Con người thời xưa ngu dốt và thô lỗ, phụ nữ bị ngược đãi như súc vật... là những suy nghĩ thường thấy về thời Trung Cổ.
Có khá nhiều tài liệu đề cập đến những vấn đề khiến chúng ta đã vô tình hiểu sai về thời Trung Cổ ở châu Âu. Về mặt tiêu cực thì chúng ta 'mặc định' rằng con người thời xưa thiếu hiểu biết và thô lỗ, còn phụ nữ thì bị ngược đãi như súc vật; về mặt tích cực thì chúng ta cho rằng các hiệp sĩ thời Trung Cổ rất hào hoa và phong nhã.
Tuy nhiên, các tài liệu cổ cho thấy đây là những lầm tưởng hoang đường...
1. Các hiệp sĩ thời Trung Cổ luôn hào hoa, phong nhã
Với nhiều người, khi nghe tới hiệp sĩ Trung Cổ, họ sẽ nghĩ ngay đến những chiến binh nghĩa hiệp, dũng cảm, luôn xả thân vì dân tộc, kẻ yếu hoặc câu chuyện mỹ miều về tình yêu giữa các hiệp sĩ và các cô gái xinh đẹp. Nhưng sự thật không phải hoàn toàn như vậy.
Các hiệp sĩ ban đầu xuất thân từ tầng lớp các chiến binh nghèo khổ thời kì đầu phong kiến. Họ không có địa vị xã hội một cách cụ thể, thậm chí còn đói kém hơn cả nông dân. Nhưng sau khi vua Charlemagne mở rộng lãnh thổ bằng các cuộc chinh phạt đẫm máu, đã có rất nhiều chiến binh được ban thưởng tiền bạc và quyền lực, nhiều người trong số họ có địa vị trong xã hội.
Sau thời Charlemagne, tầng lớp chiến binh này tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các lãnh chúa cần họ để cai trị và chống lại cuộc tấn công của người Viking, người Hồi giáo và người Magyar.
Tầng lớp hiệp sĩ chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các cuộc chiến đẫm máu vào thời Trung Cổ.
Kể từ đây, những hiệp sĩ 'phất lên' ở khắp châu Âu, họ bắt đầu chiếm giữ nhiều đất đai hơn, một số trở thành quý tộc giàu có, số khác làm lãnh chúa. Dần dần, những trận đánh nhau, cướp bóc trên lưng ngựa lại trở mục tiêu chính của họ.
Chính vì vậy mặc dù khẩu hiệu chung của những hiệp sĩ là: 'Bảo vệ kẻ yếu, kẻ không thể tự bảo vệ mình và chiến đấu cho sự thịnh vượng chung của mọi người' nhưng tầng lớp này lại là những người bóc lột nhân dân nặng nề nhất.
Họ thu thuế bảo vệ của những hộ dân trong vùng và nếu ai không nộp sẽ chịu nhiều hậu quả đáng sợ. Tồi tệ hơn, các hiệp sĩ mang dòng máu quý tộc chính là nguyên nhân gây ra nhiều cuộc chiến tranh vào thời kì Trung Cổ. Họ ép dân thường tham gia vào những cuộc chinh chiến đẫm máu để tranh giành đất đai, vàng bạc.
Số lượng những cuộc chiến tranh do tầng lớp này khởi xướng ngày một gia tăng nhanh chóng, mà tàn bạo nhất chính là những cuộc Thập Tự Chinh đẫm máu, ghê rợn.
2. Những người phụ nữ thời Trung Cổ bị ngược đãi như súc vật
Không biết từ bao giờ, những câu chuyện về việc phụ nữ bị đàn áp dưới thời Trung Cổ bắt đầu nở rộ. Tuy nhiên, điều này không thực sự chính xác.
Có thể kể một vài câu chuyện dẫn chứng như, Thánh Joan of Arc - một phụ nữ trẻ nắm toàn quyền chỉ huy quân đội Pháp. Bà chỉ là con gái của một nông dân nhưng được đề bạt lên nắm giữ lực lượng quân đội hùng mạnh bởi những binh lính nam trong triều đình phong kiến.
Hay như Hildegard von Bingen - một nữ bác học và là thầy dạy học của vua. Với nguồn tri thức dồi dào và đa dạng, bà được Giáo hoàng cùng các vị lãnh chúa vô cùng kính nể.
Tuy rằng phụ nữ thời kì này vô cùng bị khinh thường ở trong giáo hội, nhưng họ vẫn được trọng vọng ở các lĩnh vực khác. Pháp luật luôn yêu cầu phụ nữ phải được đối xử một cách tốt đẹp và công bằng nhất.
Đặc biệt, trong giai đoạn từ thế kỉ XIII, nhiều người đã chứng kiến vị thế của phụ nữ được nâng lên đáng kể. Những thay đổi trong xã hội đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động thương mại, học hành và tôn giáo. Có những người phụ nữ đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử như Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha.
3. Con người thời Trung Cổ thiếu hiểu biết và ấu trĩ
Chúng ta hay gọi thời Trung Cổ là 'hố đen của khoa học' và cho rằng, vào thời kì này, không một ai dám đưa ra các nghiên cứu về cuộc sống, vũ trụ, con người bởi họ sợ hãi quyền lực của giáo hội tối cao. Rất nhiều tài liệu, sách đã mô tả về kết cục bi thảm của những nhà khoa học dám đứng ra chống đối giáo hội.
Thật ra thời kì này khoa học vẫn phát triển và là tiền đề để các kiến thức thăng hoa vào thời Phục hưng. Nền học vấn ở châu Âu thời kì này nổi bật với sự thành lập các trường đại học thời Trung Cổ như Oxford, Cambridge….
Qua việc giao chiến với Đế chế Byzantine và thế giới Hồi giáo trong những cuộc Thập Tự Chinh, điều này đã giúp châu Âu tiếp cận với nhiều kiến thức khoa học bằng tiếng Ả Rập và Hy Lạp, bao gồm cả những công trình của Aristotle, Alhazen, và Averroes. Qua việc dịch và truyền bá các tác phẩm này, các trường đại học châu Âu đã 'dọn đường' cho cộng đồng khoa học phát triển.
Các nghiên cứu về khoa học tự nhiên nổi bật với các công trình của những học giả như Robert Grosseteste, Roger Bacon, Albertus Magnus và Duns Scotus. Đây chính là những người đặt nền móng cho các phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại và hầu hết họ đều có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc.
Nhà thờ, giáo hội cũng rất chịu khó đầu tư cho giáo dục, các thư viện lớn được thiếp lập trên khắp châu Âu để gìn giữ những kiến thức quý báu của nhân loại. Các tu sĩ được ưu tiên học tập tại nhiều trường đại học danh tiếng.
Thú vị hơn, vào thời kì này, các trường đại học thời Trung Cổ cũng đã chia học vấn ra làm ba mức, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Và thời gian để học xong cấp cử nhân là gần hơn 7 năm trời, chính vì vậy những tiến sĩ, thạc sĩ đương thời có một vốn kiến thức khoa học vô cùng uyên bác.
Cập nhật: 27/09/2016
Theo Trí Thức Trẻ