Không khó để bắt gặp những trường hợp vận chuyển bình gas bằng xe máy, có những người còn chở 4-5 bình gas loại 12kg cùng lúc, phóng với tốc độ cao trên đường phố. Việc chở nhiều bình gas cỡ lớn, chở sai quy cách không chỉ gây nguy cơ cháy nổ mà còn có thể gây tai nạn giao thông. Trong trường hợp như vậy, chỉ cần bị va chạm với phương tiện khác hoặc rơi bình gas xuống đường cũng có thể gây cháy, nổ.
Hình ảnh nguy hiểm thường thấy trên phố Hà Nội
Sai một ly đi một dặm
Chiều 5-6, một nam thanh niên dùng xe máy chở 7 bình gas loại 12kg đang lưu thông trên đường Bùi Văn Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bất ngờ một bình gas bùng cháy dữ dội. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ 7 bình gas và chiếc xe máy. Trong lúc người dân đang tìm cách dập lửa thì nhiều tiếng nổ lớn vang lên, các bình gas bay tứ tung.
Một chiếc bình gas bị nổ xé tan vỏ thép văng vào quán bánh mì gần đó làm vỡ tan tủ kính. Mọi người sống trong khu vực và người đi đường thấy vậy đã hoảng hốt bỏ chạy. Trước đó, ngày 14-4, xảy ra vụ nổ bình gas mini tại khu nhà trọ trong hẻm 903, đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM đã làm một phụ nữ 31 tuổi tử vong tại chỗ.
Những tai nạn như trên, trong thời gian qua không còn là hy hữu nữa, mà trở nên phổ biến tại các đô thị lớn. Sở dĩ dẫn đến nguyên nhân trên, theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, do người dân chủ quan, thiếu kiến thức trong cách sử dụng, vận chuyển bình gas. Thực trạng này đang phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đe dọa cuộc sống người dân.
Theo phân tích của chuyên gia PCCC, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội: “Khi vận chuyển bình gas bằng xe máy nếu chẳng may rơi xuống đường sẽ làm bình gas tăng áp suất, vỏ thép ma sát lớn phát sinh lửa và gây cháy nổ. Hơn nữa trong trường hợp bị rơi xuống đường, van áp suất bình gas bị gãy nên khí gas lọt ra gặp hệ thống đánh lửa của xe máy gần đó sẽ gây cháy, phát nổ. Chính vì vậy đối với việc vận chuyển gas đã có quy định rất chặt chẽ. Khi vận chuyển bằng ô tô, phải xếp đứng bình, có các vỏ nhựa ngăn cách giữa các bình để chống va đập; có các thông tin cảnh báo, biển cấm lửa trên thành xe và đặc biệt có đầy đủ phương tiện chữa cháy theo quy định từng loại hình khí hóa lỏng. Điều quan trọng nữa, chiếc xe đó phải được cấp phép chở gas theo luật định và những lái xe phải được tập huấn về PCCC, sử dụng phương tiện chữa cháy thành thạo”.
Xử lý nghiêm vi phạm
Hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 2.000 cửa hàng, cơ sở kinh doanh gas. Theo ước tính trung bình, mỗi cửa hàng có ít nhất 2 nhân viên chở gas bằng xe máy. Như vậy, trên đường phố Hà Nội có ít nhất khoảng 4.000 người chở gas bằng xe máy. Với việc di chuyển thường xuyên trên đường phố, nếu không tuân thủ quy định nghiêm ngặt về chở gas thì khó có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra.
Chưa kể, trong những người này, chủ yếu là chạy theo chuyến, tính tiền theo số lượng bình nên người nào cũng muốn chở được nhiều, nhanh. Từ đây dẫn đến việc cẩu thả trong vận chuyển, buộc giữ hàng hóa, tham gia giao thông vi phạm tốc độ gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Nhằm hạn chế tối đa việc cháy nổ do gas gây nguy hiểm, đơn vị đã lập hồ sơ từng cơ sở kinh doanh, tuyên truyền việc sắp xếp gas an toàn tại cửa hàng, đồng thời khuyến cáo việc vận chuyển gas bằng xe máy chỉ được chở 1 bình và có giá hàng để bình gas dựng đứng chứ không đặt nằm ngang. Bên cạnh đó, các chủ cơ sở phải thường xuyên kiểm tra độ bền của bình, thay thế bình han gỉ, móp méo để khi vận chuyển trên phố an toàn cho người dân”.
Có lẽ để hạn chế những tai nạn không đáng có, cần có quy định xử phạt chủ cơ sở khi để nhân viên vận chuyển bình gas sai quy cách. Mặc dù đây là việc làm không đơn giản, song phải có biện pháp mạnh để tránh những hiểm họa khôn lường trên phố, bởi những nhân viên chở gas có thể gây ra bất cứ lúc nào.