Các nhà khoa học dự đoán viễn cảnh khi Mặt Trời phình to thành sao khổng lồ đỏ nhờ hình ảnh mới từ kính viễn vọng.
Các nhà thiên văn học thu được những hình ảnh mới của một sao đỏ khổng lồ từng có khối lượng giống Mặt Trời nhờ kính thiên văn Atacama Large Millimeter/submillimeter Array (ALMA) ở Chile, qua đó hiểu thêm về những gì xảy ra với hệ Mặt trời trong tương lai, Business Insider hôm qua đưa tin.
Quỹ đạo của Trái Đất và một số hành tinh khác quanh Mặt Trời. (Ảnh: Business Insider).
Những hình ảnh mới từ kính viễn vọng cho thấy một ngôi sao đỏ khác từng có khối lượng ban đầu giống Mặt Trời nhưng giờ đã phình to khi bước sang nửa sau của vòng đời.
Ngôi sao đỏ này có tên W Hydrae , cách Trái đất 320 triệu năm ánh sáng, thuộc chòm sao Trường Xà. Bán kính của nó giờ lớn gấp đôi khoảng cách hiện nay giữa Trái đất và Mặt trời. Đó cũng là điều có thể xảy ra với Mặt trời trong tương lai xa.
Những ngôi sao như vậy sẽ phình to khi 'về già' , mất khối lượng do gió sao tác động và nguội đi khoảng 50%. Điều này nghĩa là nếu một hành tinh trong hệ Mặt trời không bị nuốt chửng, nó cũng sẽ trở thành một vùng đất cằn cỗi cực kỳ lạnh lẽo và nhiễm bức xạ.
Sao W Hydrae trong vũ trụ. (Ảnh: Business Insider).
Sao đỏ khổng lồ cũng giải phóng rất nhiều nguyên tố vào vũ trụ. Chúng sau đó có thể tập hợp lại nhờ quá trình tập trung khí và năng lượng để hình thành những ngôi sao mới. Sao khổng lồ đỏ còn giải phóng các vật liệu có thể thiết yếu để tạo nên điều kiện phù hợp cho sự sống ở các hành tinh và mặt trăng khác.
Ngoài việc tìm hiểu thêm về sự diệt vong của Trái đất khi Mặt trời sắp 'chết' , các nhà khoa học còn nghiên cứu sao đỏ để biết được vai trò của chúng trong việc hình thành các ngôi sao hay hệ hành tinh.