Kỹ sư người anh Brian Crighton đã đứng sau dự án xe đua chạy máy rotary Norton RCW588 từ năm 1988 đến 1994, cũng như chiếc NRV588 làm sống lại ý tưởng ứng dụng động cơ xoay vào năm 2009 khi thương hiệu Norton tái sinh. Sau đó ông đã phát triển chiếc CR700P dưới công ty mang tên mình là Crighton Motorcycles vào năm 2013, và bây giờ CR700W đã được ra mắt để trở thành chiếc mô tô vận hành bằng động cơ rotary hoàn hảo nhất trong lịch sử.
Về thiết kế, bất kỳ ai cũng có thể nhận ra mối liên hệ giữa CR700W với người tiền nhiệm CR700P. Xe sở hữu khung nhôm đôi được đánh bóng, tương tự thiết kế Spondon của Norton RCW588 nguyên bản. Bộ gắp sau trên CR700W cũng được hoàn thiện tương tự, trong khi hình dạng bộ quây - với hai hốc gió hình tam giác ở phía trước và đường cong lõm dưới gầm giống như chiếc NRV588 năm 2009. Chỉ ở phía sau, CR700W mới trở nên khác biệt với pô lớn đút gầm hình tam giác lồi thay vì nằm bên thân xe.
Sức mạnh cho chiếc superbike này được cung cấp bởi động cơ xoay được cải tiến toàn diện do hãng Rotron sản xuất. Nó có 2 rotor xoay, dung tích chỉ 690cc nhưng đạt công suất tới 220 mã lực tại 10.500rpm và mô-men xoắn cực đại 142Nm tại 9.500rpm. Những con số này rất ấn tượng và tương đương với những superbike 1.000cc 'xịn' nhất hiện tại trên thị trường. Tuy nhiên việc so sánh này chỉ mang tính chất tương đối, vì động cơ xoay rotary có cách hoạt động khác hẳn với động cơ đốt trong dùng piston truyền thống.
Khi mỗi rotor hoàn thành 1 chu kỳ đốt cháy trong một vòng quay, thì mỗi xi lanh của động cơ 4 kỳ cần hai vòng quay đầy đủ để hoàn thành một chu kỳ. Chính vì vậy chúng giống với động cơ 2 kỳ hơn. Điều đó có nghĩa là một động cơ xoay có thể nạp gấp đôi lượng không khí trên mỗi vòng quay so với một động cơ 4 kỳ. Do đó trên lý thuyết, thiết kế động cơ này trên lý thuyết sinh công gấp đôi so với máy sử dụng piston truyền thống với cấu hình tương đương.
Tuy nhiên, một động cơ rotary lại nhỏ hơn nhiều so với ngay cả cỗ máy 2 kỳ với dung tích tương đương, trong khi có số lượng các chi tiết hoạt động ở mức tối thiểu. Trên thực tế chỉ có những rotor hình tam giác lồi là bộ phận chuyển động. Crighton cho biết động cơ của CR700W chỉ dài 34cm và đường kính 24cm, chỉ nặng 24kg hoặc 43kg nếu bao gồm cả hộp số Nova Transmission sáu cấp. Tuy nhiên nhược điểm chính của loại động cơ này đó là 3 gioăng đỉnh của mỗi rotor hình tam giác lồi.
Trước đây do công nghệ và vật liệu chưa phát triển, các gioăng nhanh chóng bị hỏng do nhiệt độ và ma sát, khiến động cơ xoay giảm hiệu suất và phát thải nhiều sau một thời gian sử dụng ngắn hơn máy piston. Nhưng trên CR700W, giải pháp của Crighton và Rotron là gioăng bằng sứ silicon nitride ghép từ 2 mảnh có độ ma sát thấp, được cho là hầu như loại bỏ hoàn toàn sự mài mòn. Và do là một superbike chỉ sử dụng trên đường đua, nhược điểm phát thải nhiều cũng không phải là vấn đề quan trọng.
Nhờ việc sử dụng động cơ xoay, CR700W đạt được những chỉ số trọng lượng không thể gặp được trên một chiếc xe với máy piston thông thường. Theo Crighton, CR700W chỉ nặng 129,5kg khô - mặc dù con số này còn có được là nhờ vào cặp mâm Dymag CA5 và dàn vỏ bằng sợi carbon. Những phụ tùng khác của chiếc xe cũng là hàng 'đỉnh của top' như heo Brembo GP4RR phía trước, sau Brembo P2 34 Billet Nickel, phuộc Bitubo hoặc Ohlins... Khách hàng cũng có thể tự do cấu hình chiếc xe theo ý muốn.
Và nhân nói về khách hàng, sẽ chỉ có tổng cộng 25 chiếc CR700W được bán ra cho họ. Và mỗi người sẽ phải trả số tiền lên tới 85.000 Bảng Anh (tương đương gần 2 tỷ đồng). Mỗi chiếc xe sẽ được lắp ráp thủ công bởi chính Brian Crighton, dù ông năm nay đã 73 tuổi.
Quang Nam
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)