Đó là một nơi ồn ào bởi hoạt động của hàng tá máy móc và những tín hiệu âm thanh dùng để thu hút sự chú ý của những người giám sát. Paul Collins làm việc tại nhà máy này từ năm 1995, đảm nhiệm một vai trò ở cuối dây chuyền lắp ráp trong một bộ đồ kỳ quặc. Bắt đầu từ tháng 5 năm nay, ông ta đã được đã phát cho bộ đồ đó để thử nghiệm. Ông là một trong 4 công nhân làm việc ở khu vực Michigan tham gia vào quá trình sử dụng thí điểm khung xương trợ lực nhằm giảm chấn thương ở vai, với chi phí tài trợ bởi Hiệp hội Công nhân ô tô Hoa Kỳ.
Khung xương trợ lực không phải là một công nghệ mới, các tạp chí và tài liệu nghiên cứu cho thấy việc phát triển sản phẩm này đã được bắt đầu từ những năm 1960, chủ yếu dành cho mục đích quân sự. Tại Nhật Bản, các công ty như Panasonic, Honda và Cuberdyne thậm chí đã tung ra thị trường các bộ khung xương trợ lực như một giải pháp nhằm giảm gánh nặng cho người lao động khi dân số của quốc gia này đang ngày càng thu nhỏ và già đi. Không đứng ngoài cuộc chơi, một số công ty lớn của Mỹ như Ford, Siemens hay Lowe cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc phát triển khung xương trợ lực và ứng dụng nó cho nhân viên của công ty mình. Thế nhưng liệu khung xương trợ lực có thực sự hiệu quả và còn những hạn chế gì?
Khung xương trợ lực mà Paul Collins mặc khi làm việc tại nhà máy của Ford được sản xuất bởi Ekso Bionics, một công ty có trụ sở tại Mỹ. Đó là một bộ giáp không sử dụng điện, với một lớp đệm ôm lấy ngực trông như một chiếc ba lô. Phía sau của bộ khung xương này chính là thanh kim loại nhằm bảo vệ cột sống và một vòng đệm bao lấy cổ. Từ phần bảo vệ cột sống nối với cánh tay chính là hệ thống lò xo giúp Collins có thể với tay để lắp các thùng carbon vào chiếc Ford C-Max và vặn các vòng đệm kim loại lên những bộ phận của chiếc Focus, tốc độ khoảng 70 xe mỗi giờ. Mất vài tuần để Collins làm quen với bộ khung xương, trước khi bắt đầu nhận thấy hiệu quả của nó. “Sau khi mặc chiếc áo này cả ngày, mức năng lượng trong người tôi dồi dào hơn rất nhiều khi tôi trở về nhà”, ông nhận xét.
Tại một phòng thí nghiệm của Ford nằm ở Dearborn, Michigan, ông Marty Smets, một chuyên gia về công thái học đảm nhiệm vai trò điều hành. Một trong những nhiệm vụ của ông chính là sử dụng các cảm biến để đưa ra đánh giá về sức mạnh và thể lực của người lao động, sau đó dự báo về năng suất lao động trong vài năm tới khi một sản phẩm mới cần được lắp ráp. Kể từ năm 2011, Ford đã bắt đầu nghĩ tới giải pháp sử dụng khung xương trợ lực, theo ông Smets. Thay vì cố gắng để tạo ra cái gì đó mang đến cho người lao động sức mạnh của siêu nhân, ý tưởng của công ty là nhằm ngăn ngừa các tổn thương. “Năm 2016, con số các trường hợp bị thương tật trong thống kê của chúng tôi ghi nhận mức thấp nhất. Trong vòng 5 năm qua, chỉ số này đã giảm 83% và điều đó thật sự tuyệt vời”, Smets nói.
“Nhưng nếu tập trung nhìn vào những bộ phận vẫn còn bị thương, đó chính là vai. Chấn thương vai là chấn thương hàng đầu ở công ty chúng tôi, tiêu tốn nhiều thời gian nhất để bình phục và cũng tốn kém chi phí nhiều nhất”. Bộ khung xương mà Ekso tạo ra được bán với giá khoảng 6.500 USD mỗi bộ, nặng hơn 4 kg. Trong quá trình sử dụng, thiết kế trợ lực của cánh tay và phần cột sống giúp mọi áp lực khi bạn nâng thứ gì đó dường như tập trung ở phần eo, giảm thiệt hại tối đa cho cột sống hay vai.
Tại California, SuitX, một công ty khác đang phát triển khung xương trợ lực nhưng với hình thức là các mô đun ghép lại với nhau. Không giống như bộ khung xương của Ekso, sản phẩm sản xuất bởi SuitX vận hành nhờ điện. Tuy nhiên, Yoon Jeong, đồng sáng lập của SuitX cho biết việc tiêu thụ điện rất ít, chủ yếu là dùng để kích hoạt chứ không phải để hoạt động xuyên suốt. Ví dụ khi bạn đang ngồi xổm xuống để nhấc một thùng hàng nặng hơn 10kg lên kệ trên cao, phần chân của khung xương sẽ đẩy bạn khi muốn đứng lên mà bạn không cần phải dùng lực.
Với những gì mang lại, chẳng có gì ngạc nghiên khi giá mà SuitX định cho sản phẩm của họ không hề rẻ: 6.000 đô cho phần thân dưới và 4.000 đô cho phần trợ lực phía trên cơ thể. Thách thức của việc sản xuất khung xương trợ lực không đơn giản là làm sao cho nó càng nhẹ, càng gọn càng tốt; mà còn phải đảm bảo nó phải có một mức giá dễ dàng chấp nhận khi tung ra thị trường.
SuitX ngoài ra cũng có sản xuất một bộ khung xương trợ lực dùng cho y tế được gọi là Phoenix. Tại trụ sở của công ty, Jim Burnett đang thực hiện các bài vật lý trị liệu, ông di chuyển từng chút một nhờ sự hỗ trợ của Phoenix và một cái nạng. 14 năm trước, một tai nạn xe máy gây chấn thương tuỷ sống nghiêm trọng và khiến ông hoàn toàn bị liệt. Kể từ đó, mọi di chuyển trong sinh hoạt của ông đều phụ thuộc vào xe lăn, và hiện tại cứ mỗi tuần 1 lần, ông lại đến SuitX để tham gia vào thử nghiệm lâm sàng thực hiện bởi công ty này. “Tôi cảm nhận được sức mạnh của nó”, Burnett nói. “Thật sự rất tuyệt khi có thể đứng dậy và nhìn vào mắt mọi người”.
Nhưng vấn đề là Phoenix có giá cả chục ngàn đô la. Theo kế hoạch, SuitX sẽ bán nó như một thiết bị y tế nhưng sản phẩm này hiện vẫn chưa được phê duyệt bởi FDA. Vì vậy, họ quyết định bán nó như một mặt hàng thương mại thông thường và theo tiến sĩ Kazerooni, đồng sáng lập và là giám đốc của SuitX, đến nay, công ty đã bán được khoảng 300 bộ. “Mặc dù đang nghiên cứu lâm sàng nhưng chúng tôi vẫn bán sản phẩm công nghiệp của mình đến nhiều nơi và doanh thu rồi sẽ có”, ông nói. “Doanh thu hiện chưa đủ để chúng tôi hoạt động độc lập, do đó, chúng tôi vẫn đang gây quỹ để tiếp tục”.
Thời gian tới, SuitX dự định sẽ phát triển thêm những bộ đồ thông minh và tăng cường khả năng kết nối, với mục tiêu là nhắm đến những người già và các vận động viên muốn cải thiện việc tiêu thụ oxy và chạy xa hơn mà không biết mệt mỏi. Có thể thấy ngoài lĩnh vực quân sự, khung xương trợ lực chính là tương lai của y tế và nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Khi ngày càng trở nên hoàn thiện, phổ biến và có chi phí hợp lý hơn, nó chắc chắn sẽ là giải pháp giúp cải thiện sức khoẻ cho những người lao động tay chân trong tương lai gần.
Nguồn: The Verge