Dù có sự khác biệt trong cách tính toán nhiệt độ toàn cầu nhưng tựu chung lại, 2017 đã được các nhà nghiên cứu chính thức xác định là một trong những năm nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử và xu hướng tăng nhiệt độ sẽ tiếp diễn, cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu là có thật, đã đang và sẽ diễn ra ngày một khốc liệt hơn.
Theo phân tích của cả NASA lẫn NOAA, 5 năm có nhiệt độ nóng kỷ lục đều bắt đầu từ 2010. Nền nhiệt toàn cầu đã nóng lên khoảng hơn 1 độ từ năm 1880 và bất chấp tác động của hiện tượng thời tiết có tính quy luật như El Niño, nền nhiệt vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng. Dữ liệu của NOAA xét riêng tại Mỹ cho thấy nhiệt độ trung bình của nước này trong năm 2017 chỉ xếp sau năm 2012 và 2016. Đồng thời, 2017 cũng là năm nước Mỹ hứng chịu rất nhiều thiên tai với tổng số 16 vụ cháy rừng, hạn hán và các cơn bảo lớn, gây thiệt hại lên tới 306 tỷ đô la.
Đáng chú ý hơn, NOAA khẳng định nhiệt độ vùng Bắc Cực đang tăng với tốc độ gấp đôi so với những khu vực khác trên thế giới. Và tác động dễ thấy nhất là băng tan, lượng ánh sáng Mặt Trời phản xạ vào không gian ít đi dẫn tới lượng nhiệt tiếp tục được duy trì ngày một nhiều lên. Các biển băng ở Bắc Cực tiếp tục biến mất với tốc độ ngày càng nhanh. Điển hình như tính tới 12/2017, diện tích của biển băng Bắc Cực chạm ngưỡng nhỏ nhất tính từ 1979. Các khu vực thuộc Nam Băng Dương và Nam Cực dù có nhiệt độ thấp hơn một chút nhưng vẫn có xu hướng ấm lên.
Tất nhiên, anh em Việt Nam chúng ta cũng đã trải qua một năm khó khăn không kém với nhiệt độ biến động bất thường cùng hàng loạt những cơn bão cùng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Tất cả đều có phần nào ảnh hưởng từ sự biến đổi khí hậu và nóng lên có tính chất toàn cầu. Không muốn đề cập tới một tương lai ảm đạm nhưng rõ ràng, tất cả các mô hình dự đoán đều nhấn mạnh xu hướng ấm lên toàn cầu vẫn tiếp tục trong những năm tới, đi kèm với đó là hàng loạt những hiện tượng thời tiết khắt nghiệt mà con người phải đối mặt.
Tham khảo NASA, NOAA, Theverge