Trái đất yên bình của chúng ta đã nhiều lần hứng chịu những thiên tai khủng khiếp như động đất, núi lửa phun trào, những trận lũ lụt hay bão tố với sức hủy diệt kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của biết bao con người. Thiên tai ngày càng xuất hiện nhiều hơn với mức độ nguy hiểm ngày càng tăng.
Các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu các hiện tượng thiên nhiên cực đoan và nguy hiểm này để tìm hiểu về quy luật hoạt động của chúng, trong nỗ lực tìm mọi cách dự đoán, đối phó và làm giảm nhẹ những thảm họa thiên tai này.
Dưới đây là một số hình ảnh kinh hoàng về thảm họa thiên tai dữ dội nhất trong những năm vừa qua.
Trận động đất ở San Francisco năm 1906
Trận động đất ở San Francisco ngày 18/4/1906 là một trong những trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử.
Chấn tâm nằm ở ngoài khơi cách thành phố chỉ 3 km, gần Mussel Rock, trận động đất này đã gây dập vỡ dọc theo đứt gãy San Andreas về cả hướng bắc và nam với tổng chiều dài 477 km. Theo Cơ quan nghiên cứu địa chất Hoa Kỳ, tổng số người chết do động đất và cháy ước tính hơn 3.000, (là con số người thiệt mạng lớn nhất do một trận động đất gây ra tại Hoa Kỳ).
Tòa nhà đổ nghiêng đè lên xe ô tô
Trận động đất Loma Prieta xảy ra ở Vùng Vịnh San Francisco vào lúc 5 giờ 04 phút chiều ngày 17/10/1989 và làm 12.000 người mất nhà cửa. Quận Marina, San Francisco là một nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cơn địa chấn khoảng 6,9 độ richter. Trong hình là cảnh một chiếc ô tô bị nát do tòa nhà bị đổ sụp.
Sóng thần Ấn Độ Dương
Năm 2004, một trận động đất lớn ở Ấn Độ Dương với cường độ 9,3 độ rich-te, đã kích hoạt một chuỗi các đợt sóng khổng lồ lan tỏa khắp các bờ biền Ấn Độ Dương, cướp đi sinh mạng của hơn 230 ngàn người. Đây là trận động đất lớn thứ hai, chỉ đứng sau trận động đất lớn ở Chile ngày 22 tháng 5 năm 1960 có cường độ 9.5. Cơn địa chấn Ấn Độ Dương làm rung chuyển mặt đất với cường độ 100 lần mạnh hơn trận động đất Loma Prieta xảy ra năm 1989.
Trong ảnh là cảnh người người nhốn nháo tháo chạy khi thấy một cơn sóng thần ập vào Koh Raya, đảo Andaman của Thái Lan ngày 26 tháng 12 năm 2004. Nhiếp ảnh gia đã chụp bức hình này sau khi thoát khỏi hiểm nguy của cơn sóng thần thứ nhất. Anh đứng quan sát cảnh tượng cơn sóng thần thứ hai trùm lên những tòa nhà bằng gỗ, và cơn sóng thần thứ ba đã phá tan tành những tòa nhà xây bằng xi-măng một cách dễ dàng.
Núi lửa phun trào
Núi lửa Kilauea nằm ở biển phía nam của Đảo lớn thuộc quần đảo Hawaii đã hoạt động trở lại mấy chục năm nay. Ảnh chụp trên đây là cảnh tượng các dòng dung nham sáng rực phun trào từ miệng núi lửa Pu’u ‘O’o, một miệng núi hình chóp của núi lửa Kilauea, xuống đại dương trong đêm tối.
Núi St. Helens
Núi St. Helens là một ngọn núi lửa đang hoạt động ở quận Skamania ở tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Núi này nằm ở phía nam tiểu bang Washington, là một bộ phận của dãy núi Cascade, nằm cách thành phố Seatle 154 km về phía nam. Ngọn núi lửa này bắt đầu phun trào vào mùa xuân năm 1980, đã san bằng các khu rừng phía bắc của ngọn núi và rắc tro khắp vùng Tây Bắc Hoa Kỳ. Phần phía bắc của núi bị sập sau vụ phun trào. Các nhà khoa học nói rằng núi St Helens có thể là dấu hiệu thức tỉnh trở lại trong tương lai của các núi lửa trong chuỗi các ngọn núi lửa ở lục địa châu Mỹ.
Siêu bão Dean
Siêu bão Dean là trận bão mạnh nhất mùa bão năm 2007 tại Thái Bình Dương. Nó đã phá hủy hoàn toàn thành phố Kingston của Jamaica vào ngày 19/8/2007. Trong ảnh là cảnh một con đường ven biển của thành phố đang oằn mình chống chọi với những trận mưa rất to và gió rất mạnh.
Siêu lốc Campo
Có đến ¾ số các cơn lốc xoáy là được hình thành tại miền trung Hoa Kỳ, nơi được biết đến với cái tên Hành lang Lốc xoáy. Mỗi năm có khoảng 600 cơn lốc xoáy được hình thành tại đây. Cơn lốc xoáy năm 2010 tại Campo, tiểu bang Colorado, có vận tốc khủng khiếp lên đến 480 km/h, đã càn quét tới cả tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ.
Phần dưới đây chúng ta cùng ghé thăm những cuộc triển lãm để tìm hiểu và trải nghiệm thêm về các loại thiên tai trên trái đất.
Ảnh hưởng của động đất
Trong một cuộc triển lãm mới mở ở Bảo tàng thiên nhiên và lịch sử Hoa Kỳ tại thành phố New York, khách tham quan còn được tới thăm tầng sàn, ngay cạnh nơi để địa chấn kế và thiết bị đo cường độ của động đất theo thang độ Rich-te. Mỗi nấc cường độ của thang đo này có độ rung chuyển lớn gấp 10 lần so với nấc liền trước nó.
Tự tạo núi lửa
Khách tới tham quan bảo tàng có thể tự mình “tạo ra” núi lửa, tất nhiên là bằng chương trình mô phỏng thực tế. Bằng việc điều chỉnh mức khí gas và lượng thạch anh trong các dòng dung nham của núi lửa, du khách có thể tạo ra các dạng phun trào khác nhau của núi lửa. Lượng thạch anh sẽ quyết định đến mức độ lỏng nhớt của dòng dung nham, còn mức khí gas sẽ tạo nên độ phun trào và tiếng nổ.
Đứng trong tâm điểm của lốc xoáy
Tới thăm triển lãm về lốc xoáy và vòi rồng này, du khách có thể được trải nghiệm cảnh tượng hệt như đang ở tâm điểm của cơn lốc xoáy nhờ các màn hình bố trí xung quanh.
Người chuyên đi săn chụp cảnh bão tố Tim Samaras đã chụp được cảnh tượng độc nhất vô nhị của một cơn siêu lốc gần Hồ bão (Storm Lake), tiểu bang Iowa, từ một trạm thám trắc dưới lòng đất.
Ảnh hưởng của siêu bão Sandy
Cuộc triển lãm này cũng cho thấy vùng ảnh hưởng của cơn bão này chạy dọc theo khu vực bờ biển dài tới 837 km. Triển lãm cho thấy nhiều phần của thành phố New York đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Sandy năm 2012 ra sao. Triển lãm còn chia sẻ về những nỗ lực nhằm giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng của các cơn bão trong tương lai.
Minh Ngọc tổng hợp