Ví dụ về hội chứng ngưỡng cửa / doorway effect.
Hãy tưởng tượng:
- Bạn đang ngồi ở phòng khách xem tivi, ti vi có quảng cáo nhưng bạn không tìm thấy remote để đổi kênh. Bạn gọi hỏi và người nhà nói remote đang nằm trên kệ trong bếp nè.
- Bạn nhấc người lên đi vào bếp, và tự dưng điện thoại lại rung, có tin nhắn. Bạn lấy điện thoại xem tin và vẫn đi vào bếp.
- Sau khi trả lời tin nhắn bạn thấy bạn đang ở trong bếp, nhưng bạn không hiểu vì sao bạn cần phải vào bếp để làm gì, có việc gì mà phải vào bếp đâu!
- Đứng xớ rớ một hồi, bạn quyết định quay trở lại phòng khách mà quên đi việc lấy cái remote.
Đây là một ví dụ về hội chứng ngưỡng cửa, và hội chứng này không cá biệt riêng ai, ai cũng có thể gặp phải việc “mất trí nhớ” tạm thời này.
Ủa định làm gì đó mà sao quên mất rồi?
Hội chứng ngưỡng cửa là gì?
Diễn giải nôm na, hội chứng ngưỡng cửa là việc khi bạn đi vào một căn phòng và đột nhiên không nhớ ra mình đi vào phòng này làm gì. Các nhà tâm lý học cũng đã nghiên cứu khá nhiều về hội chứng này.
Vào thời kỳ đầu khi nghiên cứu não bộ, các nhà khoa học cho rằng não người giống như các ngăn tủ, và con người lưu trữ thông tin ở nhiều ngăn khác nhau. Khi cần nhớ việc gì người ta chỉ việc đến ngăn tủ đó lấy thông tin ra.
Rất tiếc não người không hoạt động như vậy, não người cực kỳ phức tạp và não thay đổi, phát triển trong suốt cuộc đời con người.
Bộ nhớ con người được lưu trữ theo “phân đoạn” chứ không rõ ràng rành mạch như một cuộn phim. Ví dụ hai người cùng chứng kiến một sự việc, cách hai người đó nhớ sự kiện và diễn đạt lại sự kiện là hoàn toàn khác nhau.
Các nghiên cứu về hội chứng ngưỡng cửa.
Gabiel Radvansky và cộng sự ở trường University of Notre Dame đã có nhiều nghiên cứu về hội chứng ngưỡng cửa. Trước mắt thì quan sát thấy có hiện tượng não bị quên ngắn hạn khi đi từ phòng này sang phòng khác.
Nghiên cứu cho những người thử nghiệm đi vào căn phòng ảo có 55 phòng to nhỏ khác nhau. Mỗi phòng có một cái bàn, trên bàn là một vật dụng, khi người thử nghiệm nhặt món đồ lên thì nó sẽ biến mất. Nhiệm vụ của người thử nghiệm là nhặt đồ từ bàn này đem sang bàn bên kia và nhặt tiếp một món mới.
Quan sát cho thấy “bộ nhớ” của những người thử nghiệm kém hơn khi họ đi qua các cánh cửa, so với việc họ đi cùng quãng đường mà không xuyên qua các cánh cửa.
Sau đó nhóm thử nghiệm thực hiện lại bài kiểm tra này ở môi trường thực và thu được kết quả tương tự.
Lý do vì sao có hội chứng ngưỡng cửa?
Cho đến nay vẫn chưa có giải thích thỏa đáng và chắc chắn nào cho hội chứng ngưỡng cửa, nhưng một số nhà tâm lý học tin rằng bước qua một cánh cửa hay khi bước vào một căn phòng khác, trong não sẽ xuất hiện một ”rào chắn', kiểu như não sẽ tạm thời reset bộ nhớ tạm để chứa thông tin mới, và vô tình làm bạn quên các thông tin cũ, hoặc quên việc đang cần làm.
Tin tốt là hội chứng ngưỡng cửa này không nói lên điều gì về khả năng nhớ hay nhận thức của bạn cả, nó cũng không liên quan đến bện Alzheimer và không phải là dấu hiệu của bệnh Alzheimer, chỉ là hiện tượng “đột nhiên bị quên” mà thôi.
Theo ScienceABC