Theo BS Duy Anh (Bệnh viện E, Hà Nội), mặc dù chưa có cơ sở khoa học, y học cũng chưa có tài liệu nào đề cập tới, nhưng theo dân gian và ở góc độ tâm linh thì chuyện người bị chó dại cắn sẽ sớm phát cơn dại khi tới đám tang là có. Vì sao vậy?
Nhốt con vào phòng, để tránh tiếng trống đám ma
Nghe tin chồng một chị làm cùng cơ quan với con dâu bị mất, bà Lê Ngọc Anh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhắc ngay con dâu tuyệt đối không được đến đám tang vì mới bị chó cắn chưa được 100 ngày. Trước đấy, hàng xóm nhà bà Ngọc Anh có đám ma, bà cũng dứt khoát bắt con dâu nghỉ làm, ở trong phòng điều hòa đóng kín cửa để cách âm. Đến bữa cơm, bà bê lên tận nơi để con dâu không phải ra ngoài nhỡ nghe phải tiếng trống đám tang sẽ 'phát cơn dại'. Biết mẹ chồng kiêng cữ thái quá, chị con dâu định phản ứng thì mẹ chồng chặn ngay: 'Không biết chó dại khôn thế nào, cứ kiêng đi đã để khỏi thiệt phận'.
Ở Quốc Oai (Hà Nội) có đồn chuyện chị Nguyễn Thị Lựu bán thịt lợn ở chợ làng chết năm 2010. Hôm ấy chị đuổi không cho con chó tha miếng thịt lợn, liền bị con chó lao vào đớp rách tay. Chồng chị Lựu cho là chó phản chủ nên cầm gậy đập chết con chó rồi làm thịt. Bản thân chị Lựu cũng chủ quan là chó nhà nuôi nên không đi tiêm phòng dại. Cho tới khi chị Lựu đi viếng đám tang người làng, vừa tới cổng nhà đám nghe thấy tiếng trống, kèn bát âm đồng loạt tấu lên thì chị Lựu lăn đùng ra, miệng sùi bọt, cào cắn, vật vã... làm mọi người hoảng sợ. Tính ngược thời gian, thấy chị Lựu bị chó cắn đã hơn 2 tháng và cả chị và người nhà đã quên bẵng chuyện chị bị chó cắn.
Bệnh dại thường ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh của con người, nên sau khi sơ cứu cần đưa nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vaccine phòng bệnh. (Ảnh minh họa).
Ở Hải Dương, mọi người cũng truyền tai nhau câu chuyện về anh nông dân tên Vòng, thấy chó mới đẻ lao ra cắn rách tay bà hàng xóm đến chúc Tết nên đã hốt hoảng cầm gậy đánh con chó và bị nó cắn lại. Con chó bị đập chết, nhưng nhà ông tiếc của lại làm thịt. Ông cũng cho là chó nhà, đánh nó thì nó cắn lại là chuyện bình thường, nên không đi tiêm phòng như bà hàng xóm. Hơn một tháng sau, ông Vòng đi ngang qua một đám tang đã lên cơn dại và tử vong trong sự đau đớn.
Đám tang rất nhiều âm khí
Theo BS Duy Anh (Bệnh viện E, Hà Nội), chó là vật nuôi thông minh, trung thành, gần gũi với con người, nhưng tiềm ẩn mầm bệnh dại rất nguy hiểm. Virus dại chủ yếu lây nhiễm qua vết cắn, hoặc vết thương hở do nước bọt của chó dính vào. Tuy chưa có cơ sở khoa học, y học cũng chưa có tài liệu nào đề cập tới điều này, nhưng theo dân gian và ở góc độ tâm linh thì chuyện người bị chó dại cắn sẽ sớm phát cơn dại khi tới đám tang là có. Một số bác sĩ đã thấy những người ốm, bị sưng tấy, cảm nhiễm... đi đám tang về bệnh tiến triển mạnh và sâu hơn, dân gian gọi là 'nhiễm âm khí'.
Về mặt tâm linh, ông Đỗ Trọng Khuê, Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa phương Đông, Viện Nghiên cứu Phát triển tiềm năng con người cho hay, người bị chó cắn mang virus dại cũng tương tự như người ốm. Lúc này, sức đề kháng yếu (dương khí suy giảm), khi tới đám ma sẽ bị tác động của âm khí khiến bệnh nặng hơn là có, đặc biệt ở những đám ma bị trùng tang. Thậm chí, có người bị chó dại cắn chỉ cần nghe tiếng trống đám ma là phát cơn. Theo tâm linh, người mới mất thường toát ra một thứ năng lượng mà khoa học chưa thể đo đếm bằng các thiết bị hiện có, nhưng nó có tác động xấu đến cơ thể những người thể trạng đau ốm, yếu vía. Có thể người bị chó dại cắn do không đi tiêm ngừa dại, nọc dại ngấm sâu vào cơ thể và đúng thời điểm tới đám tang gặp âm khí khiến virus dại phát tác.
Ông Đỗ Trọng Khuê khuyên người bị chó cắn, người ốm đau, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mới ốm dậy, đang ốm, hay mắc bệnh mạn tính... sức đề kháng yếu không nên đi đám tang và các nơi có nhiều âm khí (như nghĩa trang, nhà tang lễ...). Vì môi trường tại đây nhiều âm khí, sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, kém dương khí làm bệnh sẵn có trong người nay dễ tiến triển nhanh hơn. Cái 'lạnh' của môi trường đám tang là dấu hiệu môi trường nhiễm khuẩn do xác chết phát tán cũng rất mơ hồ, mỗi người cảm nhận riêng, chứ không phải cái lạnh nhiệt độ. Về mặt tâm linh có những kinh nghiệm không thể giải thích được bằng khoa học. Việc bị chó dại cắn đi đám tang hay lên cơn chưa có kiểm chứng và chưa xác định rõ ràng, mà chỉ là kinh nghiệm dân gian.
Thực tế, đám tang môi trường không như đám giỗ, đám hỉ... nên trong không khí ô nhiễm do tử khí phát ra và nhiều thứ khoa học không thể giải thích. Nếu người có vết thưởng hở (do chó, hay động vật khác cắn, hay do tai nạn...) đến đám tang dễ bị nhiễm trùng, khiến bệnh nặng hơn.
Virus dại chủ yếu lây nhiễm qua vết cắn, hoặc vết thương hở do nước bọt của chó dính vào.
Không nên lo lắng thái quá
BS Hà Thị Lành (tư vấn viên Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật - Y tế dự phòng của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) cũng kể về một trường hợp đã lo lắng thái quá. Đó là người đàn ông bán thịt chó lâu năm ở Hà Nội bị ốm, bệnh viện trả về. Rất nhiều người thân, họ hàng đến thăm, bắt tay, vỗ vai, ôm ông xót thương. Trước khi chết ít giờ ông mới phát cơn dại, miệng sùi bọt, cắn xé mọi thứ vớ được... Những người từng chăm sóc, bắt tay, ôm ông lúc ấy đều bàng hoàng, họ bỏ mặc người chết, thuê hẳn chuyến ô tô đưa tất cả tới Viện Vệ sinh Dịch tễ để tiêm vaccine phòng dại. Tuy bác sĩ tư vấn rằng, bệnh dại rất khó lây từ người sang người, nhưng ai cũng nằng nặc đòi tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại rồi mới chịu về làm tang lễ.
Theo các bác sĩ, virus dại trong mỗi cơ thể có những đáp ứng khác nhau, thời gian ủ bệnh và phát dại thông thường từ 14 ngày và có trường hợp kéo dài hơn. Người bị chó cắn cần được chích ngừa dại càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn kiểm tra để quyết định tiêm hay không tiêm thuốc. Cả người bị chó cắn và người sơ cứu cần giữ bình tĩnh, sơ cứu cẩn thận để loại trừ tình huống xấu.
Chủ nuôi con chó cần có ý thức theo dõi chó, không nên giết chó ngay, mà hãy xích lại theo dõi để hỗ trợ tích cực cho việc điều trị cho nạn nhân. Nếu thấy chó ủ rũ, bỏ ăn cần báo bác sĩ để được điều trị tích cực hơn. Việc theo dõi con chó trong vòng 10-15 ngày rất quan trọng, nếu con chó vẫn bình thường thì yên tâm. Nhưng nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích hoặc bị bán mổ thịt thì phải đi tiêm vaccine dại ngay. Bệnh dại ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh, có thể gây tử vong nếu không được sơ cứu, tiêm thuốc và điều trị đúng cách.
Cách phòng ngừa khi đến đám tang
Nhà có tang nên đặt sẵn ở cửa ra vào một lò than đốt vỏ bưởi và quả bồ kết để trừ âm khí.
Người tới đám tang nên ngậm gừng sống, uống rượu tỏi, nước lá nhót... là những món có nhiều dược tính tăng cường dương khí, sức đề kháng cho cơ thể. Hoặc theo dân gian thường để củ tỏi, quả chuối tiêu xanh trong túi áo... để âm khí tụ hết vào đó, rồi vứt xuống nước (sông, suối, ao, hồ...) để trừ tà.
Cập nhật: 20/08/2016
Theo giadinh.net.vn