53% dân số Việt Nam dùng Internet và vấn đề rủi ro an ninh mạng
Tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đạt 53% dân số. Ảnh minh hoạ: Vân Ly
(TBKTSG Online) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam lọt vào tốp 20 quốc gia tại châu Á và nguy cơ an ninh mạng của Việt Nam cũng thuộc loại cao của thế giới - xếp thứ 101/193 quốc gia trên thế giới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, với tỷ lệ người dùng internet đạt 53% trên tổng số dân, Việt Nam đứng vị trí thứ 16 trong tốp 20 quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất tại châu Á. Trong bảng xếp hạng quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ bảy, với tổng số 64 triệu người dùng mỗi tháng. Còn báo cáo của Liên minh Viễn thông quốc tế về Chỉ số an ninh mạng toàn cầu cho thấy Việt Nam xếp thứ 101 trên tổng số 193 nước thành viên của liên minh này về khả năng đảm bảo an ninh mạng.
Theo kết quả của cuộc khảo sát thực trạng an toàn thông tin toàn cầu do PwC, CIO và CSO thực hiện (với sự tham gia của hơn 9.500 lãnh đạo cấp cao đến từ 122 quốc gia) vừa được công bố, các doanh nghiệp nói chung đều thiếu sự chuẩn bị trước các cuộc tấn công mạng.
Các lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới thừa nhận mối nguy hại đến từ lỗ hổng an ninh mạng đang tăng cao. Khi được hỏi về hậu quả lớn nhất mà tấn công mạng gây ra, 40% số người tham gia khảo sát trả lời đó là sự gián đoạn hoạt động, 39% cho rằng đó là rò rỉ thông tin mật, 32% chọn ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, và 22% chọn ảnh hưởng tới đời sống con người.
Mặc dù nhận thức được như vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với rủi ro an ninh mạng: 44% doanh nghiệp không có chiến lược tổng thể về an toàn thông tin, 48% không có chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho nhân viên, và 54% không có cơ chế đối phó với tấn công mạng.
Sự phát triển của các ứng dụng Internet vạn vật kết nối (IoT) ngày càng góp phần tạo ra những lỗ hổng an ninh mạng. Hiểm họa gia tăng đe dọa tới mạng lưới dữ liệu, có thể phá hoại hệ thống bảo mật và gây hại tới cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Ban tổ chức cuộc khảo sát nói trên cũng đưa ra gợi ý các nhà lãnh đạo có thể làm gì để đối phó hiệu quả với tấn công mạng. Đó là các lãnh đạo cao cấp phải chủ động xây dựng năng lực ứng phó với rủi ro an ninh mạng. Cần xây dựng chiến lược từ trên xuống để quản lý rủi ro an ninh mạng và bảo mật thông tin trên toàn hệ thống doanh nghiệp; nhìn nhận năng lực ứng phó với rủi ro là con đường dẫn tới hiệu quả kinh tế cao trong dài hạn. Cần hợp tác và rút kinh nghiệm từ những bài học quá khứ; hợp tác công - tư là chìa khóa để giải quyết vấn đề an ninh mạng một cách hiệu quả.