‘Thái tử’ ngồi tù, Samsung gặp hạn lớn
Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc Samsung vấp phải khó khăn lớn sau khi tòa phúc thẩm tuyên 30 tháng tù giam với Phó Chủ tịch Lee Jae Yong hôm 18/1.
Ông Lee Jae Yong tham dự phiên xét xử ngày 18/1 tại Tòa án cấp cao Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Bloomberg)
Khoảng trống lãnh đạo mà ông Lee để lại sẽ ảnh hưởng tới quyết định đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực mới của Samsung. Nhiều chuyên gia tin rằng nó làm tổn thương lợi thế cạnh tranh toàn cầu của tập đoàn.
Ngay sau khi tòa tuyên án, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), tổ chức vận động lớn nhất nước, đại diện cho lợi ích của các tập đoàn, cho biết họ không đưa ra bình luận gì. Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI), một tổ chức vận động khác, ra thông báo bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của tòa án.
Theo FKI, án tù của ông Lee có thể đưa Samsung và kinh tế Hàn Quốc vào tình thế hiểm nghèo, xét tới đóng góp của Samsung cho nền kinh tế và mức độ nhận diện toàn cầu. Khoảng trống lãnh đạo sẽ trì hoãn việc thi hành quyết định kinh doanh, khiến Samsung tụt hậu so với các đối thủ trên thế giới”.
Các quan chức ngành khác nhận định ông Lee ngồi tù sẽ giữ chân Samsung trước những kế hoạch đầu tư quy mô lớn, vào thời điểm cạnh tranh trên thị trường chip ngày một nóng bỏng, còn đối thủ lớn tập trung củng cố sức mạnh.
Theo Korea Times, các vụ kiện tụng đang chờ xử lý cản trở Samsung ra quyết định đầu tư chiến lược trong những năm qua.
Ông Lee bị kết án và ngồi tù năm 2017 vì tội hối lộ trong vụ án liên quan tới Tổng thống bị phế truất Park Geun Hye và bạn thân Choi Soon Sil. Ông được thả năm 2018 sau khi Tòa án cấp cao Seoul đình chỉ bản án. Dù vậy, Tòa án tối cao yêu cầu xét xử lại vụ việc vào năm 2019 với lý do ông Lee có thể phạm một số tội danh hối lộ đã bị loại trừ ở phán quyết của tòa án trước đó. Ông Lee được cho là hối lộ bà Park và bà Choi để “bôi trơn” quá trình chuyển giao quyền lực trong tập đoàn.
Phó Chủ tịch Samsung ngồi tù vào thời khắc quan trọng: ông đang dẫn dắt tập đoàn số 1 Hàn Quốc sau khi cha của ông là Lee Kun Hee qua đời năm 2020. Ông Lee mở đầu năm 2021 với quyết tâm đưa Samsung lên tầm cao mới. Ông dành tuần đầu tiên của tháng 1 để ghé thăm các nhà máy, kiểm tra công nghệ mới nhất trong thực tế ảo cũng như phát triển 6G.
Dự báo doanh thu của Samsung cũng khả quan nhờ nhu cầu chip và tấm nền màn hình ngày một lớn. Quý III/2020, Samsung Electronics ghi nhận doanh thu cao bất ngờ và thể hiện sự ổn định trong kết quả quý IV/2020. Gã khổng lồ của Hàn Quốc báo cáo lợi nhuận hoạt động năm 2020 đạt 35,95 nghìn tỷ won, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường bán dẫn cũng được dự báo bước vào “siêu chu kỳ”. Samsung được kỳ vọng đầu tư 12 nghìn tỷ won vào các nhà máy bán dẫn không có đặc tính nhớ (non-memory) trong năm nay. Tuy nhiên, ngay cả khi đầu tư như vậy, họ vẫn có thể thua đối thủ Đài Loan TSMC về quy mô đầu tư. TSMC thề rót 28 tỷ USD (31 nghìn tỷ won) vào công nghệ bộ xử lý tiên tiến. Trước đó, Samsung cam kết đầu tư 133 nghìn tỷ won vào năm 2030 để trở thành nhà sản xuất bán dẫn số 1 thế giới.
Các thương vụ M&A cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Samsung. Phi vụ M&A lớn cuối cùng của hãng là mua lại nhà cung cấp hệ thống xe thông minh Harman của Mỹ năm 2016 với giá 8 tỷ USD. Nó diễn ra trước khi ông Lee tham gia vào các tranh chấp pháp lý. Trong khi đó, năm 2019, đối thủ SK Hynix thông báo chi 9 tỷ USD mua bộ phận chip nhớ của Intel.
Ngoài ra, Samsung còn phải cạnh tranh với Huawei và Samsung trên thị trường smartphone 5G. Tập đoàn cũng đối mặt với bất ổn do ông Lee còn phải tiếp tục dự các phiên xử những vụ án khác. Sự bất ổn kéo dài có nguy cơ kéo cả tập đoàn đi xuống.
Nhiều người xin khoan hồng cho người thừa kế Samsung vì vai trò lớn của tập đoàn đối với nền kinh tế trong nước. Tuần trước, Chủ tịch KCCI Park Yong Maan trình đơn kiến nghị, kêu gọi tòa án nương tay với ông Lee.
Giáo sư quản trị Kim Dae Jong của Đại học Sejong cho biết vốn hóa thị trường Samsung chiếm 30% vốn hóa thị trường Hàn Quốc. Tập đoàn này cũng đóng góp 20% trong tổng số thuế doanh nghiệp và tuyển dụng 300.000 lao động. Vị này bổ sung: kế hoạch đầu tư 133 nghìn tỷ won trong 10 năm tới của Samsung sẽ dẫn dắt tăng trưởng của các ngành liên quan. Một tập đoàn lớn như vậy phải có sự hiện diện của chủ sở hữu – thuyền trưởng vì đó là người duy nhất có thể ra quyết định đầu tư quan trọng.
Năm 2020, theo yêu cầu của tòa án, ông Lee thành lập hội đồng nhằm bảo đảm Samsung tuân thủ pháp luật. Đây là lý do khiến mọi người kỳ vọng bản án của ông Lee sẽ được giảm nhẹ. Tuy nhiên, Tòa án cấp cao Seoul nhấn mạnh họ không nhận thấy hiệu quả của hội đồng này.
Du Lam (Theo Korea Times)