Với mong muốn giảm thiệt hại do bão gây ra, biến gió, nước mưa thành nguồn năng lượng phục vụ con người, hai học sinh tiểu học ở Ninh Bình đã sáng tạo mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất.
Tác giả ý tưởng là hai cô bé 10 tuổi Đinh Quỳnh Ngân và Đinh Thị Nguyệt Minh, lớp 5, Trường tiểu học Trần Phú, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Tác giả ý tưởng Đinh Quỳnh Ngân và Đinh Thị Nguyệt Minh (từ trái sang). (Ảnh: Phương Vy).
Minh và Ngân đều có dáng người nhỏ nhắn, nhưng nhanh nhẹn và sớm bộc lộ tư chất thông minh. Ngồi cùng bàn trong lớp, chung niềm đam mê sáng tạo khoa học, hai cô trò nhỏ thường thảo luận về những ý tưởng giúp ích cho con người.
Năm học 2015-2016, được nhà trường phổ biến cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, hai em mạnh dạn trình bày ý tưởng máy thu và xử lý bão thì nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của thầy cô.
'Đó là ý tưởng độc đáo, mới mẻ vì trên thế giới chưa từng có chiếc máy như vậy', thầy Lê Xuân Thắng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Phú nhận xét.
Theo tác giả, máy có hai phần chính: bộ phận đặt trong lòng đất để tích và xử lý gió, bộ phận đặt trên mặt đất thu sấm chớp và chuyển hóa thành các nguồn năng lượng điện. Quá trình biến ý tưởng thành mô hình, hai em gặp không ít khó khăn. 'Khó nhất là tìm nguyên lý hoạt động cho bộ phận xử lý bão trong lòng đất vì chúng em chưa được học về nguồn điện và kiến thức vật lý chuyên sâu', Minh chia sẻ.
Mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất đạt giải nhất toàn quốc cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ năm 2016. (Ảnh: Phương Vy).
Về nhà, Minh đem những vướng mắc kể cho bố nghe. Nghe bố kể chuyện bếp Hoàng Cầm sử dụng trong kháng chiến đun một nơi, khói ra một nơi khác để đánh lạc hướng quân địch, Minh ứng dụng ngay vào công trình đang làm. Hơn một tháng thực hiện với sự hướng dẫn của thầy giáo Phạm Sơn Thu, mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất đã hoàn thành.
Máy hoạt động theo nguyên tắc khi bão hình thành với sức gió lớn, cánh quạt sẽ hút gió vào các bình chứa có sức nén. Tại bình chứa, bộ phận cảm biến sẽ đo cấp độ gió và xử lý theo hai hướng, một phần thoát qua lỗ thông gió đặt trên mặt đất, phần còn lại làm mô tơ biến thành điện năng phục vụ con người. Các cột thu sấm chớp đặt trên mặt đất cũng được nối với bình tích điện dưới lòng đất để dự trữ năng lượng.
Máy được lắp đặt gần biển để làm suy giảm sức gió vào đất liền, giảm sức tàn phá của bão. Nguyên vật liệu của mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất là những phế liệu rẻ tiền hoặc đồ chơi bỏ đi như ống nước, giấy màu, vỏ chai, cánh quạt... Tổng chi phí làm mô hình là 500.000 đồng.
Thầy giáo Phạm Sơn Thu bên mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất. (Ảnh: Phương Vy).
'Đồ nhựa làm nên hộp tích điện, ống nhựa để đặt thành hệ thống dẫn gió trong lòng đất. Các lỗ thoát gió hai em cùng thầy cô tự chế từ nắp chai. Cột thu sấm, chớp và gió cùng cảnh quan như nhà cửa, cây cối làm từ đồ chơi cũ. Sau cùng, thầy giáo hướng dẫn chúng em cách sắp xếp cho đẹp và cân đối trong mô hình', Ngân nói.
Vượt qua 450.000 ý tưởng của học sinh tiểu học toàn quốc trong cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ năm 2016, mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất đạt giải nhất khối lớp 4-5.
Nhận phần thưởng giá trị 20 triệu đồng, Minh và Ngân trích một phần liên hoan, mua sách vở tặng các bạn khó khăn trong lớp.
Cập nhật: 13/10/2016
Theo VnExpress