Chưa thuyết phục được khách hàng
Bà Nguyễn Thị Bích Phương, Giám đốc về phát triển thị trường của MicroAd, nhà cung cấp giải pháp quảng cáo trực tuyến đến từ Nhật Bản, nói rằng tâm lý e ngại rủi ro là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp trong nước không mạnh dạn dành kinh phí quảng cáo cho kênh trực tuyến và kênh di động – vốn vẫn còn là những kênh truyền thông khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam. Thị trường quảng cáo trực tuyến chỉ phát triển mạnh khi nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính chịu đầu tư cho kênh quảng bá này. Tuy nhiên, doanh nghiệp càng lớn thì lại càng e ngại rủi ro và ít chịu mạo hiểm. Do đó, kinh phí đổ vào các kênh quảng cáo trực tuyến, quảng cáo di động vẫn còn rất thấp, chưa tới 1% tổng nguồn chi hằng năm cho hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp lớn như P&G, Unilever, Coca-Cola... Bà Phương nhận định rằng nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn nghe ngóng thị trường, chờ xem công ty nào sẽ đi tiên phong, hiệu quả ra sao rồi mới mạnh dạn đầu tư cho kênh quảng cáo trực tuyến.
Ông Nguyễn Minh Quý, Tổng giám đốc công ty NovaAds, cho rằng khác với loại hình quảng cáo truyền thống, nội dung là yếu tố quyết định trong các chiến dịch truyền thông xã hội. Và nhiều doanh nghiệp trong nước thường không làm tốt việc dung hòa giữa hoạt động quảng bá thương hiệu của họ với việc cung cấp thông tin hữu ích đến đối tượng khách hàng tiềm năng. Do đó, một trong những nhiệm vụ khó khăn của các nhà quảng cáo là tìm được tiếng nói chung với doanh nghiệp khách hàng về những loại nội dung nào cần chia sẻ đến người tiêu dùng trên các kênh trực tuyến và cách thức chia sẻ như thế nào là hợp lý.
Còn theo ông Nguyễn Quang Duy, Giám đốc về phát triển kinh doanh của Vserv, đơn vị cung cấp giải pháp quảng cáo trên thiết bị di động, có hai nguyên nhân khiến lĩnh vực quảng cáo trực tuyến chưa thực sự phát triển ở thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Trước hết, phần lớn người tiêu dùng sử dụng các thiết bị di động thông minh và thường xuyên truy cập Internet sống và làm việc ở khu vực thành thị. Do đó các sản phẩm quảng cáo trực tuyến chỉ có độ phủ rộng ở những khu vực này. Trong khi đó, các kênh quảng cáo truyền thống như truyền hình có độ phủ rộng đến tận nông thôn, miền núi và hải đảo. Thứ hai, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng nhanh thì điều mà họ quan tâm hàng đầu là mức độ gia tăng doanh số bán hàng sau mỗi chiến dịch quảng cáo. Trong khi đó, những hạn chế trong hoạt động thanh toán trực tuyến ở Việt Nam đã phần nào ngăn cản sự phát triển doanh số bán hàng qua kênh trực tuyến. Chính vì thế, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ mặt hàng tiêu dùng nhanh cho đến nay vẫn ưu tiên phát triển các kênh phân phối trực tiếp.
Một yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng là niềm tin của khách hàng vào dịch vụ quảng cáo trực tuyến. Giám đốc một công ty quảng cáo (không muốn nên tên) chia sẻ rằng để đánh giá mức độ thành công của một chiến dịch quảng cáo trực tuyến hay quảng cáo di động cần dựa trên những thông số như lượng người tham gia, tần suất xuất hiện quảng cáo, sự tương tác của người sử dụng… “Tuy nhiên, việc kiểm tra tính chính xác của các con số này là không dễ dàng và rất mất thời gian nên khó thuyết phục các doanh nghiệp khách hàng tin tưởng”, vị này nói.
Nhìn về phía trước
Bước sang năm 2014, cơ hội vẫn đang rộng mở đối với các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến, khi mà nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn hồi phục dần dần. Nhiều nhà quảng cáo cho biết nhiệm vụ chính của họ là củng cố niềm tin nơi khách hàng, bởi nếu không giải quyết được vấn đề này, có nhiều khả năng loại hình dịch vụ này vẫn mãi ở trong trạng thái tiềm năng chưa được khai thác hết.
Bà Phương của MicroAd cho biết công ty đã xác định sẽ tập trung vào nhóm những doanh nghiệp đứng hàng thứ hai hoặc thứ ba trong một lĩnh vực nhất định. Các doanh nghiệp này thường có tỷ lệ chấp nhận rủi ro cao hơn so với các doanh nghiệp đầu ngành, bởi bản thân họ cũng bị thôi thúc bởi sức ép tạo sự đột phá trong hoạt động cạnh tranh. Bà Phương kỳ vọng rằng sự tham gia của nhiều khách hàng có tiềm lực sẽ giúp thúc đẩy thị trường đi lên.
Ông Nguyễn Nam Thành, Giám đốc điều hành Công ty TouchSolutions, nhận định xu hướng quảng cáo trong năm tới sẽ tập trung nhiều hơn vào việc làm thế nào để kích thích hoặc khuyến khích người sử dụng tương tác với doanh nghiệp, và giải pháp ứng dụng di động được xem là một trong những hình thức hỗ trợ khá tốt mục đích này.
Ngoài ra, theo ông Thành, các doanh nghiệp nên nhìn nhận rằng xu hướng quảng cáo trong thời gian sắp tới tập trung không chỉ vào Internet hoặc thiết bị di động mà vào cả một hệ sinh thái bao gồm ti vi, máy tính, thiết bị di động thông minh và biển báo ngoài trời. Hệ sinh thái này sẽ đem lại những thông tin cần thiết về người tiêu dùng để doanh nghiệp có thể sử dụng cho các kế hoạch tiếp thị tiếp theo sau đó.
Không cho biết về những dự án đang thực hiện, tuy nhiên, ông Thành kỳ vọng rằng những chiến dịch quảng cáo đạt hiệu quả, dù số lượng ít, vẫn sẽ tạo niềm tin nơi khách hàng và thu hút sự quan tâm của các khách hàng tiềm năng.
Trong khi đó, theo ông Vinh của NovaAds, năm nay vẫn là thời điểm của các chiến dịch quảng cáo truyền thông xã hội phức hợp với Facebook làm trung tâm. Về tính sáng tạo trong các chiến dịch quảng cáo, ông Vinh cho rằng công nghệ mã QR (Quick Response – tạm dịch là mã phản hồi nhanh ) và AR (Augmented Reality – tạm dịch là mã thực tế ảo) sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận hành vi của người sử dụng. Và các chiến lược quảng cáo của NovaAds sẽ đi theo các xu hướng nói trên, trong mục tiêu bảo đảm đáp ứng các thông số đo lường hữu hiệu đối với khách hàng.
Còn theo ông Duy của Vserv, để củng cố niềm tin của khách hàng bằng tính minh bạch trong các chiến dịch quảng cáo trên thiết bị di động, bên cạnh sự xác minh từ các doanh nghiệp thứ ba, Vserv đang tìm kiếm những sự thỏa thuận hợp tác với các mạng viễn thông trong nước nhằm gia tăng tính chính xác của những kết quả thống kê từ người sử dụng thiết bị.