Nền tảng công nghệ bắt buộc để chống dịch
Quản lý thông tin người ra, vào địa điểm bằng mã QR là 1 trong 3 nền tảng công nghệ được Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Y tế chọn triển khai thống nhất trong phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc. Các nền tảng này do Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia phát triển gồm nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR Code, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến và nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.
Tại Hà Nội, sau hơn 1 tuần triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR Code, Sở Thông tin Truyền thông thành phố tiếp tục siết chặt yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... bắt buộc phải tạo mã QR địa điểm tại trang qr.tokhaiyte.vn và kiểm soát người ra vào bằng quét QR Code. Với người dân, việc quét mã là bắt buộc khi tới các địa điểm công cộng. Trường hợp không có điện thoại thông minh, người dân có thể sử dụng Căn cước công dân hoặc thẻ Bảo hiểm y tế có QR Code để quét mã. Sở cũng thống nhất quy định kích thước tối thiểu in là 15 x 15 cm với mã QR địa điểm và 5 x 5 cm với mã QR cá nhân.
Người dân và các địa điểm bắt buộc sử dụng QR Code
Ông Nguyễn Tử Quảng - Kiến trúc sư trưởng của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia cho biết thời gian tới Trung tâm sẽ giới thiệu 1 ứng dụng công nghệ duy nhất trên smartphone để người dân sử dụng chung cho công tác phòng chống COVID-19. Trong giai đoạn ứng dụng đang xây dựng, các tổ chức, cá nhân tại Hà Nội sẽ sử dụng 1 trong 4 ứng dụng gồm Bluezone, NCOVI, VHD, VNeID để tạo và quét mã QR.
Đánh giá về việc triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR Code, chuyên gia công nghệ Nguyễn Việt Dinh nhận định: “Quản lý thông tin bằng QR Code nhanh hơn, tiện hơn và tiết kiệm thời gian hơn so với nhiều cách thức khác. QR Code chỉ là cách để nhập, truyền dữ liệu thông qua việc sử dụng camera để quét. Đây là tính năng đơn giản và cơ bản nên không khó khăn khi triển khai. Vấn đề quan trọng là hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu (backend) làm sao cho mượt mà khi sắp tới có thể có hàng trăm triệu người dùng. Ngoài ra, việc bảo mật dữ liệu cũng rất đáng quan tâm”.
Liên thông dữ liệu không khó thực hiện
Việc sử dụng 4 ứng dụng Bluezone, NCOVI, VHD, VneID để quét mã QR tiếp tục đặt ra bài toán liên thông dữ liệu cho Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia khi ra mắt ứng dụng chính thức duy nhất thời gian tới. Khi đó, toàn bộ dữ liệu cần được đồng bộ giữa các app và tổng hợp lên ứng dụng dùng chung.
Việc khai báo y tế được thực hiện nhanh chóng hơn trước đây
Nhận định về việc liên thông dữ liệu, 1 chuyên gia công nghệ làm việc ở Hà Nội cho biết: “Các cơ sở dữ liệu được kết nối thông qua API (Application Programming Interface) là các phương thức, giao thức kết nối với các thư viện và ứng dụng. API cung cấp khả năng truy xuất đến 1 tập các hàm hay dùng và từ đó có thể trao đổi dữ liệu giữa các ứng dụng. Giải pháp công nghệ này rất đơn giản. Liên thông dữ liệu phụ thuộc nhiều hơn vào sự thống nhất từ trên xuống dưới và sự hợp tác của những nhà phát triển ứng dụng”.
Đồng ý với quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Việt Dinh bổ sung thêm rằng, hệ thống backend tốt giúp ứng dụng lưu trữ, xử lý dữ liệu trơn tru, đồng thời hỗ trợ việc liên thông với các app khác dễ dàng hơn.
Theo anh Dinh, việc phát triển app quá nhiều như hiện nay có thể gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực bởi “chi phí xây dựng, chi phí máy chủ, chi phí nhân sự duy trì không nhỏ”. “App toàn dân dùng có lượng truy cập server từ app không thua các báo điện tử lớn. Ngoài ra, các ứng dụng cũng nặng về xử lý dữ liệu hơn so với web tin tức. Chi phí cho băng thông, hệ thống máy chủ cũng rất lớn”, chuyên gia Nguyễn Việt Dinh cho biết.
Nhiều địa chỉ “ma” trên hệ thống
Theo thống kê, đến 17h ngày 22/9, Hà Nội có 309.301 điểm đăng ký quét mã QR, trong đó có 33.822 điểm có ghi nhận hoạt động. Tỷ lệ địa điểm đăng ký QR Code hoạt động so với số lượng đăng ký chỉ hơn 10% cho thấy hiện tượng ảo xảy ra. Nhiều địa chỉ “ma” xuất hiện trên hệ thống đăng ký QR Code ở Hà Nội.
Thực tế, việc đăng ký địa điểm trên website qr.tokhaiyte.vn rất dễ dàng. Người đăng ký cần nhập các thông tin gồm tên địa điểm, địa chỉ cụ thể, họ tên người đăng ký và số điện thoại là được đăng ký thành công và được cấp 1 mã QR.
Quét QR Code là chiến lược lâu dài để sống chung với dịch
Lý giải về điều này, chuyên gia Nguyễn Việt Dinh cho biết: “Có thể trong giai đoạn đầu triển khai nhanh, đơn vị phát triển không áp dụng các biện pháp lọc đăng ký để tránh phát sinh thông tin “rác”. Tuy vậy, việc quản lý thông tin “rác” này cũng không quá phức tạp bởi có thể thực hiện việc phân loại các địa điểm không hoạt động để tiến hành xoá khỏi hệ thống sau 1 thời gian nhất định”.
Khi bắt đầu nới lỏng giãn cách toàn thành phố sau ngày 21/9, Hà Nội cho phép nhiều cơ sở được hoạt động trở lại nhưng đưa ra yêu cầu bắt buộc các địa điểm này phải tạo điểm quét mã QR để người ra, vào khai báo y tế và quản lý thông tin. Việc này giúp tăng cường công tác phòng chống dịch, đảm bảo truy vết nhanh chóng, khoanh vùng chính xác, đúng đối tượng, kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bằng ứng dụng công nghệ.
“Trong thời gian tới, nhà phát triển có thể đưa vào giải pháp công nghệ để quản lý chặt chẽ hơn các địa điểm công cộng và người dân quét mã QR, hạn chế thông tin sai lệnh. App có thể dùng GPS hay công nghệ không dây như các trạm thu phí không dừng trên cao tốc để kiểm tra tính xác thực của việc quét QR Code tại các địa điểm. Khi đó, chỉ khi hệ thống xác định được smartphone của người dân xuất hiện tại địa điểm này, việc quét QR Code để check-in mới được ghi nhận”, chuyên gia Nguyễn Việt Dinh nhận định.