Có thể nhiều người không biết đến kỹ sư Lê Anh Tuấn, nhưng đối với cộng đồng người khiếm thị, đây là cái tên không hề xa lạ. Lắng nghe và tiếp thu ý kiến, anh đã cho ra đời những ứng dụng trên smartphone thiết thực cho người khiếm thị tại Việt Nam. Những ứng dụng này đều do anh tự mày mò từ khâu thiết kế, lập trình và hoàn toàn phi lợi nhuận.
Anh Tuấn, cha đẻ của bộ đọc tiếng Việt dành cho người khiếm thị VnSpeak nổi tiếng một thời chia sẻ: “Để làm ra được một sản phẩm phục vụ người khuyết tật, việc đầu tiên là phải hiểu họ cần gì. Các sản phẩm cũng cần chính người khiếm thị thử nghiệm trước, sau đó lắng nghe và cải tiến theo nhu cầu của họ.”
Lúc đầu khi ra mắt VnSpeak, anh Tuấn chỉ đơn giản nghĩ sẽ tạo ra được một bộ đọc tiếng Việt cho người Việt. Tuy nhiên, sau khi công bố bản thử nghiệm, rất nhiều người khiếm thị đã gửi thư cho anh. Nhận ra được nhu cầu của cộng đồng người khiếm thị Việt Nam, từ đó anh Tuấn tập trung phát triển những ứng dụng chỉ dành riêng cho người khiếm thị, hoàn toàn không dùng cho các “dự án thương mại”.
Chia sẻ về quá trình xây dựng ứng dụng, anh Tuấn cho hay: “Vì làm một mình nên khởi đầu rất khó khăn. Lúc lấy mẫu đọc còn phải nhờ vợ mình thu giọng. Người khiếm thị rất nhạy cảm với âm thanh nên tốc độ nói có chênh lệch một phần hai, thậm chí là một phần tư giây họ đã phát hiện ra rồi. Vì thế quá trình lấy mẫu và ghép mẫu phải thực hiện lại rất nhiều lần.”
Hiện nay có rất nhiều bộ đọc thay thế ưu việt hơn, VnSpeak không còn được nhiều người ưa chuộng nhưng vẫn hỗ trợ cho một số dòng máy có cấu hình thấp. Đây được coi là bộ tổng hợp âm đa nền tảng tiếng Việt đầu tiên với giọng người thật.
Dựa trên nền tảng của bộ đọc VnSpeak, anh Tuấn hiện đã phát triển một số ứng dụng đọc cho người khiếm thị, gồm ứng dụng đọc truyện, đọc báo và đọc văn bản. Trong đó có 2 ứng dụng được khá nhiều người khiếm thị tin dùng hiện nay, đó là ứng dụng đọc báo NewsBack và ứng dụng đọc truyện NOFB.
Tuy nhiên, do điều kiện kỹ thuật tại Việt Nam không cho phép, nguồn tài trợ hầu như không có nên ứng dụng này còn một số hạn chế, như chỉ hỗ trợ cho Android hay phần mềm đọc báo phải cài đặt trước các nguồn báo mới sử dụng được.
Để người khiếm thị dùng được, trước tiên các ứng dụng này cần được thiết kế giao diện đơn giản, để ngoài màn hình chính giúp người khiếm thị dễ dàng tìm được và sử dụng. Các ứng dụng đọc báo, đọc truyện của anh Tuấn được đông đảo người khiếm thị trên cả nước tin dùng, nhưng nguồn tài trợ để phát triển ứng dụng thì hầu như không có.
Nhiều ứng dụng cho người khiếm thị được anh Tuấn phát triển và chia sẻ miễn phí
“Trên CH Play, có nhiều người vào đánh giá các ứng dụng đọc của tôi 1 sao kèm theo những comment chỉ trích ‘Ứng dụng tệ thật, quá buồn cho một ứng dụng Việt’. Nhưng họ không biết rằng ứng dụng đó chỉ dành riêng cho người khiếm thị, không phải ai cũng dùng được”, anh Tuấn cho biết.
Hiện nay, với các ứng dụng đọc chuyên biệt được tích hợp trên smartphone, người khiếm thị có thể dễ dàng sử dụng được các tính năng cơ bản của chiếc điện thoại. Đối với một người khiếm thị như anh Hoàng Văn Lý, biên tập viên của VOV Giao thông, những ứng dụng này giúp anh dễ dàng cập nhật thông tin. Do đặc thù nghề nghiệp nên anh cần cập nhật thông tin nhanh chóng và liên tục.
Để sử dụng ứng dụng, đầu tiên người khiếm thị cần thiết lập mở máy bằng nút nổi có sẵn. Sau đó ứng dụng đọc sẽ tự động đọc màn hình. Có một ưu điểm đáng kể là khi giọng đọc đang đọc tên ứng dụng nào, người khiếm thị chỉ cần chạm vào bất cứ chỗ nào trên màn hình cũng có thể mở được, không nhất thiết phải chạm đúng biểu tượng ứng dụng.
“Người bình thường sẽ cảm thấy rất khó nghe các giọng đọc, nhưng với người khiếm thị, nói nhanh như vậy mới đủ đáp ứng nhu cầu. Mới đầu dùng điện thoại cảm ứng còn chưa quen, nhưng lúc quen rồi thì thấy rất dễ, chỉ cần vuốt và chạm là có thể mở được tính năng mình cần dùng”, anh Lý chia sẻ.
Hiện tại, anh Hoàng Văn Lý và anh Lê Anh Tuấn cùng với các cộng sự đang thực hiện chương trình “Nhịp cầu ánh sáng” – Đem ánh sáng tri thức đến với người khiếm thị Việt Nam, mục đích huy động quyên góp các thiết bị công nghệ như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh cũ và mới để trao đến tay người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn.