Cách đây không lâu, thoả thuận khí hậu Paris quyết tâm giữ mức tăng nhiệt độ của hành tinh dưới mức 2°C. Mặc dù vậy, Liên Hiệp Quốc ngay sau đó đã đưa ra cảnh báo rằng bất chấp thỏa thuận quốc tế, nhiệt độ của Trái đất vẫn sẽ tăng khoảng 3°C vào năm 2030. Nhiệt độ toàn cầu tăng lên đồng nghĩa với việc mực nước biển cũng sẽ dâng lên, do sự tan chảy của các dòng sông băng cũng như các tảng băng lớn. Điều đáng sợ mà nghiên cứu mới chỉ ra nằm ở chỗ ngay cả khi chúng ta có thể kiểm soát mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu, mực nước biển vẫn có thể sẽ tiếp tục dâng lên trong nhiều thế kỷ sau đó. Chính vì lẽ đó, đưa ra dự đoán về mực nước biển dâng ở đâu, khi nào, và dâng bao nhiêu sẽ đặc biệt khó khăn nhưng cũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Các nhà khoa học dẫn đầu bởi tiến sĩ Svetlana Jevrejeva đến từ Trung tâm Hải dương học Quốc gia Anh đã dự đoán khả năng và vị trí của các khu vực bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng, với mức tăng nhiệt độ từ 2;4 hoặc 5 độ C. Họ tính toán và cho rằng vào cuối thế kỷ 21, 136 thành phố ven biển lớn nhất, trong đó bao gồm cả New York và New Orleans sẽ chứng kiến mực nước biển dâng lên ít nhất 0.9 mét, và có thể lên đến gần 2 mét. Khoảng 2,5 triệu người sẽ phải di dời ở Miami (Mỹ); 2,1 triệu người tại Quảng Châu, Trung Quốc; và 1,8 triệu ở Mumbai, Ấn Độ. Một số quốc gia nằm trong khu vực trũng, thấp chẳng hạn như Bangladesh và Việt Nam sẽ phải hứng chịu các thiệt hại hết sức nặng nề.
Với tốc độ gia tăng nhanh đến như vậy, các chuyên gia cho rằng con người cũng như sinh vật sẽ rất khó có thể thích ứng kịp, đặc biệt là đối với các quốc đảo nhỏ, các hệ sinh thái ven biển, tác động đến lịch sử và văn hóa của các khu vực này. “Những cộng đồng ven biển của các thành phố phát triển và các hệ sinh thái nhiệt đới ở ven biển vốn dễ bị tổn thương, sẽ phải mất một thời gian để thích ứng với mực nước biển dâng cao chưa từng có, kể từ buổi bình minh của thời kỳ đồ đồng”.
Nguồn: PNAS. Ảnh: Imgur