Tại hội nghị khoa học và triển lãm Răng Hàm Mặt lần thứ 9 tổ chức tại Hà Nội từ ngày 25 – 29/8/2016, Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Đình Hải đã đưa ra cảnh báo mối nguy hiểm từ răng khôn.
Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Đình Hải – Chủ tịch hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, cho biết, hiện nay số lượng người tìm đến Bệnh viện khám và nhổ răng khôn rất nhiều.
Nếu như trước đây, người dân tự điều trị răng khôn, tự mua thuốc hoặc để cho răng mọc 'tự do', đau lệch cả mặt, cũng không tìm đến nha sĩ thì nay họ đã chủ động tìm bác sĩ.
Giáo sư Hải cho biết, nếu không điều trị dứt điểm, 'răng khôn' trở thành nguy hiểm vì viêm răng khôn có thể gây tử vong do nhiễm trùng máu.
Giáo sư Hải đã gặp nhiều bệnh nhân lệch cả mặt vì răng khôn mọc dại nhưng người bệnh không biết cách để điều trị nó. Và có những người đã tử vong chỉ vì răng khôn.
'Răng khôn' trở thành nguy hiểm vì viêm răng khôn có thể gây tử vong do nhiễm trùng máu.
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8. Hàm răng của mỗi người có 32 cái, chiếc răng cuối cùng là răng số 8. Do răng mọc sau, trong trường hợp xương hàm thiếu chỗ, răng thường lệch gây biến chứng, nhất là các răng khôn hàm dưới.
Theo GS Hải, khi răng khôn mọc, tốt nhất chúng ta nên nhổ đi vì răng số 8 này dường như không có tác dụng trong nhai thức ăn. Mọi người chỉ sử dụng đến chiếc răng số 7 là đủ. Có người răng khôn không gây đau nhưng mọc sát bên trong, khi vệ sinh răng miệng không vào tận nơi được lại gây sâu răng, ảnh hưởng đến các răng khác.
Chính vì thế, khi xác định răng khôn không mọc đúng hướng, không đúng vị trí thì nên nhổ càng sớm càng tốt, bởi vì răng này có thể gây biến chứng viêm quanh thân răng. Nhiều trường hợp còn gây sâu mặt xa răng số 7 (có trường hợp răng số 7 không giữ được). Vì vậy nhổ sớm sẽ giúp cho răng số 7 không bị ảnh hưởng.
Việc nhổ răng khôn là khó và hệ trọng hơn các răng khác nên người bệnh phải chọn cơ sở uy tín để được bác sĩ xử lý.
Cập nhật: 26/08/2016
Theo infonet