‘Thái tử’ Lee Jae-yong bị tống giam, đế chế Samsung không người cầm quyền trong 7 năm sẽ ra sao?
Phó Chủ tịch Lee sẽ bị hạn chế làm việc trong 5 năm tại Samsung, điều đó có nghĩa ông Lee chỉ có thể quay trở lại điều hành tập đoàn vào nửa cuối năm 2027 ngay cả khi ông được ra tù vào tháng 7 năm sau.
Nguồn ảnh: Vietnam Investing Review
Ngày 17/2, theo KBS News của Hàn Quốc, Bộ Tư pháp Hàn Quốc mới đây đã đưa ra thông báo trừng phạt đối với Phó chủ tịch Samsung Electronics kiêm người đứng đầu Tập đoàn Samsung, ông Lee Jae-yong.
Theo thông báo, ông Lee Jae-yong không được phép tham gia làm việc trong một số lĩnh vực nhất định trong vòng 5 năm kể từ khi mãn hạn tù, bao gồm các tổ chức được chính phủ trung ương tài trợ toàn bộ hoặc một phần, các tổ chức nhận tài trợ hoặc trợ cấp của chính phủ và các công ty liên quan chặt chẽ đến các hành vi phạm tội.
Điều này có nghĩa là sau khi mãn hạn tù vào tháng 7/2022, ông Lee Jae-yong sẽ phải đợi đến nửa cuối năm 2027 để giành lại quyền kiểm soát các công việc tại Samsung.
Theo hãng tin Yonhap, ngày 18/1, ông Lee Jae-yong bị bắt vì tội hối lộ và tham gia chính trị, và bị kết án 2 năm 6 tháng tù. Ngay sau khi tin tức được đưa ra, cổ phiếu của Tập đoàn Samsung đã giảm trung bình 3,48% và giá trị thị trường bốc hơi 28 nghìn tỷ won mỗi ngày.
Luật sư cho Lee gọi quyết định này là “đáng tiếc”. Samsung từ chối bình luận về bản án trên.
1. Người đứng đầu bị kết án hối lộ và vướng vòng lao lý
Lee Jae-yong là con trai duy nhất của người giàu nhất Hàn Quốc – cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee. Ông cũng là phó chủ tịch của Tập đoàn Samsung. Ông chủ yếu phụ trách mảng kinh doanh tài chính và điện tử Samsung. Vào ngày 25/10 năm ngoái, cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee qua đời và Lee Jae-yong trở thành người thừa kế Samsung.
Là người đứng đầu Samsung ở một đất nước giàu có và nhiều đối thủ, Lee Jae-yong khó có thể thoát khỏi cảnh tù tội.
Sau 4 năm điều tra và xét xử, ngày 18/1, Tòa án cấp cao Seoul của Hàn Quốc đã đưa ra phán quyết tái thẩm đối với “Vụ án hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye” và phán quyết ông Lee hối lộ bà Park và bạn thân Choi Soon Sil để giành được sự ủng hộ của chính phủ trong quá trình chuyển giao quyền lực tại Samsung. Lee Jae-yong bị kết tội hối lộ và bị kết án hai năm rưỡi tù giam.
Vào ngày 25/1, Lee Jae-yong chấp nhận phán quyết tòa án và sẽ không kháng cáo.
Mới đây, Bộ Tư pháp Hàn Quốc lại ra thông báo hạn chế việc làm với “Thái tử Samsung”. Theo Điều 14 của Đạo luật về trừng phạt nặng các tội phạm kinh tế đặc biệt, tội phạm nếu bị kết tội tham ô, biển thủ, hối lộ trên 500 triệu won (451.000 USD) sẽ không được làm việc tại các doanh nghiệp liên quan tới hành vi phạm tội nhằm ngăn chặn tái diễn các hành vi tương tự.
Ông Lee Jae-yong lần đầu tiên dính líu đến vụ cựu Tổng thống Park Geun-hye “can thiệp chính trị” vào năm 2016. Trong 4 năm qua, phiên tòa xét xử vụ án đưa hối lộ của ông có thể được ví như những khúc quanh.
Ngày 28/2/2017, ông Lee Jae-yong chính thức bị buộc tội hối lộ và biển thủ công quỹ.
Vào tháng 8/2017, Tòa án tuyên ông Lee Jae-yong phạm 5 tội hối lộ, biển thủ công quỹ, chuyển tài sản ra nước ngoài, che giấu thu nhập phạm tội và khai man, và bị tuyên phạt 5 năm tù. Sau đó, luật sư của ông đã kháng cáo lại phán quyết.
Vào ngày 5/2/2018, Tòa án cấp cao Seoul Hàn Quốc đã ra bản án sơ thẩm và tuyên phạt ông 2 năm 6 tháng tù cùng với thời gian quản chế là 4 năm. Sau đó, ông được hoãn thi hành án và được tại ngoại.
Vào tháng 8/2019, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã bác bỏ phán quyết hoãn thi hành án đối với ông Lee của tòa án cấp dưới và yêu cầu tái thẩm toàn bộ vụ án.
Ngày 30/12/2020, các công tố viên Hàn Quốc đã yêu cầu tòa án tuyên phạt ông Lee Jae-yong 9 năm tù.
Vào ngày 18/1/2021, Tòa án Tối cao Seoul đưa ra phán quyết sau khi tái thẩm, ông Lee Jae-yong lại bị kết án tù và chịu lệnh hạn chế làm việc.
Việc Samsung mất người đứng đầu Lee Jae-yong có thể ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh thương mại trong tương lai. Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc kêu gọi tòa án cho ông Lee Jae-yong một cơ hội khác để lãnh đạo cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc vượt qua thách thức của dịch bệnh hiện nay và trẻ hóa nền kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, những nhà hoạt động chống tham nhũng và cư dân Hàn Quốc lại ủng hộ cơ quan tư pháp mạnh tay với ông Lee nhằm chống lại việc các công ty hối lộ quan chức nhà nước để có lợi thế kinh doanh.
Được biết, giá trị thị trường hiện tại của Tập đoàn Samsung đạt 375.052 nghìn tỷ won, và tổng giá trị sản lượng của tập đoàn này chiếm hơn 20% GDP của Hàn Quốc. Đồng thời, Tập đoàn Samsung tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, cung cấp vô số việc làm cho người Hàn Quốc. Một số người nói rằng ở Hàn Quốc có một câu nói thế này: Người Hàn Quốc không thể sống thiếu ba thứ trong đời: cái chết, thuế và Samsung.
2. Cú lội ngược dòng của Đế chế Samsung năm 2020
Năm 1987, ông Lee Kun-hee kế thừa Tập đoàn Samsung từ Lee Byung-chul và trở thành Chủ tịch thứ hai của Tập đoàn Samsung. Trong hơn 20 năm, dưới sự lãnh đạo của ông, Tập đoàn Samsung đã đi từ trong nước ra thế giới, trở thành đế chế công nghệ và công nghiệp hàng đầu thế giới.
Hiện tại, có hơn 18 công ty niêm yết trực thuộc Tập đoàn Samsung, với phạm vi kinh doanh bao gồm điện tử, bán lẻ, công viên giải trí, dịch vụ tài chính, kỹ thuật sản phẩm, khoa học đời sống và nhiều lĩnh vực khác, trong đó có gần 20 sản phẩm đứng đầu thế giới.
Trong danh sách 500 công ty Fortune Global 500 mới được công bố năm 2020, Samsung Electronics đứng thứ 19, với doanh thu 197,704 tỉ USD.
Trong những năm gần đây, hiệu suất của Tập đoàn Samsung đã đạt được mức tăng trưởng bền vững ngoài mong đợi.
Ngoài ra, từ báo cáo tài chính mới nhất được công bố vào tháng trước, doanh thu năm 2020 của Tập đoàn Samsung đạt 236,81 nghìn tỉ won, tăng 2,78% so với mức 230,40 nghìn tỉ won vào năm 2019; lợi nhuận ròng của công ty mẹ là 26,09 nghìn tỉ won, tăng 21,32% so với 21,51 nghìn tỉ won vào năm 2019.
Ngoài ra, lợi nhuận hoạt động trong quý 4 là 9,05 nghìn tỉ won và doanh thu là 61,55 nghìn tỉ won. So với cùng kỳ năm ngoái, hai con số này tăng lần lượt 26,4% và 2,7%.
Trong quý 3, dưới ảnh hưởng bởi các yếu tố như dịch bệnh toàn cầu, thị trường smartphone toàn cầu tiếp tục sụt giảm, điện thoại di động của Samsung lại tăng trưởng ngược với xu hướng và giành lại vị trí số 1 trên thị trường smartphone toàn cầu.
Ngoài mảng kinh doanh điện thoại di động, thành tích của Tập đoàn Samsung trên thị trường máy tính bảng cũng rất ấn tượng. Theo báo cáo do Công ty Cổ phần Dữ liệu Quốc tế (IDC) đưa ra, thị phần máy tính bảng toàn cầu của Samsung vào năm 2020 là 19,1% và số lượng xuất xưởng là 31,3 triệu chiếc, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần của Samsung chỉ đứng sau Apple. Huawei và Lenovo đứng thứ ba và thứ tư với thị phần lần lượt là 9,8% và 8,6%.
Samsung còn có một vị thế cao trong lĩnh vực chip và màn hình điện tử. Samsung đã đứng đầu thị trường bán dẫn trong ba năm liên tiếp: năm 2017, 2018 và 2019.
Được biết, Samsung đã tuyên bố sẽ đầu tư 116 tỉ USD vào lĩnh vực sản xuất chip trong 10 năm tới để bắt kịp TSMC. Samsung đang xem xét đầu tư 17 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Arizona, Texas hoặc New York. Trong tình trạng khan hiếm chip hiện nay do cung không đủ cầu, Samsung đang đứng trước một cơ hội rất tốt để tiệm cận TSMC.
3. Nếu không có người lãnh đạo, bước tiếp theo Samsung sẽ đi như thế nào?
Trong khi ông Lee Jae-yong lãnh đạo các mảng kinh doanh cốt lõi của Samsung, các chị em gái của ông đã lãnh đạo các mảng kinh doanh của Samsung trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ông Lee Jae-yong đảm nhận quyền quyết định của Samsung vào tháng 5/2014, khi cố Chủ tịch Lee Kin-hee nhập viện vì chứng nhồi máu cơ tim đột ngột. Là con trai duy nhất, ông Lee Jae-yong trở thành người thực kiểm soát của Tập đoàn Samsung. Ngày 27/10/2016, Tập đoàn Samsung tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường tại Seoul, ông Lee Jae-yong chính thức tham gia Hội đồng quản trị Samsung với tư cách là Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung.
Sau đó, ông Lee Jae-yong đã sử dụng các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp và các biện pháp khác để đảo ngược sự sụt giảm lợi nhuận của Tập đoàn Samsung trong nhiều quý liên tiếp, đưa con tàu lớn của Samsung vào hội nhập y học, sinh học và CNTT. Một loạt các biện pháp này đã thiết lập vị trí của ông Lee Jae-yong trong ban giám đốc.
Nhưng thời gian thuận lợi kéo dài không lâu, vào năm 2015, việc ông Lee Jae-yong thúc đẩy mạnh mẽ việc hợp nhất Samsung C&T và Cheil Industries, đồng thời thành lập Samsung C&T mới đã gây ra tranh cãi nội bộ. Sau đó, những sự cố liên quan đến “chính trị mật” của cựu Tổng thống Park Geun-hye và vụ nổ pin của Samsung Note7 lần lượt bị phanh phui, tình hình của ông Lee Jae-yong trở nên tồi tệ hơn. Đồng thời, Samsung rơi vào một cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng chưa từng có.
Sanjeev Rana, một nhà phân tích ngành công nghệ tại CLSA ở Seoul, nói rằng tranh chấp pháp lý của ông Lee chiếm quá nhiều “thời gian và công sức”. Điều này ngăn cản Samsung tận dụng các cơ hội mới, “Samsung rõ ràng vắng bóng trong các giao dịch lớn làm thay đổi cục diện công nghệ toàn cầu”.
Quan trọng hơn, mặc dù hoạt động kinh doanh của Samsung tiếp tục tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, nhưng vị trí thống trị trong lĩnh vực thông tin điện tử của Samsung đang bị đe dọa trong môi trường cạnh tranh thị trường khốc liệt. Các nhà sản xuất Trung Quốc như Huawei, Xiaomi và Vivo đang ăn mòn thị phần của Samsung trên toàn cầu.
Trong quý 2 năm nay, Vivo đã vượt qua Samsung để trở thành thương hiệu dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh tại Thái Lan và Indonesia. Tại thị trường châu Âu, các lô hàng của Xiaomi và OPPO đã tăng vọt, dự kiến sẽ thách thức vị trí hàng đầu của Samsung; trên thị trường toàn cầu, Huawei đã vượt qua Samsung với 20% thị phần trong quý 2 năm nay, trở thành nhà cung cấp lô hàng điện thoại thông minh số 1 thế giới.
Có thể thấy, mặc dù tập đoàn Samsung rất lớn và có nền tảng kinh doanh vững chắc nhưng đế chế kinh doanh này không hề bất diệt như chúng ta vẫn tưởng.
Do đó, trong giai đoạn tiếp theo, Samsung có kế hoạch đặt năm lĩnh vực dược phẩm sinh học, mạng truyền thông tốc độ cao 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), linh kiện ô tô và xưởng đúc bán dẫn làm điểm tăng trưởng kinh doanh mới trong tương lai và mở rộng các khoản đầu tư hiện tại.
Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng Samsung khó tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực khi người đứng đầu bị bắt và bỏ tù, và chuỗi cung ứng liên quan đến tập đoàn cũng bị liên lụy theo.
Điều đáng nói là mặc dù Tập đoàn Samsung do “Thái tử” Lee Jae-yong phụ trách nhưng trong nội bộ tập đoàn, ông vẫn chưa được bổ nhiệm công khai. Do đó, khả năng xuất hiện người kế vị trong tương lai là hoàn toàn có thể.
Lần này, tòa án Hàn Quốc đã hạn chế ông Lee tham gia làm việc trong vòng 5 năm sau khi thụ án, điều này chắc chắn làm tăng khả năng trên. Bởi vì xét theo tình hình toàn cầu hiện nay, một đế chế kinh doanh dù hùng mạnh đến đâu cũng cần có người chèo lái.
Theo Zhihu
Thanh Hà