Theo một nghiên cứu mới, hài cốt của một pharaoh, được cho là Vua Sanakhtis, là bằng chứng cổ xưa nhất của gigantism (bệnh khổng lồ) từng được phát hiện trên trái đất. Gigantism là một loại bệnh gây ra sự tăng trưởng quá mức hoặc bất thường khi cơ thể tạo ra quá nhiều hormone tăng trưởng. Bệnh thường được gây ra bởi một khối u ở tuyến yên.
Trong một nghiên cứu được công bố trên The Lancet Diabetes & Endocrinology, các chuyên gia đã phân tích các mẫu xương được tìm thấy vào năm 1901 trong một ngôi mộ gần Beit Khallaf, Ai Cập. Thoạt đầu người ta không rõ ngôi mộ thuộc về ai nhưng sau khi những mảnh vỡ khắc nổi tên Sanakhtis được tìm thấy, họ tin đó là ngôi mộ của vị pharaoh này.
Ảnh chụp năm 1901 của xương sọ được cho là thuộc về Pharaoh Sanakht (Charles S. Myers/Wikimedia Commons)
Bộ xương của pharaoh này cao khoảng 187cm, cao hơn nhiều so với mức bình quân khoảng gần 163 cm của người Ai Cập vào thời điểm đó.
Theo Live Science, Michael Habicht, nhà nghiên cứu Ai Cập thuộc Viện Y học tiến hóa Đại học Zurich và các đồng nghiệp đã phân tích hộp sọ và bộ xương nói trên.
Kết quả, những xương dài cho thấy bằng chứng của “sự tăng trưởng mạnh mẽ và là một dấu hiệu rõ ràng của bệnh khổng lồ.” Các tác giả của nghiên cứu đã viết: “Sa-Nakht có lẽ mắc bệnh khổng lồ, thật sự là trường hợp bệnh học xa xưa nhất được biết trên thế giới.” Người ta tin rằng không còn người Ai Cập cổ nào khác thuộc gia đình hoàng gia mắc bệnh này.
“Mặc dù các vị vua thường cao lớn hơn so với dân chúng do có chế độ dinh dưỡng tốt, nhưng người được cho là Sanakhtis cao hơn nhiều so với những người trong hoàng tộc khác.”
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc mắc bệnh này không khiến Sanakhtis bị kỳ thị, bằng chứng là ông vẫn được chôn cất trang trọng trong một lăng mộ mastaba cao quý. (Mastaba là lăng mộ của tầng lớp quý tộc).
Mặc dầu các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng: “Còn quá sớm để khẳng định chắc chắn liệu bộ hài cốt này có phải thực sự là của vua Sanakhtis hay không”, nó vẫn có giá trị lớn vì có thể là trường hợp xa xưa nhất được biết.
Theo Newsweek, những người lùn giữ vị trí quyền lực đặc biệt và người ta tin rằng họ có tài năng thiên phú. Nghiên cứu mới này có thể tiết lộ thêm về xã hội Ai Cập thời cổ đại.
Các nhà nghiên cứu viết, “Mặc dù những người lùn rất được trọng dụng ở Ai Cập cổ đại, đặc biệt là trong thời kỳ khai quốc, chúng tôi không có bất cứ ghi nhận nào về việc những người quá cao phải chịu bất kỳ sự thiệt thòi nào trong xã hội.”
Ngự Yên (biên dịch từ the epochtimes)