Lượng truy cập tới các trang tin tức ở Australia sụt giảm mạnh
Vào tuần trước, Facebook đã bất ngờ thông báo sẽ chặn tin tức từ các tổ chức báo chí Australia xuất hiện trên nền tảng xã hội để phản ứng với một đạo luật truyền thông được chính phủ nước này đề xuất. Quyết định của Facebook đã gây ra những tác động ngay lập tức.
Biểu tượng của facebook. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn dữ liệu thu được từ Chartbeat của Quỹ Nieman Lab cho biết lưu lượng truy cập từ Facebook vào các trang tin tức của Australia đã “bốc hơi” gần như hoàn toàn. Có một vài cách khác mà người dùng Facebook được chuyển hướng đến các trang này, ví dụ như qua địa chỉ URL của trang.
Đồng thời, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, sự “bốc hơi” lượng truy cập từ Facebook đã dẫn tới sụt giảm trong tiêu thụ tin tức, với tần suất người Australia truy cập các trang tin tức và thời gian dành cho các trang này giảm hơn 10% ngay trong ngày 18/2, thời điểm Facebook bắt đầu áp dụng việc hạn chế tin tức.
Mặc dù cần có thêm thời gian để đánh giá tác động lâu dài của quyết định hạn chế tin tức của Facebook, chẳng hạn như liệu người Australia có chuyển sang thói quen chủ động tìm kiếm tin tức hay không, động thái của mạng xã hội lên nhất thế giới này dường như đang gây ảnh hưởng đến toàn cảnh báo chí nước này.
Đại diện của Facebook nhiều lần nhấn mạnh rằng tin tức chiếm một lượng nhỏ nội dung mà họ sử dụng, chỉ 4% trên newsfeed (tính năng cập nhật liên tục những thay đổi, tin tức của các trang theo dõi và người dùng trêm Facebook). Tuy nhiên, theo trang businessinsider.com.au, khoảng 50% người Australia tiếp nhận tin tức từ mạng xã hội và việc chặn tin tức trên Facebook sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu thông tin của những người này.
Trong khi đó, nội dung từ các tổ chức báo chí luôn nằm trong số các bài đăng liên kết đến một trang web khác có số lượng người xem hàng đầu trên Facebook, mặc dù nền tảng xã hội này không công bố cụ thể nội dung nhận được bao nhiêu lượt xem. Trang businessinsider.com.au đã so sánh 10 bài đăng liên kết hàng đầu ở Australia trước và sau lệnh hạn chế tin tức của Facebook. Theo công cụ phân tích CrowdTangle, trước khi có quyết định hạn chế, các bài đăng liên kết tới các nguồn tin tức của Australia, bao gồm các trang Facebook của các ấn phẩm và nhân vật báo chí nổi tiếng, trung bình sẽ chiếm đa số trong số 10 bài đăng hàng đầu. Tuy nhiên, sau lệnh hạn chế, hầu hết trong nhóm 10 các bài đăng hàng đầu đều rơi khỏi bảng xếp hạng, trừ một trang tin tức không phải bằng tiếng Anh đã thoát khỏi lệnh hạn chế.
Thay thế cho các trang tin tức trên là các trang có nội dung châm biếm phổ biến như Betoota Advocate và Chaser, những trang này đã bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn, nhưng được Facebook khôi phục ngay sau đó.
Các trang khác lọt vào nhóm 10 các bài đăng hàng đầu nhờ quyết định hạn chế tin tức của Facebook là những trang về các sở thích cụ thể có độc giả toàn cầu, chẳng hạn như về giày bóng rổ House of Heat, nuôi dạy con Healthy Mummy và những người hâm mộ cú mèo The Owl Pages.
Sau một thời gian dài thúc giục các công ty công nghệ thỏa thuận về việc trả tiền cho các nội dung tin tức của các tổ chức báo chí nội địa trên cơ sở tự nguyện mà không đạt kết quả, từ giữa năm ngoái, Chính phủ Australia đã thúc đẩy ban hành Bộ quy tắc thương lượng truyền thông. Mục đích của bộ quy tắc này là tạo ra một khuôn khổ cho việc đàm phán bình đẳng giữa các “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu, vốn được coi là có sức mạnh thị trường lớn hơn hẳn so với các hãng tin tức nội địa, thông qua đó buộc các công ty đó, trước hết Google và Facebook, trả tiền cho nội dung tin tức của các tổ chức báo chí nội địa xuất hiện trên các nền tảng công nghệ. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh hoạt động báo chí ở Australia ngày càng gặp nhiều khó khăn do bị mất các nguồn thu quảng cáo vào tay các công ty công nghệ.
Nguyễn Minh (TTXVN)