Đầu tiên, các nhà khoa học tạo nên mô hình in 3D của chiếc tai bình thường cho phù hợp với cái có sẵn cũng như gương mặt của đứa trẻ. Sau đó họ tạo nên một chiếc khuôn để “đúc”. Bước tiếp theo, họ lấy tế bào sụn từ chiếc tai bị teo bẩm sinh và nuôi cấy chúng thành một chiếc khuôn sinh học (có thể phân hủy) trong vòng 3 tháng. Cuối cùng, ghép nối vào đứa trẻ để chiếc tai phát triển một cách hoàn thiện.
Trên thực tế, việc dùng tế bào của ai đó để nuôi cấy nên các bộ phận cho chính họ đã có từ lâu. Tessa Hadlock, giám đốc mảng phẫu thuật chỉnh sửa và phục hồi gương mặt tại Viện Tai Mắt Massachusetts, Boston nhận định: “Kỹ thuật này đã được áp dụng trước đây trên động vật. Ở con người thì nguy cơ ở đây là có thể bạn không kiểm soát được quá trình sinh trưởng của các tế bào, dẫn tới việc chúng phát triển quá mức cần thiết và tạo nên một khối u. Hiện tại những đứa trẻ trong nghiên cứu được báo cáo là vẫn khỏe mạnh.
Nhóm nghiên cứu cho biết phần lớn những chiếc tai đã được bắt đầu nuôi cấy trên những đứa trẻ từ 2 năm trước, duy có một trường hợp là mới được làm cách đây vài tháng. Giải thích cho thời gian quan sát khá lâu, nhóm nghiên cứu cho biết họ cần theo dõi để đảm bảo những chiếc tai không bị cơ thể đào thải và các tế bào mồi vẫn tiếp tục được phát triển bên trong chiếc khuôn có thể phân hủy. Như trong các bức ảnh có thể thấy được quá trình phát triển của chiếc tai mới qua từng giai đoạn, dần dần trở nên chi tiết và hoàn chỉnh hơn.
Dù kết quả là cực kỳ khả quan nhưng kỹ thuật nuôi cấy tai trên cơ thể người của nhóm nghiên cứu lần này rất phức tạp, đắt tiền và khó có thể áp dụng trên quy mô lớn. Dù vậy, tính tới hiện tại thì việc nuôi cấy ra một chiếc tai mới hoàn chỉnh với hình dáng như tai thật từ các tế bào sụn vẫn là một thành công đáng khích lệ của nền y sinh thế giới. Sắp tới, hy vọng họ sẽ tìm được những cách tiếp cận khác đơn giản, an toàn và có giá rẻ hơn để óc thể được nhân rộng và giúp được nhiều người hơn.