Nhiều bạn khi chọn mua laptop thường quan tâm đến việc máy có card đồ họa rời hay không, không có card đồ họa thì có chơi game, làm đồ họa được không…
Trong bài viết này, Sforum xin giải đáp một số thắc mắc liên quan đề card đồ họa mà người dùng thường gặp khi chọn mua laptop.
Làm rõ khái niệm
Trước khi tìm hiểu về card đồ họa laptop, chúng ta cần tìm hiểu về các khái niệm để tránh nhầm lẫn.
Card đồ họa
Xuất phát từ tiếng anh, card tức là thẻ, nên từ card đồ họa sẽ đúng với các loại card cho máy tính để bàn. Còn nếu đồ họa tích hợp dùng từ card đồ họa thì không đúng, GPU gắn liền trên main cũng vậy. Tiếng Anh chỉ gọi nó là GPU – Graphics Processing Unit – đơn vị xử lý đồ họa mà thôi. Nhưng ở Việt Nam thì mọi người vẫn hay gọi card đồ họa để nói chung cho GPU.
Card onboard (Onboard graphics)
Card onboard hay card đồ họa onboard thường được dùng để chỉ đồ họa tích hợp trong con chip. Nhưng bản chất thì từ này ban đầu được xuất phát để chỉ những GPU gắn sẵn trên mainboard từ nhà sản xuất.
Ví dụ khi bạn search Gigabyte GA-880GM-UD2H, đây là một bo mạch chủ (mainboard) cho máy tính để bàn nhưng lại tích hợp đồ họa ATI Radeon HD 4250 trên bo mạch, đây mới là card onboard (Onboard graphics) “xịn” theo nghĩa gốc. Nhưng do loại này đã không còn được sản xuất từ rất lâu, nên hiện tại cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới mọi người đều ngầm hiểu card onboard (Onboard graphics) là đồ họa tích hợp trong CPU.
Card tích hợp/đồ họa tích hợp (IGP hay Integrated Graphics)
Khái niệm này có thể chỉ luôn cả cái ở trên, nhưng thường thì chúng chỉ card đồ họa tích hợp trong CPU nhiều hơn. Hầu hết bộ xử lý Intel phổ thông (trừ dòng có hậu tố F ví dụ i5-10400F, i7-9750HF…) và các CPU dành cho laptop (AMD gọi là APU) đều có đồ họa tích hợp sẵn.
Card đồ họa rời
Trên máy tính để bàn, một chiếc card đồ họa gắn vào khe PCIe trên main thì rõ ràng là card rời vì bạn tháo nó ra, thay thế dễ dàng. Nhưng trên laptop thì khác, phần lớn card đồ họa (ví dụ như MX250, GTX 1650, Radeon 5500M…) bị gắn chặt trên main gần như không thể tự thay thế nên chẳng có lý do gì gọi chúng là card đồ họa rời cả.
Tiếng anh người ta gọi là ‘dedicated graphics card’, dịch ra nghĩa là card đồ họa chuyên dụng. Thế nhưng từ lâu theo thói quen của người Việt thì vẫn gọi chúng là card đồ họa rời, từ người dùng phổ thông cho đến các chuyên viên tư vấn bán hàng cũng đều dùng như vậy. Nên tóm lại, khi nói “laptop này có card đồ rời” thì mình hiểu, các bạn cũng hiểu đó là card chuyên dụng không phải card tích hợp trong CPU.
Card đồ họa MXM (Mobile PCI EXpress Module)
Đây là một lọai CARD ĐỒ HỌA RỜI đúng nghĩa đen dành cho laptop nhưng hiếm gặp. Có rất ít mẫu laptop hỗ trợ MXM. Các lý do chính có thể là:
Cần không gian lớn, khó làm laptop mỏng nhẹ
Mức giá mắc hơn (Card MXM đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 card cho máy tính để bàn)
Nguồn laptop được thiết kế vừa đủ cho các thành phần linh kiện, nên việc nâng cấp card đồ họa trên laptop là khó và không nhiều người có nhu cầu nên các hãng ít sản xuất
Trên thực tế một số dòng Dell Alienware, một số dòng máy tính Workstation to nặng cũng như một số mẫu laptop chơi game tầm trên dưới 3kg mới sử dụng card đồ họa MXM.
Card rời có tốt hơn đồ họa tích hợp không và nhu cầu nào cần dùng card rời
Nhiều người cho rằng chọn laptop thì cứ phải có card đồ họa rời (chính xác hơn thì là card đồ họa chuyên dụng) mới ngon, nhưng quan niệm này đã không còn chính xác trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt là với Intel Ice Lake, Tiger Lake hay các bộ xử lý AMD với đồ họa tích hợp Radeon mạnh mẽ, card tích hợp đã thoải mái cho các nhu cầu cơ bản của một laptop văn phòng.
Trong nhiều trường hợp card rời trở nên dư thừa, nóng, tốn pin và thêm nữa, card rời trong laptop là một trong những thành phần dễ hư hỏng hơn CPU hay RAM. Thêm nữa, nhiều laptop sử dụng chung hệ thống tản nhiệt cho CPU và GPU, trong trường hợp này đôi khi GPU nóng lên còn ảnh hưởng cả hiệu suất CPU.
Hiện tại, với đồ họa Iris Plus (Intel Gen10), Iris Xe (Intel Gen11), Radeon (AMD) thì sức mạnh đồ họa đã đủ cho nhu cầu sử dụng màn hình 4K, xem video 4K, thậm chí là chỉnh sửa hình ảnh bằng Photoshop, edit video Full HD hay thậm chí 2K khá mượt mà. Nên nhìn chung nếu chỉ là nhu cầu văn phòng thêm chút đồ họa card rời là không cần thiết.
Còn nếu chơi game thì hiện tại card rời vẫn tỏ ra vượt trội hơn so với card tích hợp. Nguyên nhân chính thì có lẽ game vốn sinh ra tối ưu cho NVIDIA hơn và card rời còn có thêm VRAM riêng chứ không phải share RAM với hệ thống.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ muốn chơi ở mức giải trí nhẹ nhàng một vài tựa game như LOL, CS:GO thì Xe Graphics trên Intel Gen11 vẫn chiến tốt. Nhưng nếu bạn mua một mẫu máy sử dụng đồ họa UHD cũ thì hiệu suất đồ họa thua Iris rất nhiều, nếu muốn chơi game bạn nên chọn phiên bản có card đồ họa dù là MX250 cũng được.
Thử nghiệm một số tựa game với Xe Graphics và MX350 (Nguồn: Notebookcheck):
Với các tác vụ đồ họa 3D, dựng phim nặng thì card đồ họa rời cũng được ưu tiên vì hiện nay, hầu hết phần mềm chuyên dụng đều đã tối ưu được cho card đồ họa, tận dụng lượng nhân khổng lồ cho tốc độ xử lý nhanh gấp nhiều lần CPU. Intel Quick Sync đã không còn “bá đạo” như xưa để có thể vượt mặt card đồ họa rời được nữa.
Nhìn chung, nếu chỉ dùng cho văn phòng, đồ họa, chỉnh sửa video nhẹ nhàng, thỉnh thoảng giải trí vài game nhẹ thì card rời là không cần thiết. Nhưng nếu bạn mua máy tính để chơi game thì lại là chuyện khác, card rời vẫn là lựa chọn hàng đầu. Nhu cầu đồ họa 3D, dựng hình chuyên dụng thì dòng card Quadro sẽ phát huy khả năng, còn nếu nhu cầu là dựng phim, làm animation thì chọn dòng laptop dùng card GTX vẫn đáp ứng tốt.
Những lưu ý với laptop không có card đồ họa rời
Những lưu ý này vẫn đúng cho laptop có card rời, nhưng nó sẽ đặc biệt quan trọng với laptop không có card rời.
Đầu tiên, bạn nên chọn laptop tối thiểu 8GB RAM và tốt nhất là 16GB trở lên, vì card tích hợp sử dụng chung RAM với hệ thống, nếu ít quá thì không đủ cho cả hai.
Thứ hai, bạn nên cấu hình RAM kênh đôi. Nếu laptop không nâng cấp được RAM thì thường nhà sản xuất đã cấu hình sẵn không cần quan tâm, nhưng nếu máy bạn nâng cấp được RAM (còn khe trống) thì nên… nâng cấp. Việc cấu hình RAM kênh đôi giúp tăng tổng băng thông bộ nhớ, băng thông tăng hiệu năng đồ họa tích hợp lẫn hiệu năng hệ thống đều được cải thiện khá đáng kể.