Bên cạnh nâng cấp cấu hình phần cứng, năng lực xử lý đồ họa, HP cũng sử dụng ngôn ngữ thiết kế mới, trang bị màn hình có tần số quét 120Hz và đặc biệt hệ thống tản nhiệt chuẩn Max-Q của Nvidia.
Như đề cập trên, kiểu dáng sản phẩm đã hoàn toàn thay đổi, không còn dáng vẻ gì để người dùng liên tưởng đến dòng Pavilion trước đây. Thiết kế Omen 15 được phát triển dựa trên mẫu máy bay chiến đấu với dáng vẻ ngoài hầm hố, thể hiện chất game nhiều hơn. Đặc biệt Omen 15 cũng là laptop đầu tiên của HP được trang bị màn hình có tần số quét lên đến 120Hz.
Về cơ bản, tần số quét màn hình cũng giống số khung hình/giây (fps) trong game, giá trị này càng cao thì hình ảnh chuyển động càng mịn và mượt hơn. Những game thuộc thể loại hành động, eSport hoặc FPS, màn hình 120Hz (hoặc cao hơn) sẽ phát huy hiệu quả vì chúng thường có nhiều cảnh chuyển động rất nhanh, màn hình sẽ hiển thị được gấp đôi số khung hình trong cùng thời điểm. Thậm chí nếu có điều kiện dùng thường xuyên, bạn cũng nhận ra được sự khác nhau giữa trỏ chuột di chuyển trên màn hình 120Hz và 60 Hz.
Trở lại với thiết kế. Vỏ ngoài sản phẩm sử dụng chất liệu nhựa kết hợp sợi carbon để đảm bảo độ bền và sự gọn nhẹ. Biểu tượng đặc trưng của dòng Omen và các họa tiết cách điệu thành chữ X, tạo sự nhấn nhá thú vị. Đáng tiếc đây chỉ là các họa tiết trang trí đơn thuần, nếu có thêm LED nền sẽ mang lại hiệu ứng ánh sáng ấn tượng hơn khi sử dụng vào ban đêm.
Phần tiếp giáp với bản lề mỗi cạnh bên cũng lấy ý tưởng từ họng xả của động cơ phản lực. Nếu lướt sơ, bạn dễ nhầm tưởng đây là khe tản nhiệt, vị trí để lấy không khí vào làm mát các linh kiện phần cứng bên trong. Tuy nhiên nó chỉ mang tính trang trí và góp phần thể hiện sự hấp dẫn của mẫu laptop chuyên game. Khu vực quanh bàn phím và vùng kê tay lại sử dụng chất liệu hợp kim nhôm để hạn chế bụi bẩn và bám dấu vân tay. Hệ thống bản lề chắc chắn hơn so với phiên bản cũ nên màn hình ít bị rung hơn trong quá trình sử dụng.
Đáng ngạc nhiên là mặt dưới sản phẩm cũng được HP chăm chút không kém với logo Omen đặc trưng và các hoạt tiết khắc nổi, tạo độ bám tốt hơn khi bạn cầm giữ máy. Chân đế cao su cỡ lớn giúp chống trượt và tạo khoảng không với mặt bàn để đẩy luồng không khí vào bên trong dễ dàng hơn.
Đặc biệt, hệ thống tản nhiệt được HP thay đổi rất nhiều theo tiêu chuẩn Nvidia Max-Q, và đây cũng là một trong các điểm nhấn của sản phẩm. Theo đó, chuẩn Max-Q do Nvidia đưa ra nhằm định hướng các nhà sản xuất có thể tạo ra những laptop chuyên game có cấu hình đồ họa mạnh nhưng lại mỏng nhẹ như laptop dùng cho văn phòng.
Cụ thể độ mỏng của Omen 15 là 24,3 mm, tức bằng phân nửa so với laptop chuyên game trước đây và nặng chỉ 2,2 kg. Điều này khác hoàn toàn với định kiến của nhiều người dùng về laptop dành cho game thủ là phải hầm hố và nặng nề. Thực tế theo xu hướng gần đây, thiết kế dòng sản phẩm chuyên biệt này đã có nhiều thay đổi đáng kể, kích cỡ mỏng nhẹ thậm chí không hề kém nhóm siêu di động nhưng có hiệu năng đủ mạnh để đáp ứng tốt cả trong công việc lẫn nhu cầu giải trí di động.
Thử nghiệm thực tế với công cụ 3DMark Fire Strike Stress Test để kiểm thử tính ổn định của hệ thống và hiệu quả tản nhiệt. So với một số sản phẩm dùng hệ thống tản nhiệt cũ như MSI Ghost Pro GS60 6QE hoặc Dell Alienware 17 R3 thì hiệu quả cải thiện rõ rệt khi nhiệt độ cao nhất của GPU chỉ 67 độ và CPU là 79 độ.
Về cấu hình phần cứng mẫu Omen 15 mình thử nghiệm trang bị chip Core i7-7700HQ, màn hình 15,6 inch Full HD, đồ họa GeForce GTX 1050 Ti với 4GB GDDR5, RAM DDR4 8GB, hệ thống lưu trữ kết hợp giữa SSD 128GB chuẩn M.2 và cả ổ cứng truyền thống 1TB cho nhu cầu lưu trữ nội dung game, phim ảnh độ nét cao. Máy cũng cài sẵn Windows 10 bản Home và giá tham khảo khoảng 38 triệu đồng. Chi tiết phần thử nghiệm, mời các bạn xem trong bài review sắp tới nghe.
Xem thêm một số hình ảnh HP Omen 15