Xe độ đi bão ngày xưa và xe độ bây giờ xe nào mạnh hơn?
LƯU Ý
Bài viết này là công cụ để mình và anh em đối chiếu lực máy giữa xe độ đi bão ngày trước và xe độ bây giờ thông qua những lập luận mà mình đã thu thập được. Tuyệt đối mình sẽ không cổ súy cho hành động đua xe trái phép.
Nếu muốn thể hiển trình độ và đẳng cấp, các bạn nên tự bỏ tiền ra canh một chiếc xe thật mạnh rồi vào sân đua thể hiện. Bây giờ đã có đủ mọi điều kiện, có rất nhiều sân chơi để thử sức giống như: Drag, sân 2 cua, sân 1 cua,...
Còn đường phố là nơi phục vụ nhu cầu đi lại, không nên đem xe ra thể hiện làm mất trật tự an toàn giao thông. Hơn nữa còn nguy hiểm đến tính mạng của bản thân và người đi đường.
Từ mục đích và nhiệm vụ, chúng ta hoàn toàn có thể suy ra được phần nào về độ 'KHỦNG' giữa hai thể loại
Đối với xe độ ngày xưa, mục đích chúng sinh ra là để chủ nhân có thể khẳng định cái tôi bằng cách chiến thắng những đối thủ trong những cuộc dợt xe ngắn hạn trong vòng vài trăm mét hoặc cao lắm là dưới 2 ki lô mét.
Lúc chiến thắng thì chiếc xe của bạn sẽ được tôn làm chiếc xe lực nhất, được phép dẫn đầu đoàn bão và cuối cùng là được mọi người chú ý tới. Khi hơn thua với một tay 'quái xế' nổi tiếng mà ăn được họ thì tiếng tăm của bạn chắc chắn còn lan xa hơn, làm nhiều người tò mò và muốn tới 'Giao Lưu' với bạn.
Bởi vì tính hơn thua sống chết nên người thợ độ sẽ làm tất cả mọi thứ để chiếc xe mình canh ra trở nên mạnh mẽ nhất có thể. Đồng nghĩa với việc tay ga có thể bị hụp sâu ở vài ngưỡng ga, lên ga nặng, tiếng máy xào, côn bóp nặng, vào số khó,... Thậm chí là giảm độ bền của động cơ.
Miễn sao có thể giúp cho người lái chiến thắng là được, nếu động cơ có hư hỏng hoặc nát cỡ nào đi nữa thì cứ đẩy về lò rồi sửa chữa. Đó là lí do tại sao những anh em chơi xe độ ngày xưa lúc nào cũng trong tình trạng 'viêm màng túi' vì bị chiếc xế cưng của mình hút máu.
Còn xe độ bây giờ thì chủ yếu anh em canh để phục những chuyến hành trình xa, vậy nên độ bền phải được ưu tiên hàng đầu. Dĩ nhiên việc cục máy độ trở nên bền hơn sẽ động nghĩa với chuyện nó sẽ không bao giờ được phép hoạt động ở tần suất cao, vậy mới đảm bảo được thời gian sử dụng lâu dài.
Hơn nữa khách hàng bây giờ còn đòi hỏi cảm giác lái phải thật mượt mà và không quá khó điều khiển. Vậy nên việc giảm sức mạnh lại của các lò độ cũng là điều dễ hiểu, khi bây giờ một chiếc xe độ máy phải cần có sự ổn định khi vận hành và dễ lái giống như xe zin.
Xe độ ngày xưa có rất nhiều bài độ dù công nghệ thua xa bây giờ
Dù ngày xưa không có quá nhiều phụ tùng hiệu suất cao nhưng để chiếc xe mạnh mẽ nhất có thể thì những anh em thợ rất hay sáng chế ra những bài độ độc nhất vô nhị.
Lúc ấy bàn Dynojet chưa phổ biến nên mọi người không có cách nào để biết được công suất tối đa là bao nhiêu và độ bốc bao nhiêu là đủ. Cho nên anh em sẽ thường cố gắng gia tăng dung tích của động cơ để đạt được sức mạnh tốt nhất.
Những bài độ lúc ấy đa số toàn là gia tăng dung tích xi lanh bằng cách nâng hành trình dên và sử dụng trái piston cỡ lớn. Thậm chí có một chiếc Exciter độ trái 96mm, vậy nên việc có sức mạnh khủng cũng là điều dễ hiểu.
Một điều đặc biệt nữa khi ra sân chơi đường phố là nếu bạn hỏi người khác đang sử dụng bài độ gì thì họ sẽ tuyệt đối bảo mật. Nhằm tránh để bạn bắt chước và canh ra một chiếc xe có sức mạnh nhỉnh hơn họ.
Còn xe độ bây giờ thì có rất nhiều phụ tùng hiệu suất cao đến từ các hãng khác nhau để anh em lựa chọn. Tuy nhiên chúng đa số đều để phục vụ những bài độ phổ biến như: Pô xăng lửa, Full 150, 62zz, 65zz, 68zz...
Dựa trên nền tảng của một bài độ mà bạn yêu cầu, anh em thợ sẽ lựa chọn những phụ tung theo ý của họ và có chút chỉnh sửa để phù hợp với nhu cầu của bạn.
Vậy nên ai cũng sẵn sàng công khai bài độ mà họ làm cứng tay để cho người khác biết, chỉ có khác ở chỗ họ có canh xăng gió riêng và sử dụng phụ tùng từ thương hiệu khác. Cho nên xét về độ đa dạng thì dù bây giờ có nhiều phụ tùng hiệu suất cao nhưng các bài độ vẫn không thể nhiều bằng lúc trước.
Nguồn tham khảo : Andy Vu và VinhPhan07