Nhiều người vẫn thường trực trong đầu một định kiến rằng những người xăm trổ là 'ăn chơi', 'giang hồ', hay 'đàn anh đàn chị'.
Thế nhưng bức ảnh về một thanh niên xăm trổ đang ngồi đấm lưng cho bố được đăng tải lên một diễn đàn dành cho giới trẻ đã nhận được nhiều cái nhìn tích cực từ phía cộng đồng mạng.
Kèm theo hình ảnh đặc biệt này là những dòng tâm sự xúc động của nhân vật chính về người bố của mình
Hình ảnh nhận được nghìn like từ dân mạng Việt
'Con còn nhớ hồi bé bố hay đánh con, lúc đấy con ghét bố lắm. Con chỉ muốn lớn thật nhanh để được ra ngoài xã hội, để được tự lập.
Lúc còn nhỏ tại con ham chơi, thiếu suy nghĩ, không chịu nghe lời bố dạy. Cứ mỗi lần con quậy phá, đánh bạn, bỏ học, thầy cô thông báo về nhà là bố lại cáu, lại đánh con mà đánh toàn bằng roi mây thôi, đau lắm.
Nhiều lúc còn không dám về nhà vì sợ bố đánh. Nhiều lúc con tự hỏi tại sao con lại sinh ra trong gia đình này, động một tý là bố dùng roi vọt, đã có lúc con muốn bỏ đi. Tuổi trẻ thiếu suy nghĩ con đã làm bố mẹ phiền lòng.
Rồi lớn lên khi con ra xã hội, con mới ngẫm được tình thương của bố mẹ dành cho con nhiều như thế nào.
Bố đánh con 1 thì trong lòng bố đau 10, cũng chỉ vì bố muốn tốt cho con, muốn con ngoan, Cũng chính nhờ những trận đòn nhừ tử đấy mà con thành người, để con không xa ngã vào những tệ nạn.
Bố đánh con để con khôn lớn, để con thành người chứ không đánh con chết. Nhưng nếu để xã hội nó đánh thì chúng nó đánh cho bằng chết chứ không đánh như bố. Giờ đây con thấy thương bố nhiều lắm.
Cho dù bố chỉ là một người nông dân nhưng những đồng tiền bố làm ra để nuôi dạy chúng con là những đồng tiền sạch, là mồ hôi nước mắt của bố, đôi khi phải đổ máu.
Con tự hào về điều đó chứ không như những ông quan chức cho con cái tiền bạc, thích cái gì có cái đó nhưng những đồng tiền đấy là đồng tiền bẩn, là những đồng tiền tham ô hối lộ, ăn chặn mồ hôi nước mắt của người khác mà có.
Bố luôn dạy con rằng 'đói cho sạch rách cho thơm. Nghèo về tiền bạc chứ không được nghèo về cách sống'
Hạnh phúc của con bây giờ chỉ là hàng ngày được nhìn thấy nụ cười của bố mẹ, đó là động lực để con luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn.
Cách con báo hiếu bố mẹ chỉ đơn giản là không để bố mẹ phải buồn, phải chịu khó làm để lo được cho bố mẹ lúc về già ốm đau bệnh tật.
Năm nay bố cũng gần 60 tuổi rồi, con chưa thành đạt nhưng với nỗ lực cố gắng của con bây giờ, bố mẹ thích cái gì con cũng mua được, thích đi đâu con cũng đưa đi được, ốm đau con có thể lo được cho bố mẹ bằng chính những đồng tiền sạch con tự kiếm ra.
Cảm ơn ông trời đã cho con được làm con của bố mẹ. Cảm ơn bố mẹ đã cho con một kiếp người. Con không hối hận.
Con yêu bố'.
Được biết, chàng trai - chủ nhân của đoạn chia sẻ xúc động trên có tên là Trần Đức Tuấn, sinh năm 1995 tại Hà Nam. Liên hệ với Tuấn, chúng tôi đã được cậu kể thêm về người bố của mình.
Trần Đức Tuấn đã có những chia sẻ xúc động về gia đình, đặc biệt về bố của mình.
Theo lời kể của Tuấn, cậu là con út trong gia đình nên được mọi người nuông chiều từ bé. Kể từ những năm tháng cấp II, Tuấn thường xuyên khiến bố mẹ buồn phiền: ham chơi, lười học, đánh nhau với bạn, cãi thầy cô…
'Bố mình lại rất nóng tính, thế nên những trận đòn roi luôn xuất hiện mỗi lần mình gây tội. Thậm chí còn đốt cả sách vở của mình nữa. Lúc đó mình hận bố lắm. Mình chỉ muốn lớn thật nhanh để ra khỏi gia đình', Tuấn nhớ lại.
Cuối năm lớp 9, Tuấn còn suýt bị bố đưa trại giáo dưỡng. Học được hết kì 1 năm lớp 10 thì Tuấn quyết định bỏ học, đòi đi làm.
Nghe xong mẹ thì khóc, bố thì từ mặt, mấy ngày sau đó hai bố con không nói với nhau câu nào. Bữa cơm cuối cùng Tuấn ăn với bố mẹ trước khi lên ô tô đi Hà Nội làm nhôm kính, bố chỉ nói với cậu đúng một câu: 'Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Đi làm thì cố gắng mà làm'.
Hiện tại, Tuấn đã có thể tự tay lo cho bố mẹ một cuộc sống ổn định hơn nhờ công việc xăm mình.
Mới đầu đi làm phụ nhôm kính vất vả, Tuấn bị người ta lừa nhiều. Lúc đó cậu mới thấy thấm thía, chẳng ai thương mình hơn bố mẹ.
Sau đó Tuấn quyết định xin đi học nghề xăm nhưng vừa mới xin thì bố mẹ đã phản đối kịch liệt, cấm không cho học. Nhưng Tuấn vẫn mượn tiền đi học, tranh thủ giấu bố mẹ đi học buổi tối.
'Khi học xong mình mang đồ nghề về quê, dẫn khách về nhà làm để chứng minh cho bố mẹ thấy cái nghề này cũng kiếm ra tiền. Sáng hôm đấy lúc khách mới đến nhìn mặt bố em cũng không hài lòng đâu.
Nhưng đến chiều, khi khách trả tiền công trước mặt bố mẹ mình thì bố mẹ mới giật mình. Rồi từ đó cũng dần ủng hộ.
Mình cũng gây dựng tự mở được một phòng xăm, thu nhập ổn định. Càng ngày mình càng thương bố thương mẹ nhiều.
Nhìn bố mỗi ngày một già đi mà mình thấy thương. Nhưng thương bố thương mẹ thì mình sẽ càng cố gắng. Giờ nhìn mình trưởng thành, bố mẹ mừng và tự hào về mình lắm'.
Theo Thế giới trẻ