QR Code là trụ cột quốc gia
Theo chủ trương của Chính phủ, việc sử dụng 1 mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả nền tảng, ứng dụng công nghệ nhằm tạo thuận lợi cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch COVID-19. Đánh giá về vấn đề này tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Công nghệ giúp chung sống an toàn cùng COVID-19 diễn ra chiều 14/9, ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch Công ty công nghệ DTT, Giám đốc điều hành đề án iTrithuc cho biết: “Việt Nam có tầm nhìn xa, khi làm CMND điện tử đã yêu cầu gắn QR Code. Việc này đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận công nghệ công bằng. QR Code này có thể cầm tay, mang nhiều hàm lượng thông tin mà bất kỳ người dân nào cũng có thể sử dụng dễ dàng. Lý do là QR Code dành cho những người không có thiết bị công nghệ có thể tham gia vào câu chuyện công nghệ.
Ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch Công ty công nghệ DTT, Giám đốc điều hành đề án iTrithuc
Khi có mã QR, các ứng dụng có thể tương tác với người dân, đăng ký nơi đi nơi đến bằng cách quẹt mã, hay cung cấp an sinh cho họ. Đây là bước đi thành công của nhiều nước, Trung Quốc làm việc này từ rất lâu, quán ăn ở châu Âu đều quét QR Code. Đây là giải pháp giảm khoảng cách số bởi QR Code có thể vẽ tay, không nhất thiết phải in ra. Bất kỳ ai cũng có thể tự vẽ QR Code của mình bằng bút và giấy và tham gia vào môi trường số”.
QR Code là biện pháp bắt buộc phải dùng để phòng chống dịch. Đây cũng là yêu cầu được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện từ nhiều năm qua. Ông Trung khẳng định: “QR Code là trụ cột quan trọng của quốc gia gần 100 triệu dân, trong đó có những người không sử dụng smartphone. Chúng ta nhầm lẫn rằng ứng dụng công nghệ thông tin trong chống dịch là app này app kia. Đây chỉ là công cụ rất thô sơ, làm rất dễ. Công cụ khó hơn rất nhiều là trung tâm công nghệ phần mềm liên thông được với nhau. Ngoài ra, QR Code không chỉ để chống dịch, đây còn là phương tiện để người dân có thể tham gia vào không gian số”.
Công nghệ chống dịch thay đổi
Theo Chủ tịch Công ty công nghệ DTT, công nghệ phục vụ việc phòng chống dịch thay đổi rất nhiều thời gian qua. Ông Nguyễn Thế Trung nói: “Với chủng Delta, không thể truy vết được hết F1 vì khả năng lây thoáng qua, lây trước khi phát ra triệu chứng. Khi dịch nội sinh trong cộng đồng có nghĩa là virus lây vào những thứ không ngăn chặn được như nguồn nước, vật nuôi, người chưa tiêm được vaccine. Vì thế, chúng ta phải chuyển sang giai đoạn mới sống chung với COVID-19”.
Mỗi người dân được cấp 1 mã QR
Ông Trung chia sẻ để theo kịp sự biến đổi của chủng virus mới, công nghệ phần mềm kiểm soát người nhiễm bệnh phải sử dụng phương pháp 80-20, thay vì phương pháp 100-0 như trước. “Chúng ta phải chấp nhận độ rủi ro nhất định. Bài toán 80-20 đòi hỏi sự thông minh hơn rất nhiều so với bài toán 100-0. Cần tìm hiểu về dịch tễ của chủng Delta và cách các nước đang làm. Hiện nay, những quốc gia có công nghệ phát triển như Israel, Singapore… vẫn lúng túng giải quyết bài toán 80-20 này. QR Code là quan trọng, là tiêu chuẩn giúp sử dụng cho nhiều ứng dụng. Tôi mong muốn sự thống nhất, hệ thống phải mở, có quy chuẩn chung để liên thông”.
Hiện nay, TP.HCM bắt đầu áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng tại quận 7, Củ Chi, Cần Giờ. Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, người dân ở khu vực này được cấp QR Code trên ứng dụng Y tế TP.HCM. Người không dùng điện thoại thông minh được cấp 1 số qua tin nhắn điện thoại, hoặc doanh nghiệp in mã QR vào thẻ cho người lao động. QR Code có thông tin khai báo y tế, lịch sử tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm, thông tin theo dõi sức khoẻ tại nhà. Như vậy, TP.HCM quyết định sử dụng ứng dụng khác, không phải app hội tụ của Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai.
Nói về vấn đề này, ông Trung đánh giá: “Cách quản lý dữ liệu của TP.HCM không phải không có lý. Bởi dữ liệu ở Việt Nam đang bị phân cấp, dữ liệu ở địa phương có nhưng chưa chắc quốc gia đã có. Việt Nam cũng chưa có nền tảng quốc gia để dữ liệu hội tụ. TP.HCM có thể tự triển khai trước sau đó liên thông với dữ liệu của cả nước khi được quy về 1 đầu mối”.
Bài toán về dữ liệu
Dữ liệu và liên thông dữ liệu là vấn đề gây trở ngại trong việc kết nối các ứng dụng phòng chống dịch thời gian qua. Dữ liệu được chia làm 2 phần, do nhà nước quản lý và có sẵn, do nhiều đơn vị khác nhau quản lý và dữ liệu của cá nhân, doanh nghiệp.
Chủ tịch Công ty công nghệ DTT, Giám đốc điều hành đề án iTrithuc Nguyễn Thế Trung nhận định: “Một số thông tin trong QR Code có sẵn trong cơ sở dữ liệu dân cư nhưng nhiều ứng dụng đang làm hiện nay, người dân lại phải khai lại từ đầu. Chúng ta cũng có thể nhận biết 1 người có bệnh nền hay không qua hệ thống cơ sở dữ liệu của bảo hiểm, y tế. Dữ liệu từ doanh nghiệp sẽ cho biết thông tin về hoạt động của người lao động. Tuy vậy, vấn đề về quyền riêng tư cần được giải quyết. Ví dụ, chúng tôi xây dựng mạng lưới thầy thuốc đồng hành, có 6.000 bác sĩ từng gọi tư vấn cho nhiều trăm nghìn F0 trong vài triệu phút. Mỗi bác sĩ đều trao đổi với bệnh nhân về tiền sử sức khoẻ hiện nay để chăm sóc tốt hơn, được quyền ghi lại nhưng không được chia sẻ thông tin này cho hệ thống, kể cả cơ quan nhà nước. Dữ liệu này chỉ bệnh nhân và bác sĩ biết. Khi bệnh nhân cho phép mới được sử dụng”.
QR Code giúp người dân tham gia vào môi trường số
Vì thế, ông Trung đề xuất việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia bắt đầu bằng việc tập hợp dữ liệu của nhà nước trước, sau đó, bổ sung thêm dữ liệu từ sự chia sẻ của doanh nghiệp, cá nhân khi cần thiết, với vai trò chỉ huy duy nhất từ cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Trung chia sẻ về tầm quan trọng của dữ liệu lớn với công tác phòng chống dịch: “Khi chúng tôi được phân tích dữ liệu của những ca nhiễm ở Thanh Xuân Trung vừa qua, phần lớn đều xảy ra trong ngày rằm tháng 7. Bởi có sự giao lưu nhất định khi họ đi chợ, gặp gỡ nhau. Đây được coi là sự kiện siêu lây nhiễm. Chúng ta có nhiều dữ liệu về những ca nhiễm trong thời gian này, dùng mô hình để tính toán. Dữ liệu rất quan trọng trong chống dịch, sẽ giải quyết bài toán 80-20 hiệu quả. Thậm chí, tổ thông tin không còn nghiên cứu công nghệ, mà chuyển sang làm dữ liệu.
'Một ví dụ khác là khi dùng AI, machine learning, chúng tôi tìm ra quy luật khi đánh giá mức độ nguy cơ lây nhiễm của các xã. Chúng tôi tập hợp những quy luật, có thể đo đạc được từ đó tìm ra mô hình xác định chỗ nào nguy cơ cao, rất cao hay bình thường. Từ đó, chia Việt Nam thành 11.000 pháo đài. Chúng ta sẽ dồn được lực để giải quyết 20% nơi có nguy cơ và 80% còn lại có thể hoạt động trong bình thường mới”, ông Trung nói.