Thời điểm này cũng là lúc Xô Viết đẩy mạnh việc bán những chiếc trực thăng tấn công Mi-25 Hind-D, một bản xuất khẩu của chiếc Mi-24. Mi-25 nhận được nhiều sự quan tâm ở thời điểm đó vì nó là chiếc trực thăng duy nhất vừa có khả năng tấn công, vừa có khả năng chở theo 8 lính đặc nhiệm và yểm trợ cho họ khi cần thiết. Trong khi đó, Mỹ phải dùng đến 2 chiếc trực thăng cho việc này, một chiếc AH-1 Cobra để tấn công và một chiếc UH-1 để chở lính. Và theo lẽ đương nhiên, Mỹ rất muốn có được 1 chiếc để nghiên cứu xem Mỹ có thể khắc chế nó ra sao.
Vào khoảng thời gian mà Hind ra mắt và bắt đầu đi vào biên chế trong những năm 70, Cơ quan mật vụ Mỹ (CIA) và Anh (BIS) đã nhiều lần muốn tiếp cận chiếc trực thăng kỳ lạ này. Tất nhiên, chuyện này không dễ chút nào khi hai bên Nga và Phương Tây đang rất căng thẳng với nhau, bí mật quốc phòng được bảo quản cực kì kĩ lưỡng đến cả xác máy bay cũng phải được thu hồi hoặc phá hủy hoàn toàn.
Sự quan tâm của CIA và BIS càng lên cao hơn khi có tin rằng Ethiopia đã đưa chiếc Hind xuất khẩu (chính là Mi-25) vào tác chiến một cách thành công. Không lâu sau đó, Hind xuất hiện ở Afghanistan khi Xô Viết tham chiến và nó đã chứng tỏ hiệu quả trong việc tiêu diệt các nhóm tham gia vào 'thánh chiến' (mujaheddin) tại quốc gia này.
Nói cách khác, tình báo phương Tây cần phải biết xem Hind hoạt động ra sao, các loại vũ khí nó có thể sử dụng là gì, nó tác chiến như thế nào để đưa ra quyết định liệu Mỹ có cần phải thiết kế, sản xuất và đưa vào biên chế một đối thủ của Hind hay không. Và cơ hội để làm điều này xuất hiện khi người ta phát hiện ra một chiếc Mi-25 đã bị bỏ lại trên lãnh thổ của Cộng hòa Chad (thuộc khu vực Trung Phi) vào năm 1987.
Chiếc Mi-25 bị bỏ lại trên sa mạc, ảnh chụp bởi Steve Ouellette
Ngược dòng lịch sử một chút, Libya và Chad đã không hòa thuận với nhau từ lâu. Mối quan hệ của cả hai có thể tóm gọn bằng việc các nhóm phiến quân được hỗ trợ bởi Libya thường hay quấy rối chính phủ của người Chad. Việc Libya thường chiếm các vùng đất thuộc Cộng hòa Chad càng làm cho việc này tệ hơn.
Năm 1987, quân đội Chad có thể đẩy lùi hoàn toàn lực lượng của Libya ra khỏi biên giới năm 1987, lính Libya bỏ lại một lượng lớn khí tài quân sự, trong đó có súng đạn, nhiều xe cơ giới hạng nặng, các khẩu pháo hạng nhẹ, và đương nhiên không thể thiếu một chiếc Mi-25 nằm trong sa mạc với điều kiện còn khá tốt. Chiếc trực thăng này bị bỏ lại trong một sân bay cũ nằm gần khu vực Ouadi Doum.
Lãnh thổ Chad trên bản đồ
CIA, sau khi xác nhận rằng chiếc máy bay này thật sự tồn tại ở địa điểm trên, đã nhanh chóng đề ra kế hoạch chiếm lấy toàn bộ trực thăng, hoặc ít nhất phải thu được nhiều mảnh nhất có thể về nó, trước khi quân đội Libya phát hiện ra họ đang bị mất một chiếc máy bay. Tất cả hoạt động đều phải tiến hành một cách bí mật.
Sau khi thương thảo và được chính phủ Chad chấp thuận thông qua các kênh ngoại giao, CIA nhờ Bộ Quốc phòng Mỹ giúp, thế là cả hai chiến dịch đưa chiếc trực thăng Mi-25 về một cơ sở do Mỹ kiểm soát trước khi 'mổ xẻ' và phân tích sâu hơn. Nhiều nhà phân tích và các chuyên gia quân sự của CIA vô cùng háo hức trước sự việc. Cái tên Mount Hope III được chọn để làm mật danh cho kế hoạch táo bạo và nguy hiểm này.
Mệnh lệnh đầu tiên được đưa ra đó là CIA và Bộ Quốc phòng phải gom cho bằng được 1 nhóm các phi công đủ khả năng (và đủ điên) để tiến hành chiến dịch. Họ nghĩ ngay tới người của Quân đoàn Chiến dịch Hàng không đặc biệt 160, những người được đặt biệt danh là 'Night Stalkers'. Thế là bước chuẩn bị, gọi là Mount Hope II, được tổ chức vào tháng 4 năm 1987 tại bang New Mexico. Khí hậu khô và sa mạc nơi đây có thể mô phỏng lại khu vực mà chiếc Mi-25 bị bỏ lại, từ đó tạo ra một chiến trường sát với thực tế nhất có thể.
Vì việc di chuyển cả một chiếc máy bay thật nhanh chóng êm gọn không phải là chuyện dễ dàng, nhất là khi nó được ước tính có trọng lượng từ 17.000 đến 18.000 pound, tức khoảng 7,7 tấn. Một chiếc CH-47 Chinooks đã phải được điều chỉnh lại để có thể nâng được sức nặng của Mi-25 là bạn biết nó khủng khiếp cỡ nào khi mà bình thường Chinooks đã có thể chở được xe Humvee cùng nhiều loại vũ khí đạn dược. Móc nâng được gia cố thêm, động cơ và bộ truyền động cũng phải được kiểm tra và tinh chỉnh, vị trí móc cũng phải được chọn cho đúng để giữ cho toàn bộ chiếc trực thăng cân bằng.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, các phi công bắt đầu tập luyện vào buổi tối. Để thay thế cho Mi-25, người Mỹ đã buộc 6 thùng nước lớn bên dưới chiếc Chinook. Nhóm Night Stalkers lái chiếc Chinooks đến một căn cứ sau khi dừng lại để tiếp nhiên liệu 2 lần.
Lần thử nghiệm đầu tiên diễn ra trơn tru, nên ngay lần thứ 2 người ta đã thay các thùng nước bằng một bộ khung có kích thước và trong lượng gần giống chiếc Hind. Lại một lần nữa, Night Stalkers hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nên Mount Hope II kết thúc, đạt được kỳ vọng của tất cả quan chức CIA và Bộ Quốc phòng. Giờ thì họ đã sẵn sàng 'chơi hàng thật'.
Ngày 21/5, Phòng bầu dục ban hành lệnh thực hiện Mount Hope III. Ngay lập tức nhóm Night Stalkers được trang bị 'hàng họ' và mang theo 2 chiếc Chinooks lên một chuyên cơ vận tải C-5 Galaxy. Chiếc C-5 cất cánh đến Đức, sau đó bay tiếp tới sân bay Ndjamena nằm ở miền nam Chad. Lục quân Mỹ triển khai một nhóm trinh sát và bắn tỉa đến địa điểm bỏ lại chiếc Mi-25 để quan sát tình hình, xem xem có địch ở đó hay không vì quân Libya vẫn đang đóng cách đó không xa. Chính phủ Pháp cũng hỗ trợ bằng cách gửi một nhóm lính bộ và 2 chiếc Mirage F.1 để ngăn không cho bất kì máy bay chiến đấu nào tiếp cận khu vực. Mỹ cũng cử thêm một chiếc C-130 Hercules để chở nhiên liệu nạp cho Chinooks khi nó bay về cứ điểm được chỉ định.
Sau khi đến Ndjamena vào ngày 10/6, các phi công Night Stalker đem Chinooks ra khỏi C-5. Ngày 11/6, họ tiến hành nhiệm vụ như đã lên kế hoạch trước đó. Họ bay hơn 500 dặm biển, tức khoảng 926 km xuyên màn đêm để tới được chiếc Hind khi bình mình ló dạng. Một nhóm (Chalk 1) sẽ bay tới Ouadi Doum để đảm bảo khu vực này an toàn trước khi nhóm Chalk 2 đáp tới và đưa chiếc Mi-25 đi nơi khác.
Như đã nói ở trên, quân Libya đóng cách đó không xa dù phần lớn lược lượng này đã bị đẩy lùi ra khỏi biên giới Chad sau cuộc xung đột trước đó 1 năm. Chỉ một sơ suất nhỏ thôi là cả thế giới sẽ biết Mỹ đang âm thành chiếm đoạt vũ khí quân sự của Libya trên lãnh thổ của một nước khác. Điều đó rõ ràng là không tốt tí nào.
Sau khi Chalk 1 phân tích rủi ro và chắc chắn rằng mọi chuyện đều ổn, một nhóm đặc nhiệm bắt tay vào việc chuẩn bị móc, cáp gắn vào chiếc Mi-25. Khi trực thăng Chinooks của Chalk 2 tới, nó sẽ nhanh chóng cẩu chiếc trực thăng Xô Viết bay khỏi đây, và Chalk 1 cũng nhanh chóng 'dọn chợ' để rúi lui. Quân đội Libya hoàn toàn không biết những gì xảy ra cách chỗ họ chỉ vài dặm. Trên đường về, Chalk 2 dừng lại 2 lần để nạp nhiên liệu, một lần tại sân bay quân sự của Pháp, một lần tại địa điểm tạm, chỗ nào cũng có C-130 đợi sẵn.
Không lâu sau lần nạp nhiên liệu thứ 2, nhiệm vụ gặp một chút rắc rối khi có một cơn bão cát mạnh ập đến. Chiếc Chinook mang theo Mi-25 giờ chỉ còn cách cứ điểm 45 phút mà thôi. May mắn là Chalk 2 đã đáp xuống Ndjamena ngay trước khi cơn bão tràn tới, họ đã phải bay với tầm nhìn gần như bằng 0 và ngồi chờ 20 phút cho tới khi cơn bão đi qua. Cuối cùng, Night Stalkers cũng chở được chiến lợi phẩm tới nơi, đưa Mi-25 lên chiếc C-5 Galaxy và trong vòng 36 giờ sau họ đã đáp xuống đất Mỹ.
Chiếc Mi-25 được đưa vào trong Galaxy C-5 để chuẩn bị về Mỹ
Với tổng cộng 67 tiếng thực hiện, Mount Hope III đã thành công tốt đẹp, Mỹ đã có cơ hội tìm hiểu xem Xô Viết đang làm gì với Mi-24, Mi-25. Nhưng cuối cùng, Mỹ vẫn duy trì quyết định dùng 2 trực thăng như ban đầu và không làm ra đối thủ trực tiếp nào với Hind. Mount Hope III cũng là chiến dịch lớn đầu tiên mà Night Stalkers dùng những chiếc Chinooks của họ.
Nguồn: Wikipedia, TAC