HIV chỉ tồn tại trong giới đồng tính, thuốc tránh thai có thể chống lại virus này, HIV không thể lây qua tình dục bằng miệng... là những hiểu lầm phổ biến trong cộng đồng.
Các chuyên gia của chương trình Chung tay phòng chống HIV/AIDS chỉ ra những quan niệm sai lầm phổ biến về đường lây truyền 'căn bệnh thế kỷ' này như sau:
Các biện pháp tránh thai vô hiệu hóa khả năng lây lan của virus HIV
Nhiều người tin rằng thuốc tránh thai mà phụ nữ dùng có thể bảo vệ họ chống lại HIV. Cách hiểu sai lầm này phát sinh từ những lời quảng cáo đánh đồng thuốc tránh thai với bao cao su là giải pháp giao hợp an toàn. Do vậy cần phải hiểu đúng: Bao cao su là phương tiện bảo vệ bạn chống lại HIV nhưng thuốc tránh thai thì không.
Tình dục bằng miệng (oral sex) cũng không hoàn toàn đảm bảo an toàn. (Ảnh minh họa: News).
HIV không thể lây qua quan hệ tình dục bằng miệng
Đúng là quan hệ tình dục qua đường hậu môn và âm đạo có xác suất lây nhiễm HIV cao hơn. Tuy nhiên, tình dục bằng miệng (oral sex) cũng không hoàn toàn đảm bảo an toàn. Thực tế cho thấy một người đàn ông có thể lây nhiễm HIV ngay trong lần thử tình dục bằng miệng đầu tiên, trong khi một số khác thì không nhiễm virus này dù đã thực hiện oral sex nhiều lần. Tóm lại không có dữ liệu khoa học nào chứng minh tình dục bằng miệng bảo vệ bạn khỏi HIV.
Nhiễm HIV do tần suất sex quá nhiều
Một số đàn ông bị ảo tưởng rằng tần suất quan hệ tình dục liên quan trực tiếp đến nguy cơ nhiễm HIV. Thực tế số lần giao hợp không quyết định bạn sẽ bị lây HIV hay không. Nó chỉ làm tăng xác suất nhiễm mà thôi. Nhiều cuộc 'gặp gỡ' về tình dục có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh từ hậu môn, âm đạo hoặc tình dục bằng miệng không được bảo vệ, từ đó tiếp tục làm tăng khả năng nhiễm bệnh. Dù vậy, một người có thể bị nghiện tình dục mà không bao giờ nhiễm HIV. Trái lại, chỉ một lần quan hệ tình dục duy nhất không được bảo vệ với một người nhiễm HIV cũng đủ để gây ra sự lây nhiễm.
Muỗi truyền HIV
Quan niệm này bắt nguồn từ tình trạng lây lan virus nghiêm trọng ở các quốc gia châu Phi cận Sahara. Hơn nữa, nguồn gốc của AIDS bắt nguồn từ lục địa châu Phi và cho đến nay châu lục này có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định quan niệm trên là hoàn toàn sai lầm bởi loài muỗi không thể truyền HIV được.
Nhà côn trùng học Joe Conlon đã theo dõi quá trình khi một con muỗi đốt người nhiễm HIV, nó sẽ hút máu vào trong ruột. Tại đây, axít trong dạ dày của muỗi lập tức tiêu diệt virus HIV. Mặt khác trước khi hút máu, muỗi tiết nước bọt có chất chống đông để giúp hút máu dễ dàng hơn. Tuyến nước bọt và tuyến hút máu nằm tách biệt nhau trong vòi của muỗi. Tuyến hút máu có cấu trúc phức tạp, không giống như một ống kim tiêm. Kết quả là máu được hút theo hướng duy nhất và không bị bơm ngược vào máu của người bị đốt sau đó. Đối với một con muỗi hút máu người bệnh, nó sẽ mang trên mình virus. Tóm lại virus có thể tồn tại trong cơ thể của muỗi nhưng lại không theo tuyến nước bọt qua vết đốt để vào cơ thể người khác. Đó là một quá trình vô cùng phức tạp và người bị muỗi đốt không nhiễm HIV.
Người đàn ông tuân thủ một vợ một chồng sẽ ít có nguy cơ nhiễm HIV hơn, nhưng không có nghĩa là miễn dịch hoàn toàn với HIV.
Đồng tính nữ miễn dịch với HIV
Nhiều người đàn ông cho rằng hai người phụ nữ cùng hoạt động tình dục thì không bao giờ lây nhiễm HIV. Cách hiểu này không đúng. Thực tế, khi phụ nữ HIV dương tính, nghĩa là virus có thể hiện diện trong dịch âm đạo của cô ấy và sẽ làm tăng cơ hội lây nhiễm cho bạn tình. Tuy nhiên, xác suất xảy ra khá thấp.
Một người nhiễm HIV cũng đồng nghĩa là một bệnh nhân AIDS
Có rất nhiều người có HIV dương tính nhưng không phát triển thành AIDS. Một người HIV dương tính có thể được bảo vệ khỏi AIDS nếu được phát hiện sớm và điều trị bằng thuốc theo toa ngay từ đầu.
Đàn ông có gia đình tuyệt đối không nhiễm HIV
Một số đàn ông tin rằng chỉ cần sau khi kết hôn, quan hệ tình dục chung thủy với vợ thì không thể nhiễm HIV. Tuy nhiên trên thực tế ghi nhận, một người có thể mang mầm mống HIV trong nhiều năm trước đó. Vậy giả sử một hoặc cả hai vợ chồng bị phơi nhiễm với HIV trước hôn nhân thì sau khi kết hôn sẽ lây nhiễm cho bạn tình, mặc dù tỷ lệ này rất nhỏ. Nhìn chung, người đàn ông tuân thủ một vợ một chồng sẽ ít có nguy cơ nhiễm HIV hơn, nhưng không có nghĩa là miễn dịch hoàn toàn với HIV.
Cập nhật: 08/09/2016
Theo VnExpress