Wista 810DX Cherry Wood Field
Chiếc máy ảnh nổi tiếng của Nhật được làm bằng gỗ Anh Đào kết hợp với khung sườn bằng đồng thau pha màu kiểu hun khói rắn chắc và nhẹ. Số 810 là chỉ số khổ phim lớn 8 x 10', thiết kế hộp mở hai phần có thể thay đổi ống kính tiêu cự khác nhau. Hình ảnh từ khổ phim lớn của Wista 810DX được đánh giá là phục vụ rất tốt cho việc in ấn ảnh khổ lớn.
Leica M-A (Typ 127) Rangefinder
Chiếc máy ảnh rangefinder khổ phim 35mm, ngàm M, hoàn toàn hoạt động bằng cơ khí, không có hệ thống đo sáng, không hề có pin. Thập niên 50 là thập niên máy ảnh dùng phim của Leica khẳng định vị thế ngôi đầu. Không ai từng dùng máy ảnh phim mà không từng ao ước chiếc M2 cách đây hơn 60 năm tuổi, thì MA là chiếc máy dùng phim mà Leica làm gần đây nhất, cấu trúc thiết kế gần như chiếc M2 huyền thoại, chỉ có vài tinh chỉnh cho hoàn hảo hơn.
Sekonic L-398A Studio Deluxe III Meter
Chiếc máy đo sáng cổ được ví như là 'Leica of meters'. Thiết kế cơ khí cổ điển, các vòng điều khiển hoàn toàn bằng tay, dải đo sáng trong phạm vi EV 4 -17, khẩu độ từ f/0.7 - f/128, dành cho giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp thời dùng phim (cả chụp lẫn quay phim).
LEE Filters Black-and-White Polyester
Gồm bộ lọc màu chất lượng cao của LEE chuyên hỗ trợ chụp ảnh trắng đen gồm 4 chiếc: yellow 8, yellow green 11, orange 21 & light red. Người ta sử dụng bộ lọc này để thay đổi dải tương phản, màu sắc khi muốn ảnh được chuyển sang sắc độ xám thể hiện trắng đen tốt nhất. Ngày nay thì các máy ảnh số đã chèn sẵn một Preset BW theo thuật toán lọc màu này và người dùng chỉ việc chọn & chụp. Filter yellow 8 dùng khi cần bầu trời tương phản nhẹ, orange 21 khi muốn bầu trời có sắc độ đen tối hơn, yellow green 11 dùng khi cần các tán lá sáng lên và màu da người sậm hơn...
Marshall Retouching Spot-All Liquid Retouching Dye
Được mệnh danh là “Photoshop before Photoshop”. Từ ngữ 'photoshop' ngày nay được dùng như một động từ ám chỉ bức ảnh đã qua chỉnh sửa về sắc độ, ánh sáng, tương phản... và nhiều người cho rằng chỉ có ảnh phim hay ảnh 'gốc' mới là ảnh nguyên bản, thì phải coi thuốc sửa ảnh này là ông tổ. Các nhiếp ảnh gia dùng thuốc có gốc nước này để sửa ảnh bằng tay, một bàn chải cọ nhỏ để loại bỏ các hạt noise, vết xước của bản in, hay bất cứ gì mà họ không thấy 'đẹp'. Bạn có thể mường tượng họ làm các việc mà bây giờ chúng ta dùng 'tools' Clone Stamp, Healing brush... chỉ khác một điều là thuốc rất nhanh khô và thợ sửa ảnh không có cơ hội sữa chữa lỗi lầm như kiểu 'thợ photoshop' thoải mái phục hồi với một bảng 'History'.
Coffee
Dĩ nhiên nhắc cà-phê là nghĩ ngay đến cà-phê để uống cho tỉnh táo hay thói quen 'nghệ sĩ'! Nhưng ít người biết trong thế giới nhiếp ảnh dùng phim, cà-phê ngoài việc giúp tỉnh trong đêm khuya làm ảnh, in ảnh thì 'caffenol' được nhiều thợ làm ảnh dùng để tạo vệt trên ảnh đen trắng hay các ảnh phim cổ điển, đặc biệt ngâm bản in trong cà-phê để bản in có được màu nâu đỏ mà khó có thể tìm được kính lọc nào làm được.
Pinhole Camera
- Pinhole camera là dạng thiết bị chụp ảnh đơn giản không có ống kính, thay vào đó là có một lỗ kim với một khẩu độ nhỏ cố định. Ánh sáng đi ngang qua lỗ kim và hình ảnh sẽ tạo ra trên bề mặt của hộp theo dạng lộn ngược. Ở bề mặt đó, ta sẽ gắn vào một vật liệu nhạy sáng là tấm phim. Pinhole camera có nguyên lý hoạt động kiểu như máy ảnh thuở sơ khai camera obscura, hay còn gọi là hộp tối, là hình thức khởi thuỷ của một chiếc máy ảnh.
- Như vậy cấu trúc cơ bản của một cái máy ảnh Pinhole camera: lỗ kim đóng vai trò ống kính để ánh sáng đi vào hộp tối, đến tấm phim hay cảm biến ảnh ở bề mặt sau của hộp tối. Nắp đậy đóng vai trò màn trập, đậy lại ngăn ánh sáng đi vào. Thời gian phơi sáng khá dài vì ánh sáng qua lỗ kim rất nhỏ, lỗ kim càng nhỏ ảnh càng nét, thành hộp khoét lỗ càng mỏng thì ảnh càng nhiều chi tiết (độ phân giải cao). Nhưng lỗ nhỏ quá lại dễ bị nhiễu xạ do giao thoa ánh sáng.
- Độ sâu trường ảnh (DOF) ở máy Pinhole camera về lý thuyết là vô hạn, không phụ thuộc vào khoảng cách đối tượng. Nhưng thực tế thì tuỳ thuộc khoảng cách từ lỗ kim đến bề mặt phim, kích thước lỗ kim, bước sóng nguồn sáng. Ảnh chụp bằng Pinhole mờ mờ và hay đen bốn góc (vignetting), nhưng người ta thích hiệu ứng rất đặc biệt của ảnh.
Domke F-2 Original
Ngày nay, chúng ta tìm loại túi có vật liệu tổng hợp chất lượng, trọng lượng nhẹ, chống thấm nước, tiện dụng đeo xách... trong khi đó mấy nhiếp ảnh gia cổ điển thì tìm mua cái Domke F-2 cổ lỗ sỉ, vải bố, nhiều ngăn, bền bỉ... được thiết kế thuở đầu tiên vào năm 1976.
Bulk Film Loading
Là hộp tối cho phép bạn cuốn nhiều phim vào hộp như kiểu băng cassette. Khi bạn chụp nhiều phim một lúc, số lượng phim lớn, cần lưu giữ trong hộp tối thì dùng cái này, có thể cuốn được khoảng 100 roll phim 35. Như vậy, người chụp sẽ yên tâm phim đã chụp nằm trong hộp tối, không bị bụi hay các rủi ro bất chợt, thuận tiện, nhẹ nhàng và dễ dùng thay vì gói một túi lổn ngổn các roll phim rời.
Polaroid Instant Film
Nhu cầu thị giác thưởng lãm hình ảnh luôn thúc bách các nhà phát triển công nghệ. Trước khi có máy ảnh số với LCD chụp phim xong thấy ảnh ngay trên đó thì người ta chụp xong in ảnh tức thời. Polaroid là một trong các thương hiệu từng làm những máy ảnh đáp ứng nhu cầu này. Hiện nay, hãng này vẫn còn làm một vài mẫu máy nhỏ gọn hơn. SX-70 có ống kính 116mm f/8 với dải tốc độ màn trập từ 5giây - 1/180 giây, sử dụng phim và khung giấy in của hãng, kiểu dáng retro.
Có nhiều sản phẩm được tái tạo theo nguyên bản cổ, hoặc mô hình phục vụ cho người hoài cổ hoặc nhu cầu decor trang trí. Cá nhân mình thi thoảng nhìn thấy đâu đó, cũng cảm thấy thích thú, hỏi han và tìm hiểu cơ cấu hoạt động, biết thêm nhiều điều thú vị.
Hình ảnh: practicalphysics, google, b&h
Nguồn: Tinh tế