Một tiểu hành tinh khổng lồ có đường kính ước tính 4,3km sẽ bay qua Trái Đất ở khoảng cách gần nhất hôm 1/9.
Florence là tiểu hành tinh lớn nhất bay qua hành tinh của chúng ta.
'Dù nhiều tiểu hành tinh từng bay qua Trái Đất ở khoảng cách gần hơn Florence, tất cả thiên thể đó đều có kích thước nhỏ hơn', Paul Chodas, quản lý Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái Đất (CNEOS) tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA, cho biết. ' Florence là tiểu hành tinh lớn nhất bay qua hành tinh của chúng ta ở khoảng cách gần như thế từ khi NASA bắt đầu chương trình phát hiện và theo dõi tiểu hành tinh gần Trái Đất'.
Florence được phát hiện lần đầu tiên năm 1981 và sự kiện bay qua đầu tháng 9 là lần bay sát Trái Đất nhất của tiểu hành tinh này từ năm 1890. Nó sẽ không đến gần Trái Đất như vậy trước năm 2500.
Theo NASA, các nhà thiên văn có thể quan sát rõ Florence qua kính viễn vọng nhỏ vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9, khi độ sáng của nó tăng lên. Trong khoảng thời gian đó, tiểu hành tinh sẽ bay qua các chòm sao Piscis Austrinus, Capricornus, Aquarius và Delphinus.
Đường bay của tiểu hành tinh Florence. (Video: NASA).
Các nhà khoa học NASA sẽ sử dụng radar trên mặt đất để quan sát đặc điểm của Florence, bao gồm Radar hệ Mặt Trời Goldstone ở California và Đài thiên văn Arecibo của Hiệp hội khoa học quốc gia ở Puerto Rico.
Nhờ các thiết bị trên, họ có thể xác định kích thước chính xác của tiểu hành tinh, thậm chí nhìn rõ những chi tiết trên bề mặt có bề rộng ít nhất 10 mét của Florence.