thuốc Primaquine để phòng bệnh tái phát
Mặc dù ban đầu cơn sốt rét có thể biến mất nhưng bệnh vẫn có thể tái phát không thường xuyên trong vài năm sau đó. Mặc dù điều này thường xảy ra mà không xuất hiện các triệu chứng nổi bật nào, bạn có thể sẽ có triệu chứng giống cảm lạnh khi sốt rét tái phát. Vì vậy, ngăn ngừa bệnh tái phát là rất cần thiết. Thuốc Primaquine là thuốc chống sốt rét thường được uống sau khi các thuốc khác đã tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét trong máu.
Bắt đầu uống thuốc Primaquine sau khi cơn sốt rét biến mất hai tuần.
Liều uống và thời gian uống sẽ dựa vào những yếu tố cụ thể: loại sốt rét bạn mắc phải và cơ thể phản ứng với thuốc điều trị như nào. Thông thường, bác sĩ sẽ khuyến nghị uống thuốc trong vòng 2 tuần.
Hãy tuân thủ đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc, nên uống thuốc theo đúng thời gian được kê đơn.
6. Tránh để muỗi đốt
Nếu sống ở khu vực nguy cơ thấp, bạn không nên di chuyển đến khu vực nguy cơ cao trong quá trình phục hồi sau bệnh sốt rét. Để bị muỗi đốt thêm có thể dẫn đến những hậu quả xấu. Nếu sống ở khu vực nguy cơ cao, hãy cố gắng tự bảo vệ bản thân càng nhiều càng tốt.
Mặc quần áo dài để che kín da, ngay cả khi thời tiết nóng.
Luôn thoa kem chống muỗi.
Nên lựa chọn kem chống muỗi có chứa DEET, Picaridin, tinh dầu khuynh diệp chanh (OLE) hoặc PMD, hoặc IR3535. Phải đọc kỹ thông tin trên nhãn sản phẩm để đảm bảo kem chống muỗi có chứa những thành phần hiệu quả này.
Đốt nhang muỗi để ngăn muỗi đến gần.
Nên ở những nơi có máy lạnh để tránh muỗi.
Mắc màn khi ngủ ở nơi có nhiều muỗi.
Cập nhật: 25/10/2016
Theo Nga Bui (quantrimang)