Theo lộ trình thì chiếc máy bay thuộc sở hữu tư nhân này sẽ đưa các hành khách đến Boston xem bóng chày. Khi đang chạy đà cất cánh từ đường băng 36, không hiểu vì lý do gì mà phi công cho hủy cất cánh nhưng cũng không dừng được máy bay khiến nó chạy lố đường băng và chỉ dừng lại sau khi đâm vào một hàng rào rồi lao sang một con đường, cách điểm cuối đường băng 500 m. Chiếc máy bay sau đó bốc cháy và dù lực lượng cứu hỏa sân bay đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường nhưng toàn bộ chiếc máy bay gần như cháy rụi. 21 người trong đó có 3 thành viên phi hành đoàn và 18 hành khách đã sơ tán an toàn, chỉ 1 người bị thương ở lưng. Cảnh sát cho biết họ tự thoát ra khỏi máy bay, hành khách nhỏ nhất là một trẻ em 10 tuổi.
FAA và NTSB đang tiến hành điều tra vụ việc. Dựa trên vệt bánh xe để lại trên đường băng thì các nhà điều tra xác định chiếc máy chưa rời khỏi mặt đất. Dù chiếc máy bay đã bị cháy rụi nhưng phần đuôi chữ T cùng với 2 động cơ Pratt & Whitney JT8D vẫn còn khá nguyên vẹn. Hình ảnh hiện trường cho thấy hệ thông đảo chiều lực đẩy (thrust reverser) trên động cơ vẫn chưa được kích hoạt (đáng ra phải được kích hoạt khi máy bay hủy cất cánh, cần hãm tốc khẩn cấp). Khi đang chạy đà, video từ camera an ninh sân bay cho thấy có một vệt khói xuất hiện sau động cơ phải của máy bay.
Đường băng 36 tại sân bay Houston Executive dài 2 km và nó đủ để một chiếc MD-87 chở 21 người cất cánh. Trong hình trên anh em có thể thấy chiếc MD-87 đã chạy lố đường băng, lao qua một con đường cuối đường băng, sau đó xoay ngang sang trái và bốc cháy.
MD-87 là biến thể kéo dài của MD-80, phiên bản hiện đại hóa của Douglas DC-9 và làm một trong những dòng máy bay phổ biến nhất dành cho tuyến ngắn tại Mỹ. American Airlines từng khai thác đến 400 chiếc loại này nhưng đều đã cho nghỉ hưu vào năm 2019. Những chiếc DC-9 và biến thể của nó giờ vẫn được các hãng bay charter tại Mỹ sử dụng, ít nhất 160 chiếc còn hoạt động. Chiếc máy bay trong vụ tai nạn được khai thác lần đầu vào tháng 1 năm 1988, bay cho Finnar trong suốt 12 năm, tiếp đó là bay cho Aeromexico. Đến năm 2007, nó được chuyển đổi thành máy bay VIP, chở 19 khách, được Noybim LLC mua lại và khai thác. Từ năm 2009 đến 2015, máy bay được lưu kho, nó được Wallace Holdings thuê lại để bay charter với số đăng ký N987AK kể từ tháng 8 2015 (ảnh trên).
Trước đó vào tháng 3 năm 2017, một chiếc MD-83 của Ameristar cũng đã gặp tai nạn tương tự khi tổ bay hủy cất cánh, máy bay chạy lố đường băng tại sân bay Detroit-Willow Run, Michigan. 116 người thoát chết nhưng máy bay hỏng nặng. Kết quả điều tra từ NTSB cho biết chiếc máy bay gặp trục trặc với bánh lái độ cao bên phải. Khi phi công kéo cần điều khiển thì chỉ có bánh lái bên trái hoạt động bình thường, bên phải bị kẹt ở vị trí hướng xuống (khi máy bay giảm độ cao), từ đó máy bay không thể cất cánh và phi hành đoàn phải hủy cất cánh dù đã đạt vận tốc V1.
Theo: FlightGlobal; SimpleFlying
tai nạn máy bayan toàn hàng khôngthông tin hàng khôngair crashmcdonnell douglas dc-87dc-87douglas dc-9