Thứ năm vừa qua là sự kiện Great ShakeOut tại Mỹ. Đây là đợt diễn tập về động đất hàng năm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong dịp này, khắp nước Mỹ sẽ diễn tập trên quy mô 20,6 triệu người tham gia để học về cách xử lý trong tình huống động đất. Một phần diễn tập là tình huống rời khỏi vị trí trong các công ty hoặc trường học để sơ tán khẩn cấp.
Nhưng có một điều: Động đất thực sự rất khó dự đoán. Mỗi năm trên thế giới có đến hàng chục ngàn vụ động đất lớn nhỏ xảy ra. Còn các mảng kiến tạo đang dịch chuyển dưới chân chúng ta mọi lúc. Nếu bạn chưa biết rõ cơ chế gây ra động đất, thì đoạn phim dưới đây là minh họa.
Các nhà địa chấn học dành nhiều thời gian để phát triển các mô hình dự đoán sớm động đất. Nhưng họ chỉ có thể đưa ra một số xu thế chung. Một trong số đó là: tại nước Mỹ, động đất tầm trung bình xảy ra ít hơn trước, nhưng nguy cơ động đất mạnh lại đang tăng lên, theo CNBC.
Nghiên cứu gần đây cho thấy mối liên kết giữa hai điểm đứt gãy chạy dưới lòng đất Vịnh San Francisco, khu vực có 7 triệu dân, làm tăng nguy cơ của 2 vụ động đất đồng thời. Nếu xảy ra, nó sẽ có sức tàn phá khủng khiếp.
Nguy cơ động đất ở vùng đứt ngãy San Andreas. (Ảnh: sanandreasfault.org)
Theo trang Gizmodo, động đất ở khu vực này có thể lên đến 7.4 độ Richter với phạm vi gần 200km. Nếu xảy ra, trận động đất đó có khả năng mạnh gấp 5 lần trận động đất 6,9 độ richter, xảy ra năm 1989 đã gây ra thiệt hại 10 tỷ USD.
Còn theo International Business Times, các nước ở Vành đai lửa Thái Bình Dương sẽ có nguy cơ cao, bao gồm: Chile, Nhật Bản, Indonesia, New Zealand. Một số chuyên gia lo ngại nguy cơ động đất ở Bangladesh và Ấn Độ có thể lên đến 9 độ richter. Tiến sỹ Masaaki Kimura, người đã từng dự đoán động đất Nhật Bản năm 2011, cho rằng sẽ có trận động đất tương tự ở mức 9 độ richter trong vòng 1 năm tới.
Bản đồ nguy cơ động đất (vùng màu đỏ). Ảnh: Time
Gần đây, các nhà khoa học Australia khám phá ra rằng, Trái Đất hiện đang trong giai đoạn hoạt động đứt gãy địa tầng có chu kỳ. Theo đó, lẽ ra đã xảy ra rất nhiều trận động đất mạnh hơn 6 độ richter gây thiệt hại nghiêm trọng, nhưng vì “nguyên nhân không rõ” mà chúng đã được trì hoãn.
Động vật có thể dự báo động đất?
Thật sự rất khó dự đoán những gì xảy ra với Trái Đất. Các viện nghiên cứu và các nhà địa chấn học của chính phủ viết các thuật toán phức tạp, nhưng thường không thể dự đoán được động đất.
Nhưng thiên nhiên lại có thể. Có bằng chứng cho thấy động vật hoang dã dự đoán tốt hơn con người. Trong trận động đất năm 2009 ở L’Aquila, Italy gây ra thiệt hại gần 3 tỷ USD, có rất nhiều con cóc đã rời khỏi khu vực từ vài ngày trước.
Ba ngày trước động đất ở Hồ Bắc (Trung Quốc) khiến 2.000 người thiệt mạng, có hàng nghìn con cóc không biết từ đâu bò ra đường phố. Và đúng vào ngày trận động đất xảy ra, những con ngựa vằn trong vườn thú ở Vũ Hán, cách phía đông tâm chấn 900km tự nhiên lao đầu vào cửa, còn nhiều con voi quay cái vòi của chúng một cách điên cuồng, suýt nữa đập phải nhân viên vườn thú.
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng để tìm ra cơ chế khiến động vật biết trước thiên tai. Nhưng ngay cả khi chúng ta biết trước một trận động đất, thì vẫn còn câu hỏi về mức độ nguy hiểm của nó. Thiệt hại do động đất phụ thuộc rất nhiều thứ: độ sâu xảy ra, chất liệu đất trong khu vực, khoảng cách đến trung tâm dân cư, vv…
Độ Richter – thước đo độ mạnh của động đất – có nghĩa tăng một số thì mức độ nghiêm trọng tăng gấp mười lần. Vì vậy, trận động đất 6 độ richter sẽ tồi tệ gấp 10 lần so với cấp 5 độ và gấp 100 lần cấp 4 độ richter. Nhiều người thậm chí không cảm nhận thấy một trận động đất cấp độ 3. Còn động đất 7 độ richter có thể gây lên phá hủy trên diện rộng.
Động đất gây chấn động về kinh tế
Trận động đất kinh hoàng nhất gần đây là vào tháng 3 năm 2011. Cơn chấn động 9 độ richter ngoài khơi bờ biển của đảo Honshu, Nhật Bản đã gây ra sóng thần tràn ngập hòn đảo, bao gồm cả nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trên hết, tai họa thảm khốc này khiến khoảng 15.000 người thiệt mạng và gây ra thiệt hại 230 tỷ USD.
Còn trận động đất tổn thất nhất ở Mỹ là vào năm 1994 ở California gây thiệt hại 64 tỷ USD, dù chỉ ở mức 6.7 độ Richter.
Nếu tính theo tổn thất về người, trận động đất Haiti năm 2010 khiến ít nhất 200.000 người nước này thiệt mạng. Còn trận động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) vào năm 2008 làm 87.000 người thiệt mạng.
Nguy cơ động đất ở Việt Nam đang gia tăng
Ngày càng có nhiều vùng ở Việt Nam có nhiều động đất cỡ nhỏ, như tháng 12/2015 có 6 trận động đất ở khu vực A Lưới (Thừa Thiên Huế), 2 trận động đất 3-3.3 độ ở Lai Châu. Đầu năm 2016, ở Bắc Cạn xuất hiện “hố tử thần” sâu 15m, rộng 20m2 và ngày càng sụt lún, rộng hơn. Ngoài ra, ngày càng có nhiều “hố tử thần” xuất hiện ở Việt Nam.
Thông qua tích hợp công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý, các nhà khoa học của Tổng hội Địa chất Việt Nam đưa ra nhận định: Việt Nam tiềm tàng nguy cơ xảy ra động đất với cường độ mạnh, kèm theo đó sẽ là cảnh báo sóng thần.
Dương Lương