Trong nhiều năm qua, Trung Quốc thường được nhắc đến với vị thế của thị trường giàu tiềm năng, động lực thúc đẩy thị trường smartphone thế giới.
Nhưng cũng chính sức hấp dẫn của thị trường này đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất. Khi quy mô thị trường đạt ngưỡng giới hạn, thì cũng là lúc hàng loạt nhà sản xuất Trung Quốc bị khai tử vì không thể cạnh tranh trên thị trường đầy khắc nghiệt này.
Thị trường smartphone Trung Quốc được đánh giá là khắc nghiệt nhất thế giới
Theo thống kê của nhà nghiên cứu Peng Zhen đến từ Viện nghiên cứu Viễn thông Trung Quốc, hơn 30% nhà sản xuất smartphone của Trung Quốc đã bị khai tử trong giai đoạn từ giữa năm 2014 đến hết năm 2015. Cụ thể: đến hết năm 2015, Trung Quốc chỉ còn 309 hãng sản xuất điện thoại, giảm 136 hãng so với thời điểm giữa năm 2014. Con số này được cho là sẽ còn tăng cao trong năm 2016 và không có ngoại lệ cho bất cứ nhà sản xuất nào khi mà cả những hãng sản xuất từng khẳng định được vị thế tại Trung Quốc như Dakele cũng đã bị thị trường đào thải.
Dù ít nhiều tạo lập được vị thế tại Trung Quốc, nhưng Dakele cũng không tránh khỏi bị đào thải
Ngay cả những hãng điện thoại danh tiếng thế giới như Samsung, Apple hay có chút tiếng tăm tại Trung Quốc như Lenovo, Xiaomi cũng gặp không ít sóng gió. Sau nhiều năm dẫn đầu thị trường Trung Quốc, Samsung đã tuột dốc không phanh khi bị đánh bật khỏi TOP 5 trên thị trường này trong quý I/2016. Apple sau nhiều năm ngụp lặn bỗng vươn lên mạnh mẽ, thậm chí có nhiều quý dẫn đầu thị trường này trong năm 2015. Nhưng ngay trong quý đầu năm 2016, Apple bắt đầu xuất hiện dấu hiệu đuối sức để rồi lại rơi trở lại vị trí thứ 5 với vỏn vẹn 11% thị phần.
Samsung và Apple cũng gặp không ít sóng gió
Sự khắc nghiệt của thị trường Trung Quốc cũng không có gì khó hiểu. Bởi khi Trung Quốc được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, thì cũng sẽ trở thành điểm đến của nhiều hãng smartphone. Trong khi số lượng người dùng của thị trường này chỉ có giới hạn, thì sự ra đời ồ ạt các nhà sản xuất cùng tốc độ ra mắt 6 thiết bị di động mới được ra mắt mỗi ngày khiến cho thị trường Trung Quốc ngày càng chật chội. Trong bối cảnh đó, việc đào thải tự nhiên là điều không thể tránh khỏi.
Nguyên nhân khiến sự ra đi hàng loạt hãng sản xuất là do không thể cạnh tranh cũng như không đủ chi phí để tiếp tục đổ vào R&D. Smartphone nhái từng làm mua, làm gió tại Trung Quốc đang dần bị đẩy lui khi mà người dùng Trung Quốc bắt đầu thay đổi thói quen mua sắm khi quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm cao cấp, chứ không còn chú trọng vào giá trẻ nữa. Điều này được phản ánh rất rõ trong sự tuột dốc của Lenovo và Xiaomi.
Lenovo và Xiaomi cũng tuột dốc không phanh
Từng là sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc với chiến lược giá rẻ (giá trung bình 150 USD) trong năm 2014, Lenovo-Motorola mất hút trên bảng xếp hạng nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại thị trường này. Hậu quả là Lenovo - Motorola đã rơi xuống vị trí thứ 9 trên thị trường toàn cầu khi quý I/2016 kết thúc, tụt 4 bậc so với quý trước đó. Tương tự Xiaomi từng trở thành hiện tượng mới, thành công dựa trên công thức đơn giản: cấu hình cao, bắt chước thiết kế và giá rẻ (giá bán trung bình 200 USD) đã phải chấp nhận nhường hai vị trí dẫn đầu cho Huawei và Oppo với chiến lược bán ra những sản phẩm cao cấp hơn ở tầm giá từ 250 USD trở lên.
Sự khốc liệt của thị trường smarttphone Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng. Điều đó cũng có nghĩa số nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc bị khai tử sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.