Đại diện chủ đầu tư cho biết, sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể “dọa” sẽ hủy hợp đồng đã ký với nhà đầu tư và không cho thu phí trên QL6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình nếu dự án không về đích đúng tiến độ vào ngày 31-8 tới đây, nhà đầu tư và các nhà thầu rất nỗ lực để đưa dự án hoàn thành bằng cách đóng đầy đủ vốn chủ sở hữu; xây dựng tiến độ thi công tổng thể, chi tiết từng gói thầu; điều chuyển khối lượng, chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu; tổ chức giao ban hàng tuần tại hiện trường với các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát.
Đặc biệt, các nhà thầu đều đã tăng cường nhân lực, thiết bị triển khai thi công 3 ca liên tục đồng loạt tất cả các gói thầu trên toàn tuyến...
Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình vẫn ì ạch vì dòng vốn rót từ ngân hàng bị đóng băng
Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng do Ngân hàng SHB chi nhánh Ba Đình cam kết cung cấp cho dự án vẫn đóng băng từ ngày 1-11-2017 đến nay chưa được giải ngân với lý do chưa có ý kiến của Hội sở.
“Trong thời gian chờ ngân hàng tiếp tục giải ngân cho vay trở lại, doanh nghiệp dự án đã dùng toàn bộ nguồn vốn chủ sở hữu để thanh toán các khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu và được sự chấp thuận của Bộ GTVT. Đến nay đã cơ bản sử dụng hết nguồn vốn thu được từ nguồn thu phí QL6,” ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT QL6 Hòa Lạc-Hòa Bình (doanh nghiệp dự án) cho hay.
Theo ông Bát, để thực hiện được yêu cầu của Bộ GTVT, ngay thời điểm này, phải có nguồn tiền để thanh toán cho các nhà thầu nếu không sẽ không thể hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
“Có một thực trạng đáng lo ngại hiện nay xuất phát từ việc các nhà thầu chính đẩy mạnh thi công đạt được khối lượng thanh toán lớn nhưng chưa được ngân hàng giải ngân trở lại. Điều này đã dẫn đến khó khăn về nguồn vốn chi trả cho các khách hàng cung cấp vật tư, vật liệu,” ông Bát bày tỏ.
Về phía nhà đầu tư, Tổng Công ty 36 cũng mới phát đi văn bản đề nghị Ngân hàng SHB tiếp tục giải ngân nguồn vốn tín dụng cho dự án.
“Về bản chất, Ngân hàng SHB cũng có thể được coi như một chủ thể nhà đầu tư, bởi nguồn vốn mà ngân hàng SHB giải ngân cho dự án vay hiện được tính với lãi suất 11,7%/năm và được chi trả ngay từ nguồn thu phí theo quý.
Trong khi lợi nhuận của nhà đầu tư được ghi nhận tính trên phần vốn chủ sở hữu là 12%/năm và chỉ được chi trả nếu có kinh phí còn dư sau khi đã chi trả phần lãi vay, chi phí quản lý tổ chức thu phí. Chính vì vậy, Ngân hàng SHB phải cộng đồng trách nhiệm trong dự án này bằng việc tiếp tục giải ngân vốn vay cho dự án,” ông Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng Công ty 36 đề nghị.
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình được khởi công vào tháng 5-2014, hoàn thành vào 31-8-2016 (28 tháng), sau đó được lùi thời gian khai thác toàn tuyến vào 31-8-2017. Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.989 tỷ đồng. Dự án do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Do tiến độ của dự án quá chậm, đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu chủ đầu tư dự án phải thay thế nhiều nhà thầu kém năng lực, đẩy nhanh tốc độ. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của dự án này hiện là dòng tiền đổ vào dự án vẫn bị đóng băng gần 8 tháng nay.
Tuyến cao tốc này đã liên tiếp phải lùi tiến độ do khó khăn về nguồn vốn. Mới đây, Tổng Công ty 36 đã mua lại 9,5% cổ phần (khoảng 34 tỷ đồng) của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội (Hanco). Đồng thời, Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc cũng mới góp đủ phần vốn chủ sở hữu còn thiếu.
Ngân Tuyền (ANTĐ)
Nguồn : http://xehay.vn/cao-toc-hoa-lac-hoa-binh-lai-vo-tien-do-vi-tien-dong-tien-bi-dong-bang.html