Ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19, công nghệ màng mỏng (thin film) hiện là một trong những lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn, ứng dụng rộng rãi trong các quy trình sản xuất đa ngành như đĩa quang, mạ vật liệu, sản xuất linh kiện điện tử… nhưng nhiều phát hiện gần đây cho thấy, các thợ thủ công xưa đã làm chủ công nghệ này từ 2000 năm trước.
Năm 1994, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện những thanh kiếm bằng đồng trong quần thể khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây.
Điều lạ thường là dù đã được chôn sâu dưới đất khoảng hơn 2000 năm, chúng vẫn còn rất sắc bén và sáng bóng như mới.
Ngạc nhiên hơn, quá trình nghiên cứu cho thấy bề mặt những thanh kiếm này có phủ một lớp hợp chất Crôm dày khoảng 10 micromet giúp kiếm không bị oxi hóa.
Phát hiện này ngay lập tức làm chấn động cả thế giới bởi mãi đến năm 1937, các nhà khoa học Đức mới phát minh ra công nghệ mạ Crôm? Vậy mà người Trung Hoa 2000 năm trước đã sở hữu một kỹ thuật nào đó giúp mạ những lớp Crôm cực mỏng lên vật dụng và vũ khí.
Thanh kiếm mạ crôm 2000 năm tuổi trong lăng mộ Tần Vương (Ảnh: Internet)
Những phát hiện tương tự cũng được tìm thấy trên rất nhiều các cổ vật được tìm thấy các đền thờ, lăng mộ, công trình kiến trúc tại Trung Đông, Châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới khiến cho giới khoa học nhiều năm qua phải đau đầu tìm lời giải. Làm thế nào những người thợ thủ công thời xưa có thể mạ những lớp kim loại cực mỏng và tinh tế lên những vật thể có hình dạng phức tạp và nhiều chi tiết khó đến như vậy? – điều mà con người hiện đại chỉ bắt đầu làm được khoảng hơn 100 năm nay?
Trong nỗ lực tìm kiếm lời giải, mới đây các nhà khoa học thuộc Hiệp hội hóa học Mỹ (ACS) sau nhiều năm nghiên cứu tỉ mỉ đã đưa ra được một số kết quả đáng chú ý.
Theo đó, nhiều khả năng những thợ thủ công 2.000 năm trước đã làm chủ một loạt các kỹ thuật phức tạp liên quan đến việc sử dụng thủy ngân như một loại keo để phủ các lớp màng kim loại mỏng lên các bức tượng và nhiều vật thể khác. Công nghệ này còn được dùng để mạ vàng và bạc thật.
Một tác phẩm mạ vàng từ năm 825 trước Công nguyên. (Ảnh: ACS)
Không chỉ sử dụng để tạo ra các tuyệt tác, có những bằng chứng cho thấy các thợ kim hoàn đã lợi dụng công nghệ này để gian lận khi mạ vàng, bạc lên một bức tượng kim loại rẻ tiền để bán với giá cao hơn hẳn.
Tuy nhiên, phương pháp này được cho là không thích hợp với trường hợp mạ Crom. Các chuyên gia của ACS cũng thẳng thắn thừa nhận trong bản báo cáo rằng, nhiều sản phẩm mạ đạt đến chất lượng vượt trội cả so với những sản phẩm được tạo ra dưới sự trợ giúp của công nghệ hiện đại
“Các nghệ sĩ và thợ thủ công thời kỳ cổ đại đã đạt tới trình độ mạ ở cấp độ rất cao, họ tạo ra những sản phẩm có chất lượng nghệ thuật không thể tốt hơn. Thậm chí ngày nay, với tất cả công nghệ hiện đại nhất, chúng ta cũng không dễ làm được như vậy”. – Đại diện ACS cho biết
Các nhà khoa học của ACS cho biết sẽ tiếp tục dành thời gian và nguồn lực để tìm hiểu về lĩnh vực này. Họ kỳ vọng sớm khám phá ra được công nghệ mà tổ tiên đã dùng. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho lĩnh vực màng phủ mỏng hiện đại và đặc biệt cho công việc bảo tồn những cổ vật và tác phẩm nghệ thuật vô giá.
Hoài Anh