Bằng cách dùng quả xoài thay cho quả cacao, các nhà khoa học hy vọng cứu ngành công nghiệp sôcôla trị giá trăm tỉ USD khỏi viễn cảnh thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Phát hiện trên vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports.
'Xoài dại là một trong những chủng loài được mệnh danh công chúa Lọ Lem bởi tiềm năng chưa được khai thác hết' - bà Sayma Akhter, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu, nhận xét.
Theo CNN, sản lượng cacao toàn cầu đã giảm trong những năm gần đây vì nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến tình trạng biến đổi khí hậu và mất mùa, trong khi nhu cầu đối với loại nguyên liệu này ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cacao lớn thường xuyên bị chỉ trích bóc lột lao động, trả lương thấp và thậm chí sử dụng lao động trẻ em.
Một nông dân Ấn Độ đang kiểm tra chất lượng quả xoài ở Hyderabad hồi tháng 4/2016 – (Ảnh: AFP).
Thực tế đã có nghiên cứu cho thấy một thanh sôcôla nếu có giá 100 đồng trong cửa hiệu thì người nông dân trồng cacao chỉ được hưởng 3 đồng trong đó.
Theo nghiên cứu mới công bố, tinh chất chiết xuất từ quả xoài dại có tính chất hóa học, vật lý tương tự với bơ cacao và có thể dùng để thay thế.
Các nhà nghiên cứu tin rằng nếu khai thác được tiềm năng thương mại của loại quả này, các nỗ lực bảo tồn chúng sẽ càng thêm thuận lợi.
'Nếu không kể đến lợi ích đối với ngành công nghiệp sôcôla, các loại quả dại như xoài là một nguồn thực phẩm, thuốc và thu nhập quan trọng đối với nông dân. Chúng đang dần biến mất do tình trạng mất rừng' - chuyên gia Morag McDonald thuộc Đại học Bangor cho biết.
Sôcôla được xem là 'thực phẩm của các vị thần', món ngọt ưa thích của nhiều người trên khắp thế giới. Đây là một ngành công nghiệp đang bùng nổ với doanh số ước tính 110 tỉ USD mỗi năm.
Hầu hết sản lượng cacao thế giới đến từ khu vực Tây Phi, hơn 1/3 trong đó do Bờ Biển Ngà sản xuất. Nhu cầu đối với cacao tăng nhanh đến mức một số chuyên gia cảnh báo con người có thể hết sạch nguồn nguyên liệu rẻ trong 20 năm tới.
Cây cacao được trồng chủ yếu trong các đồn điền nhỏ bởi những nông dân nghèo. Tương phản với điều này, hầu hết kẹo sôcôla trên thế giới được tiêu thụ ở các khu vực giàu có như châu Âu và Bắc Mỹ.
Cập nhật: 07/09/2016
Theo Tuổi Trẻ