Dưới sự chỉ đạo nghiệp vụ của Cục CSGT (Bộ Công an), lực lượng CSGT các địa phương đang tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm về việc lái xe uống rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép. Đánh giá của Cục CSGT cho thấy, vi phạm về nồng độ cồn ở các địa phương khá lớn song việc xử lý vẫn còn khiêm tốn, chưa phản ánh hết thực trạng vi phạm.
“Ma men” cầm lái
20h tối 28-10, khi bóng tối ngập tràn các tuyến đường của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), các nhà hàng, quán nhậu vỉa hè đang vào thời điểm “hút” khách, cũng là lúc các cán bộ chiến sĩ của Đội TTKS giao thông số 2, Phòng CSGT - Công an tỉnh Quảng Ninh ra các điểm nút giao thông làm nhiệm vụ. Bên cạnh công tác phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên tuyến, tổ công tác do Thiếu tá Nguyễn Quốc Trình, Phó Đội trưởng Đội TTKS giao thông số 2 làm Tổ trưởng, cùng CBCS Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Quảng Ninh) còn đảm nhận nhiệm vụ tập trung xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm về lỗi sử dụng rượu, bia. Theo Thiếu tá Nguyễn Quốc Trình, thông điệp “đã uống rượu, bia, thì không lái xe” đã cho thấy hậu quả khôn lường do rượu, bia gây ra đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người vẫn phớt lờ các quy định cấm, cố tình vi phạm.
Lực lượng CSCĐ, CSGT phối hợp kiểm tra đối với các trường hợp lái xe có dấu hiệu uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện
Trước những diễn biến phức tạp liên quan đến lỗi vi phạm rượu, bia, từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng CSGT - Công an tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần mở đợt ra quân tuyên truyền, xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn ở những khu vực trọng điểm, trong thời gian “nóng” về các vi phạm - sau bữa trưa, bữa tối, vào các dịp lễ, Tết và các ngày cuối tuần. 20h10... cột tiêu - biển báo giảm tốc độ, thông tin về “chốt kiểm tra nồng độ” được lập tại Km 118+900, Quốc lộ 18, thuộc địa phận thành phố Hạ Long. Tại đây, chúng tôi ghi nhận tất cả các trường hợp có dấu hiệu sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện ô tô, xe máy qua đây đều bị các cán bộ chiến sĩ của tổ công tác ra tín hiệu giảm tốc độ, dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn.
Dòng phương tiện mỗi lúc một đông, phát hiện vi phạm, tiếng còi của CSGT cất lên, kèm với đó là hiệu lệnh của lực lượng CSGT, CSCĐ yêu cầu lái xe taxi giảm tốc độ, dừng vào lề đường. Lái xe là Phạm Văn Tân (29 tuổi), ở TP Hạ Long với khuôn mặt ửng đỏ, mùi rượu, bia bốc lên nồng nặc. Tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trong máu của lái xe đã cho kết quả nồng độ cồn trong cơ thể vượt quá mức quy định. Ngay lập tức, lỗi vi phạm trên đã bị tổ công tác lập biên bản xử lý.
Không nương tay với vi phạm
Sau gần một giờ ghi nhận thực tế cùng Đội TTKS giao thông số 2, chúng tôi chứng kiến gần 10 trường hợp bị CSGT lập biên bản, xử lý với lỗi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đáng chú ý, qua tiếp xúc với những “ma men” cầm lái ô tô, hầu hết các trường hợp vi phạm đều viện dẫn 'nghìn lẻ một' lý do để biện minh cho lỗi vi phạm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra hậu quả khôn lường cho người đi đường, cũng như chính bản thân.
Những trường hợp này cho rằng chỉ uống “1-2 chén rượu”, “1-2 cốc bia” thì không thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, phản xạ khi điều khiển phương tiện được. Đơn cử như lái xe Phan Ngọc Đản, ở phường Hà Khánh (TP Hạ Long) sau khi bị dừng phương tiện và thấy máy đo nồng độ cồn của tổ công tác cho kết quả “0,241 miligam/lít khí thở” liền phân trần: “Tôi có biết là uống rượu bia thì không lái xe, nhưng tôi có mỗi đứa con gái mà hôm nay là sinh nhật cháu nên đã uống một chút rượu pha với nước coca...!”.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn được Cục CSGT chỉ đạo CSGT các địa phương triển khai quyết liệt trong thời điểm cuối năm
Có thể thấy rằng, việc xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ vốn đã gặp những khó khăn nhất định, đối với các trường hợp sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện vi phạm càng khó khăn hơn, khi người vi phạm bất hợp tác, không làm theo những yêu cầu của cán bộ làm nhiệm vụ. Điển hình như trường hợp tài xế Vũ Thanh Tuấn (29 tuổi), ở Hà Nội điều khiển xe ô tô mang BKS 30A-258.xx khi thấy tổ công tác yêu cầu kiểm tra hành chính và phát hiện nồng độ cồn trong khí thở vượt quá mức cho phép đã không ký vào biên bản vi phạm. Sau khi CSGT tuyên truyền, nhắc nhở cũng như với sự kiên quyết xử lý của tổ công tác, lái xe Tuấn đã buộc phải ký vào biên bản. “Với kết quả vi phạm trên, theo điểm a, khoản 6, điều 5, Nghị định 46/CP, ông Tuấn sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng; tạm giữ phương tiện 7 ngày; tước Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng”, Thiếu tá Nguyễn Quốc Trình cho hay.
Thông tin với phóng viên, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, xử lý vi phạm nồng độ cồn thường khó khăn hơn so với các vi phạm khác do người sử dụng rượu, bia nhận thức và hành động không thực sự chuẩn mực, có trường hợp còn tỏ thái độ lăng mạ, chống đối. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, CBCS làm nhiệm vụ vừa phải phân tích, tuyên truyền để ngưởi vi phạm hiểu rõ hơn hậu quả đi kèm với lỗi vi phạm sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là thế nào. Đối với những trường hợp cố tình không hợp tác, chống người thi hành công vụ, lực lượng chức năng sẽ tổ chức ghi hình, mời nhân chứng xử lý nghiêm đối tượng theo đúng pháp luật.
Minh Hải - Hoàng Phong (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/xu-ly-nghiem-lai-xe-su-dung-ruou-bia-van-cam-lai.html